Về Trung Hóa ăn Tết Độc lập!

Hàng năm, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, người dân xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) lại tổ chức ăn Tết Độc lập, đây được coi là cái tết to thứ 2 trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán...

Về Trung Hóa những ngày tháng Tám lịch sử này, khắp các thôn xóm, làng mạc, đâu đâu cũng bắt gặp một không khí rực rỡ, vui tươi của cờ, biểu ngữ. Trong mỗi gia đình người dân ở Trung Hóa, bà con đều chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật của làng quê.

Nhà nào cũng gói bánh chưng, bánh ú bằng thứ gạo nếp ngon nhất. Ba bốn nhà chung nhau cùng mổ một con lợn, rồi thịt gà, vịt, mua hoa quả chuẩn bị làm một mâm cơm tươm tất dâng lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ, tưởng nhớ công ơn trời biển của Người…

Năm nào cũng vậy, ông Cao Ngọc Tình, Trưởng thôn Thanh Liêm 1 (xã Trung Hóa), đều có một bức ảnh Bác Hồ mới để thay thế bức ảnh cũ trên bàn thờ được ông đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Con cháu ông, một người một tay phụ giúp ông lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để đón Tết Độc lập.

Những ngày này trên những con đường, thôn xóm ở Trung Hóa đều rực rỡ cờ, biểu ngữ.
Những ngày này trên những con đường, thôn xóm ở Trung Hóa đều rực rỡ cờ, biểu ngữ.

"Con, cháu của tôi đông, ở gần có, ở xa cũng có nhưng hầu như vào dịp Tết Độc lập năm nào cũng cố gắng về đầy đủ. Theo truyền thống, đêm 1/9, cả gia đình tôi làm một mâm cơm, hoa quả đặt lên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Bác Hồ, trước để tưởng nhớ Người và ông bà tổ tiên, sau là các thành viên trong gia đình tự răn dạy mình hãy học tập Bác, sống thiện tâm, tích cực cống hiến xây dựng quê hương, đất nước và lập thân, lập nghiệp.”, ông Tình tâm sự.

Bà Cao Thị Thu Sáu, cán bộ Văn hóa xã Trung Hóa cho biết, ở địa phương không chỉ một mình gia đình ông Tình tổ chức ăn Tết Độc lập mà hầu như nhà nào cũng vậy, đây là một nét đẹp văn hóa mà người dân nơi đây duy trì suốt 73 năm qua.

Các thế hệ người dân Trung Hóa đang lao động, sản xuất tại địa phương cũng như con em đi công tác xa đều tự hào về quê hương mình vì đã duy trì được ngày Tết Độc lập rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Theo các bậc cao niên ở xã Trung Hóa, trước đây, người dân xã Trung Hóa cũng ăn rằm tháng bảy như các địa phương khác, nhưng từ sau năm 1945, để ghi nhớ ngày Quốc khánh 2/9, các bậc chức sắc trong xã đã vận động nhân dân ăn Tết Độc lập vào ngày Quốc khánh 2/9.

Từ đó đến nay, Tết Độc lập đã được duy trì như một nét văn hóa có ý nghĩa để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến lịch sử của dân tộc và các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh xương máu của mình giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đặc biệt, năm 1969, khi người dân Trung Hóa đang vui Tết Độc lập thì nghe tin Bác Hồ mất. Để tỏ lòng tiếc thương Người, trong mỗi ngôi nhà của xã Trung Hóa, người dân đều lập bàn thờ, để tang Bác đúng 10 ngày đêm và thường xuyên hương khói. Và từ đó, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, người dân Trung Hóa cũng bày mâm cơm để cúng mừng Tết Độc lập và cũng là để cúng giỗ Bác Hồ.

Năm nào cũng vậy, Tết Độc lập ở xã Trung Hóa cũng gồm có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ mừng Tết Độc lập, người dân Trung Hóa thường làm một mâm cơm và đĩa ngũ quả đặt lên bàn thờ gia tiên và Bác Hồ. Phần hội thường tổ chức những trò chơi dân gian như đánh đu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…

“Thường thì sau khi làm lễ xong, người dân ở Trung Hóa tổ chức đi chơi, thăm nhà nhau và ăn uống 3 ngày ba đêm như Tết Nguyên đán. Sau lễ cúng, người ta tổ chức “mời chùm” và “ăn chùm”, nghĩa là anh em, bà con, xóm làng, thông gia mỗi nhà làm một bữa rồi mời nhau. Hôm nay nhà này mời, hôm sau nhà khác mời….”, cụ Trương Văn Mạnh, một bậc cao niên ở thôn Thanh Liêm 1, xã Trung Hóa chia sẻ.

Cũng theo các bậc cao niên ở xã Trung Hóa, trong ngày Tết Độc lập, hầu như nhà nào ở đây cũng nấu bánh chưng, bởi nếu không có bánh chưng thì không phải là Tết. Đây được coi là nét đặc trưng trong ngày Tết Độc lập của người dân nơi đây. Những cặp bánh chưng thơm dẻo được nấu từ thứ gạo nếp ngon nhất, cùng với nhiều món ăn ngon khác được được bày ra đĩa để thắp hương tổ tiên, Bác Hồ. Sau đó, các thành viên trong gia đình, bạn bè, làng xóm cùng nâng cốc chúc sức khỏe, thành công và mừng ngày Quốc khánh…

Sau Tết Độc lập, khi trở lại nơi ở và công tác, chắc chắn rằng, mỗi người con Trung Hóa xa quê đều ghi dấu kỷ niệm về ngày Tết Độc lập, nét đẹp văn hóa của quê hương. Để rồi nhắc nhớ nhau, Tết Độc lập năm sau lại tìm về. Còn với người dân Trung Hóa ở quê nhà, họ lại cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, để Tết Độc lập năm sau được tổ chức lớn hơn, vui hơn năm trước.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.