Nâng niu sự sống cho rùa biển
Theo khảo sát vào năm 2010 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), tại xã Nhơn Hải có 2 bãi đẻ của rùa biển là bãi Hải Giang và bãi Hòn Khô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, địa phương này xuất hiện một bãi đẻ mới của rùa biển là bãi biển trước thôn Hải Đông.
Tính từ cuối tháng 6 đến nay, bãi biển trước thôn Hải Đông đã có 4 lượt rùa biển lên đẻ với 384 trứng. Tất cả đều được Tổ chức Cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải (gọi tắt là Tổ chức Nhơn Hải) bảo vệ, di dời đến nơi an toàn, rồi tiếp tục canh giữ.
Theo đó, khoảng 21h ngày 29/6, trong lúc tổ công tác của xã Nhơn Hải đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên bãi biển trước thôn Hải Đông thì phát hiện một cá thể rùa biển nặng khoảng 80kg, dài 98cm bò lên bãi biển trước Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải để đẻ trứng.
Cắm biển thông báo khu vực bãi đẻ của rùa để bảo vệ an toàn cho rùa. |
Chính quyền địa phương sau đó thông báo rộng rãi cho người dân không được đào phá ổ trứng rùa và cắm biển thông báo khu vực bãi đẻ của rùa để bảo vệ an toàn cho rùa trong mùa sinh sản. Ổ trứng rùa với 98 trứng đã được giao cho Tổ chức Nhơn Hải di dời đến nơi an toàn và canh giữ.
Đây là cá thể rùa thuộc loài rùa xanh hay còn gọi là vích được IUCN xếp vào nhóm đang bị đe dọa. Còn theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cá thể rùa này cấm buôn bán vận chuyển quốc tế.
Từ đó đến nay, liên tiếp 3 lượt rùa biển lên bãi biển trước thôn Hải Đông đẻ trứng. Khi phát hiện rùa lên bãi đẻ trứng, người dân đều lập tức báo cho chính quyền địa phương để theo dõi, bảo vệ. Vì đã có kinh nghiệm di dời ổ trứng trước đó nên các ổ trứng đẻ sau đều được các thành viên Tổ chức Nhơn Hải phối hợp với Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải đợi cho rùa đẻ xong, đưa rùa mẹ về biển an toàn, rồi di dời ổ trứng về nơi tập trung.
Điều đáng mừng, ngày 17/8 vừa qua, ổ trứng rùa đẻ ngày 29/6 đã nở. Trong đó, 53 cá thể rùa còn sống và bò xuống biển, 14 cá thể bị chết ngạt trong quá trình ngoi lên khỏi mặt đất, 31 trứng bị thối. Như vậy, tỷ lệ nở thành công đạt 54%.
Bà Nguyễn Hải Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho biết, trước đây, tại các bãi đẻ của rùa biển ở xã Nhơn Hải, nhiều ổ trứng bị thối do chịu ảnh hưởng bởi triều cường khi nằm sát mép nước. Việc di dời các ổ trứng của rùa biển đến nơi an toàn để đạt được tỷ lệ nở cao là thành công bước đầu, tạo động lực cho các bên tham gia cùng chung tay bảo tồn rùa biển.
Theo chuyên gia Bùi Thị Thu Hiền - điều phối viên IUCN tại Việt Nam, trứng rùa sau khi được đẻ nếu di dời ngay trong vòng dưới 6 giờ đồng hồ thì tỷ lệ trứng nở thành công sẽ cao. Bởi, sau thời gian này dây chằng cổ rùa đã được hình thành và dễ bị đứt khi xoay chuyển.
“Ổ trứng rùa nói trên được đẻ vào khoảng 21h ngày 29/6 nhưng đến 20h ngày 30/6 mới được di dời. Tuy nhiên, nhờ sự khéo léo của Tổ chức Nhơn Hải và sự hướng dẫn tận tình của các bên tham gia, tỷ lệ nở của ổ trứng đạt kết quả hơn cả mong đợi”, bà Hiền cho biết.
