Cả làng khóc mếu vì “khát nước”
Đã hàng chục năm các hộ dân sinh sống ở My Điền coi nguồn nước là tài sản quý giá và họ phải sử dụng tằn tiện nguồn nước sinh hoạt. Toàn bộ hệ thống giếng khoan trong vùng chỉ vài ba tháng thì đều “rủ nhau” hết nước.
Đáng nói, hiện tại nguồn nước mặt duy nhất ở vùng là một cái ao nhỏ nằm đầu làng. 50 năm sinh sống ở làng, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, từ trước chưa bao giờ bản thân nghĩ làng sẽ hết nước. Thế nhưng gần đây tình trạng không có nước sinh hoạt lại ngày càng hiện hữu.
Đáng nói, hiện nguồn nước ở các giếng khoan đều bị nhiễm nặng. ông Chiến cho hay: “Nước mới ban đầu bơm lên thì rất trong nhưng để mươi phút nước tự nhiên chuyển sang màu vàng ươm, vẩn đục như màu đất sét. Đun sôi thì xuất hiện nhiều vết cặn vàng đóng quạnh dưới đáy ấm. Đem pha trà nước trà có màu đen, theo kinh nghiệm mọi người bảo nước nhiễm sắt nặng”.
Ông Chiến cũng cho biết thêm, gia đình ông và toàn bộ dân cư nơi đây không nhà nào còn dám dùng nước giếng để phục vị ăn uống mà phải mua nước đóng bình về sử dụng. “Nước giếng bơm lên gia đình phải lọc ít nhất 4 lần.
Lần đầu tiên bơm lên lọc qua một lớp bông sau đó qua lớp sỏi, lớp cát rồi chuyển sang bể lắng, cuối cùng chuyển xuống lọc máy rồi mới dám dùng nước đó để tắm giặt. Cứ 2 đến 3 tháng lại phải chuyển địa điểm khoan giếng một lần, dùng được tháng đầu thì nước trong, không vẩn đục nhưng về sau nước càng vẩn đục vàng ươm” – ông Chiến chia sẻ.
ông Chiến bên hệ thống lọc nước thủ công, dù cố gắng lọc kỹ nhưng nguồn nước vẫn không đảm bảo. |
Cách hộ ông Chiến không xa là nhà anh Ngô Văn Bích. Gia đình này hiện cũng phải chật vật trong việc tìm nguồn nước. Đến nay anh cũng không nhớ gia đình mình khoan bao nhiêu lần giếng.
Anh Bích tâm sự: “Quanh năm ngày tháng xoay sở với nước sinh hoạt hết tìm rồi lại khoan , khoan xong hết nước lại chuyển chỗ. Trước khoan cạnh nhà, nước có rất nhiều, dùng được một hai năm thì tự nhiên nước cạn, giờ phải ra tận đầu ngõ để khoan giếng nhưng chắc cũng chỉ được vài tháng. Nước hiếm đến nỗi dân ra tận cả bãi rác đầu làng để khoan giếng lấy nước vì giờ mỗi ngoài đó còn có đất trống”.
Theo tìm hiểu, mặc dù đã qua nhiều lần hệ thống lọc nhưng gia đình anh Bích cũng không dám ăn uống nguồn nước này. Anh Bích cũng cho hay, xóm anh hiện có 200 hộ đều phải khoan giếng cách xa nhà ít nhất 500m.
Đường làng chi chít giếng khoan
Theo các hộ dân sinh sống nơi đây, hiện dải nước ngầm duy nhất của làng chỉ còn nằm dưới con đường cái lớn, theo trục chạy từ đầu làng đến cuối làng. Hơn 30 năm sống bằng nghề khoan giếng, cô Lương Thị Hồng hiểu hơn ai hết về nguồn nước ở làng mình.
Cô Hồng cho biết: “Hiện nay còn duy nhất dải nước cứu cơn khát cho cả làng nằm dưới con đường nhưng chắc cũng không được bao lâu. Các con ngõ nhỏ, giếng khoan nằm dưới rất nhiều. Nhà nào khoan ít nhất cũng 5 - 6 cái giếng, mà chi phí mỗi lần khoan đâu có ít”.
Cô Hồng cũng cho biết thêm, nguồn nước ở đây chỉ nằm ở độ sâu 10 - 12m còn khoan sâu xuống nữa cũng không thấy nước. Nhiều nhà thuê cả khoan máy ở độ sâu 50 - 60m để hi vọng tìm nguồn nước sạch nhưng cũng không tìm thấy.
