Về những miền hành hương…

Điều còn lại sau cùng là ngộ ra bản ngã của mỗi người. (Ảnh minh họa)
Điều còn lại sau cùng là ngộ ra bản ngã của mỗi người. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương đi nhiễu chung quanh tháp và điện Phật và cũng chỉ việc thắp hương lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là cách hiểu nguyên ủy của từ “hành hương”. Còn về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng…

Cuộc hành trình với chính mình

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, sự kết hợp nhiều mục đích trong chuyến đi có thể bắt nguồn từ tính nguyên hợp của các dạng thức văn hóa thời nguyên sơ và cũng do thói thường “nhất cử lưỡng tiện” của thế nhân. Và theo thời gian, “hành hương” chẳng những không lỗi thời mà còn là hiện tượng thời thượng.

Một cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, nơi họ đã cùng đồng đội chiến đấu gian khổ hay về thăm những ngôi mộ bạn bè đã hy sinh nơi núi cao rừng sâu là một chuyến đi đầy những hoài niệm bi tráng. Hoặc đơn giản như chúng ta trở về thăm nơi mình đã từng sống lúc thiếu thời sau bao năm tháng xa cách.

Hay luyến nhớ như trở lại sân ga nơi ta đã chia tay với người yêu cũ, của mối tình đầu cũng là một chuyến đi hành hương, bởi đó là chuyến đi trong không gian lẫn trong thời gian và trong chính bản thân mình. Như thế, các chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm hay tình cảm như vậy, thực ra chỉ được coi là chuyến đi “hành hương” với chính mình mà thôi.

Nơi ấy, là thời gian đã một đi không trở lại, là bản ngã của mỗi con người. Trở về miền trong trẻo hay bi tráng ấy, ta không còn là ta của nhiều năm trước, của một ta buồn vui, hay khổ đau một thời nữa. Bởi vậy, cuộc hành trình đến các địa điểm đáng nhớ, không mờ phai trong ký ức của mình, như vậy không giống, không lẫn lộn với một chuyến đi nào khác. 

Trở lại những chuyến hành hương tôn giáo đúng nghĩa, chúng ta không có chứng cứ để khẳng định rằng hành hương là tập tục có từ thời tiền sử. Tuy nhiên, nhờ vào dữ liệu văn tự, chúng ta có được dấu vết những cuộc hành trình thiêng liêng đến những nơi như Nipour và Babylon, rồi đến những cuộc du hành của người Ai Cập hay Hittite.

Nức tiếng là những chuyến hành hương đến Mecca (trung tâm hành hương chính của đạo Hồi, ở Arập Xêút), Jesusalem hay các địa điểm thiêng liêng liên quan đến các kỳ tích của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni ở xứ Thiên Trúc... Người Tây Tạng xác tín rằng nếu ai hành hương đến Lhasa để lễ bái ở những tự viện và điện Potala thì sẽ được phước lớn, khi chết sẽ được vãng sinh về cõi Cực lạc và trong khi hành hương mà bị chết ở giữa đường thì cũng được phước tái sanh ở tiên cảnh...

Với mục đích tôn giáo - tín ngưỡng, hành hương về các thánh địa tôn giáo nhằm tạo mối liên hệ giữa phàm tục và thế giới linh thiêng, trong những mối liên hệ này, đặc biệt quan trọng là việc hành giả từ kiếp sống trần tục thoát sang thế giới thiêng liêng.

Đó là những giây phút họ bứt ra khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để hòa nhập vào cái thiêng và cùng nhau hướng vào một điểm chung duy nhất của cộng đồng đồng đạo. Bởi thế, hành hương phải có đủ ba yếu tố: Một hay một cụm địa điểm thiêng liêng; Một cuộc đi bộ thiêng liêng; Một mục đích thiêng liêng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, hành hương là tập tục thường mang tính bột phát và đậm tính quần chúng, chứ không là hoạt động do các tôn giáo liên hệ đứng ra tổ chức như một nghi thức chính thức của việc hành đạo, buộc tín đồ phải thực hành, hay tuân thủ.