Bà Hiền cho biết thêm, mùa sinh sản của rùa biển ở Việt Nam kéo dài từ tháng 4-10, thời gian rùa lên bờ đẻ nhiều nhất là tháng 7-9. Thời điểm làm tổ là ban đêm, trước và sau khi triều cường.
Rùa biển đẻ 40-200 trứng/lần. Trong một mùa sinh sản, rùa biển đẻ trung bình 500 trứng nhưng chỉ nở 30-40 con. Trứng nở sau khoảng thời gian từ 50-60 ngày, rùa con dài khoảng 6,5cm. Nếu rùa mẹ bị quấy rầy trong lúc đẻ trứng, trứng sẽ nở sớm 10-15 ngày, rùa con sẽ chết.
Hàng chục cá thể rùa con được nở từ trứng rùa đẻ trứng. |
Những “ông bố” “đỡ đẻ” cho rùa
Vùng biển xã Nhơn Hải có nhiều rạn san hô, nơi rùa biển quần cư và bò lên bãi đẻ trứng. Trước đây, khi phát hiện rùa biển lên bờ đẻ, nhiều người dân địa phương đã đào ổ trứng đem về làm thức ăn.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ chức Nhơn Hải để bảo vệ rùa biển và san hô. Bên cạnh đó, Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải tích cực vận động, tuyên truyền nên người dân đã cùng chung tay với các cơ quan chức năng bảo vệ tốt rùa biển.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng di dời ổ trứng rùa đến nơi an toàn. |
Ở xã Nhơn Hải, những người “đỡ đẻ” cho rùa biển được người dân gọi trìu mến là “ông bố”. Trong cả 4 lượt rùa lên bãi biển trước thôn Hải Đông đẻ trứng, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng - thành viên Tổ chức Nhơn Hải đều có mặt để hỗ trợ rùa trong lúc rùa đẻ, di dời ổ trứng, đưa rùa mẹ về biển an toàn, hỗ trợ rùa con khi chúng nở.
“Ổ trứng rùa đẻ ngày 29/6, sau đó nở với tỷ lệ cao đã tạo động lực cho cơ quan chức năng cũng như Tổ chức Nhơn Hải và người dân ở xã cùng chung tay bảo tồn rùa biển”, anh Sáng cho biết.
Ở địa phương, khi người dân phát hiện rùa mắc lưới đều gọi điện thoại cho anh Sáng để anh thả rùa về biển. Từ năm 2019 đến nay, anh đã thả 5 cá thể rùa về biển do mắc lưới.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển, các cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, Tổ chức Nhơn Hải bảo vệ rùa biển.
Anh Tạ Thanh Tuấn - cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải cho biết, vào năm 2018, anh có tham gia một lần thả rùa về biển. Trong năm nay, cả 4 lượt rùa lên bãi biển trước thôn Hải Đông đẻ trứng, anh đều tham gia “đỡ đẻ”.
“Có những hôm canh rùa đẻ xong, chúng tôi liền di dời ổ trứng và đến hơn 1h sáng hôm sau mới xong. Dù vậy, tôi và các anh em đều không hề cảm thấy mệt. Tôi rất vui khi nhìn ổ trứng mà chúng tôi chăm sóc, bảo vệ đã nở. Ổ trứng nở với tỷ lệ thành công cao là niềm hạnh phúc không của riêng chúng tôi mà của cả cộng đồng dân cư nơi đây”, anh Tuấn chia sẻ.
Sự thành công trong công tác bảo tồn rùa biển tại xã Nhơn Hải nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung là kết quả nỗ lực chung tay của các bên liên quan cũng như người dân địa phương. Hoạt động này thể hiện ý thực bảo tồn thiên nhiên nói chung, rùa biển nói riêng đã được gìn giữ, lan tỏa trong cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định.