“Nước ở đây hiện giờ bên cạnh hiếm thì kèm theo đó là ô nhiễm. Nước ở giếng, kể cả lọc kỹ nhưng khi múc lên sử dụng vẫn có mùi. Có thể vì nguồn nước nông 12m, gần với mặt đất nên nước không được đảm bảo. Thêm vào đó, chuyện nước ô nhiễm cũng rất có thể liên quan đến các khu công nghiệp bao quanh làng”, Cô Hồng lý giải.
Theo quan sát riêng của người viết, trên con đường làng chiều dài chưa đầy 4km nhưng hai bên rìa đường đều “phủ” chi chít miệng giếng khoan. Số giếng dày đến nỗi, cứ hở chỗ nào là bà con lại khoan giếng chỗ đó. Nhiều chỗ rộng chưa đến 1m nhưng đã có tới năm giếng khoan nằm nối nhau.
Anh Dương Văn Đông nhà cạnh đường làng, cho biết: “Hầu như ngày nào cũng có nhà ra đường làng khoan giếng. Nhà khoan xa nhất cũng phải lên đến hàng cây số. Tất cả làng đổ dồn ra trục đường chính để khoan giếng. Đường ống dẫn nước mắc chằng chịt cùng với đường dây điện. Nếu ai nhìn không quen sẽ khó biết đâu là đường dẫn điện, đâu là đường ống dẫn nước”.
đường làng chi chít giếng khoan |
Đợi nước sạch từng ngày!
Được biết, trạm cấp nước sạch cũng đã xây dựng ở làng My Điền từ năm 2012 nhưng hiện tại bỏ hoang. Nói sâu hơn về vấn đề này, anh Ngô Đình Liến - một người dân từng có thời gian tham gia xây dựng trạm cho biết: “Trạm cấp nước đầu làng được xây dựng từ năm 2011, năm 2012 thì xây dựng xong. Thế nhưng, do không có nguồn cung cấp nước để cho trạm hoạt động nên từ khi xây dựng xong vẫn chưa có ngày nào hoạt động”.
Nguồn nước không có, toàn bộ hệ thống trạm cấp nước đành phải di dời trong khi đó người dân mòn mỏi đợi ngày có nước sạch. Anh Liến cũng cho biết thêm: “Hệ thống ống dẫn nước sạch đã được được nối về các hộ dân trong làng, chỉ đợi ngày cấp nước cho bà con. Cả làng mòn mỏi đợi nước sạch nhưng khi trạm xây dựng xong thì nước sạch không thấy đâu. Bà con cũng kiến nghị trung chuyển nguồn nước ở vùng khác về để trạm hoạt động, tốn kém bao nhiêu bà con đóng góp nhưng cũng không thấy ai thực hiện”.
Ông Phùng Minh Toản, trưởng thôn My Điền 1 cho biết: “Cả làng My Điền hiện tại nguồn nước thiếu trầm trọng, thêm vào đó lượng công nhân về đây trọ một ngày nhiều càng gia tăng thêm tình trạng thiếu nước. Nguồn nước cũng không hề đảm bảo nhưng vì không có nước sạch nên bà con trong làng đều vẫn phải dùng, số ít các hộ có hệ thống lọc máy còn đâu vẫn lọc bằng phương pháp thủ công”.
Trao đổi với chủ tịch xã Hoàng Ninh, ông Lê Văn Bắc cho hay: “Xã cũng kiến nghị lên với huyện, tỉnh về vấn đề nước sạch ở My Điền. Huyện và tỉnh cũng hứa sẽ chuyển khai việc cung cấp nước sạch cho dân. Trước mắt tỉnh cũng đã quyết định cho phép một nhà thầu mới phối hợp thực hiện đưa trạm cấp nước My Điền vào hoạt động, nhưng cũng không biết bao giờ mới thực hiện được kế hoạch này. Còn chất lượng nước ở đây chưa cơ quan nào kiểm nghiệm về độ an toàn. Nước khan hiếm nên dân kêu thì cứ kêu thôi”.
Theo TS. Trần Thiện Cường, Khoa môi trường, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Nguồn nước ngầm ở độ sâu 12m nhìn chung chất lượng có thể không đảm bảo, dễ bị ảnh hưởng của nguồn nước mặt. Chất lượng nước ngầm tốt nằm ở độ sâu từ 50m. Tình trạng người dân khoan nhiều giếng nếu không có sự kiểm soát sẽ xảy ra việc sụt núi địa tầng rất nguy hiểm".
Thiết nghĩ, chừng nào các cơ quan chức năng địa phương không giải quyết kịp thời việc cung cấp nước sạch cho người dân My Điền thì chừng ấy người dân vẫn không khỏi nỗi lo về nước sạch. Đó là chưa kể trong tương lai, những hệ lụy tiêu cực từ việc khoan giếng thiếu quy hoạch là khó tránh khỏi.