Trái lại, hành hương bị coi là nguy cơ biến thành mê tín dị đoan, tức là việc sùng bái mù quáng những di vật mà bỏ qua, không chú ý tới các giáo lý, giáo điều được coi là thiêng liêng có tính chất chính thống và được coi là chánh tín. Thậm chí đối với các nhà thần học Thiên Chúa giáo, hành hương bị coi là trở ngại cho sự tiếp xúc với Thánh thần do cách mượn con đường, phương tiện của thế giới tri giác một cách vô ích và không trong sạch... 

Đạo Phật nước ta theo thời gian, với các hoạt động lễ hội một số nơi đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng... Ngoài các địa điểm hành hương là chùa chiền, di tích Phật giáo thì địa điểm hành hương hàng đầu của dân tộc ta là các đền, miếu thờ tự các bậc đế vương và anh hùng thời dựng nước (Vua Hùng, Tản Viên, Phù Đổng, An Dương Vương)...

Đó còn  là các lịch đại đế vương, các anh hùng dân tộc, cùng các quan tướng có công với Tổ quốc. Và địa điểm hành hương thứ ba là các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, hầu như từ Bắc chí Nam đều có: Đền Sòng Sơn, đền Vạn Kiếp, đền Phủ Giày, điện thờ Bà Đen, Miếu Bà Chúa Xứ, tháp Bà Nha Trang, điện Hòn Chén (Huệ Nam điện, Huế)...

Và hành hương để… “lấy le”?

Theo ông Chu Mộng Long, cái gốc của tôn giáo là các huyền thoại. Bản chất của huyền thoại là mộng mơ, từ cuộc sống trần tục tội lỗi, con người mơ màng đến thiên đường tốt đẹp. Ban đầu huyền thoại chứa đựng cả hai mặt: tục và thiêng với thế giới đa thần. Cái tục mang nghĩa rộng là những dục vọng thấp hèn làm tha hóa con người. Huyền thoại  tạo ra cái thiêng để giáo huấn, kể cả đe dọa để con người từ giã trần tục tội lỗi.

Tôn giáo xác lập hệ thống các giá trị đạo đức, mỹ học đầu tiên cho nhân loại trước khi hình thành chính trị, pháp luật và các khế ước xã hội khác. Cho nên, chính trị, pháp luật và mọi khế ước xã hội trên trần thế không thể thay thế cho đức tin tôn giáo, khi đó con người mới có thể giải thoát khỏi tội lỗi trần tục để hướng thiện.

Vậy, người Việt có đức tin tôn giáo không? Câu trả lời là có và rất đông. Nhưng không ít người Việt thực hành tôn giáo bằng một thứ đức tin mê muội của tôn giáo thời hoang dã: “sống sao chết vậy”. Người ta từng hiến tế người sống (tục hiến tế gái đồng trinh cho Hà Bá, tục lấy đầu kẻ bại cuộc trong chiến tranh để hiến tế cho thần linh, tục chôn tì thiếp theo người đàn ông quyền lực đã chết...), cho đến những cúng tế bằng vật thay thế (tế sống động vật và hàng mã). Và bây giờ là hối lộ (cúng thức ăn, tiền bạc) cho thánh thần, ma quỷ. 

Tu hành trong Phật giáo, điều trước tiên được yêu cầu là cần phải “Giới”. Giới cấm hết thảy dục vọng, không còn chấp trước vào vật chất, danh, lợi, tình. Người xuất gia muốn tu bỏ mọi dục vọng thì không thể truy cầu sự tiện lợi, an dật, ngồi trên ô tô mát lạnh, nghe kinh Phật online rồi đi khắp nơi làm lễ cầu siêu, lễ xông đất, lễ khai trương, khánh thánh, lễ trừ tà, giải hạn… để nhận “thù lao”. Các vị chân tu thời xưa và nay đều có một đặc điểm chung nổi bật là hạnh khiêm cung, lối sống tối giản về vật chất và không gian tu hành thanh tịnh… 

Trong khi đó, một số “chân tu” thời nay lạm dụng đức tin không phải từ tâm và theo trào lưu  đã coi đi tu như một nghề và không ngừng phạm “giới”. Còn nhớ sư Thích Pháp Định tại chùa Gia Hưng (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), “nổi tiếng” với màn “khóa môi” với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một cuộc đấu giá chai rượu tây trị giá 50 triệu đồng.

Nhà sư này cũng bị “tố” có lối sống “nhập thế” kinh hoàng, như lên mạng chat tìm bạn tình, đi bar, đi “thư giãn” ở Spa đồng tính… Sư Thích Minh Phượng, Trụ trì chùa Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) tự ý ném bức tượng cổ xuống sông rồi mang một bức tượng đúc bằng đồng có khuôn mặt giống mình về thờ cúng tại chùa.

Cuộc sống của người tu hành là khổ hạnh, thanh đạm, nhưng sư thầy này lại xây nhà tắm có hình người phụ nữ hở hang trong khuôn viên chùa. Trong khi chùa Chân Long xuống cấp trầm trọng, vị sư này vẫn sắm ô tô, chặt cây cổ thụ, dỡ bỏ biển di tích chùa Chân Long để xây gara ô tô hoành tráng…

Trở lại những chuyến hành hương, ngày nay chúng ta vẫn thấy khá đông những người có điều kiện thương “khoe” về những chuyến hành hương về những miền được coi là huyền thoại của Phật giáo. Chẳng thế, ở Nepal, theo những người trong cuộc đã từng hành hương, trong các tu viện, mỗi lần hành lễ trong một tu viện lớn tầm 500 chỗ được chia thành hai khu riêng biệt: một khu dành cho tăng ni tụng niệm; một khu có ghi chữ “Vietnamese”, tức là giành cho giới Phật tử Việt Nam.

Trên thực tế “Phật tử Việt Nam” ở đây, đa số họ là những người giàu, đại gia, văn nghệ sĩ có thu nhập cao. Hàng năm, họ đi theo các tour “tâm linh”, với chi phí không dưới 100 triệu đồng/chuyến. Họ đi gặp không ít các “Nhiếp chính vương” mà không hay biết, họ đã bị đánh vào sự ma mị của tâm lý “sính ngoại”. 

Theo cái nhìn của “ người trong cuộc”, thành công lớn nhất của không ít những vị lạm dụng chân tu này là “chọn người giàu để bán niềm tin”. Họ đã có trong tay danh sách những người giàu có mộ đạo của Việt Nam và hàng năm, những người giàu đến cống nạp đều đặn để làm nên áo gấm, ngai vàng cho họ.

Có những người giàu còn mời các vị này về Việt Nam. Dĩ nhiên, để mời thì tiền “thỉnh” cũng không ít. Và khi các vị xuống sân bay, không khó để họ chọn những gương mặt nom có vẻ giàu có, “nhiếp chính” sẽ làm quen như đã gặp nhau từ muôn kiếp trước. Rồi tiếp theo là ta có thể hoá giải các vấn nạn cho con…

Điều dễ nhận thấy, hàng năm, những người Việt trên đường “hành hương” để thể hiện này, họ đăng tải ảnh của những chuyến đi và nói giọng đạo lý Phật pháp như đã ngộ ra từ kiếp nào. Thế nhưng, nếu đụng đến quyền lợi là họ sân si, và vẫn sống chẳng cần theo cảnh “giới” nào. Chỉ khác là họ khoác thêm một “món trang sức” phải hành hương về các thánh đường mới là đắc đạo…

Đành rằng, nếu họ đi hành hương đất Phật về sống đẹp hơn, ngộ ra các niềm vui nhiều hơn, đó là ý nghĩa cuối cùng của niềm tin. Nhưng đi chỉ để “rầm rộ” hơn người mà quên rằng Phật luôn ở trong tâm mỗi người.

Và vị Phật lớn nhất chính là mẹ cha sinh thành, là lòng biết ơn với cuộc đời, là lòng trắc ẩn sẻ chia, đưa tay ra với người khác khi cần, là những “cho đi” không cần đáp lại, không cần ai biết đến, chỉ trong tâm mình biết là đủ…

Bởi thế, dù hành hương tới đâu, điều còn lại sau cùng phải là sự an nhiên, là niềm tin vào mọi điều tốt đẹp, là độ lượng… Khi đó, họ mới an lạc trên từng bước đi ngay dưới chân mình, chứ không phải ở một nơi xa xôi nào đó…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.