Khi mới nhìn qua đạo Phật, người không hiểu thấy đạo Phật dường như bi quan, yếm thế; nhưng đi sâu, thấm nhuần giáo lý của Phật rồi, chúng ta mới thấy ngược lại.
“Nhân” nào, “quả” ấy
Đức Phật nói khổ là chỉ trên “quả”, vì “quả” dễ thấy, dễ biết. Khi biết được “quả” rồi, Ngài liền chỉ đến “nhân”, nguyên nhân nào tạo ra quả khổ ấy. Khi biết được “nhân” rồi, dẹp hết “nhân” thì “quả” không còn.
Ngày nay các nhà khoa học luôn phăng tìm manh mối của vạn vật trên đời, căn cứ trên “quả” mà phăng tới “nhân”, không bao giờ đi từ “nhân” tới cái “quả”. Vì “quả” là cái dễ thấy, thấy “quả” rồi tìm ra “nhân” dễ dàng, còn trước nói “nhân” sau đó mới chỉ “quả” thì khó hơn.
Như bây giờ chúng ta có cây cam, được quả cam ăn, biết quả cam ngọt. Những người thưởng thức mùi vị quả cam hỏi rằng: Cam này từ đâu có? Tự nhiên chúng ta sẽ giải thích từ hạt cam ươm lên, nẩy mầm, lên cây, có lá, đơm hoa, kết quả.
“Quả” là cái hiện thấy, chứng minh được; còn “nhân” thì đã cũ, đã xưa rồi, chúng ta không thể nào chỉ cho người khác thấy tường tận. Cho nên tinh thần Phật dạy rất thích hợp với khoa học hiện giờ.
Nếu người không hiểu, nghe đức Phật nói cuộc đời là khổ, mang thân này là khổ thì cho rằng đạo Phật bi quan, đạo Phật chán đời v.v… Khổ đó là “quả”, chúng ta biết rồi thì phải đi tìm nguyên nhân của nó. Nếu biết được “nhân” nào tạo ra “quả” khổ, chúng ta liền dẹp bỏ, tự nhiên “quả” khổ không còn, lúc đó được vui. Vui không riêng có mà chỉ khi nào hết khổ, đó là tinh thần của Phật dạy.
Phật nói khổ để chúng ta tìm ra nguyên nhân gây đau khổ, biết rõ nguyên nhân rồi thì dứt bỏ; dứt bỏ rồi mới hết khổ, tức là được an lạc, giải thoát. Vậy mục đích của đức Phật dạy là muốn chúng ta hết khổ, được giải thoát, chớ không phải dạy chúng ta chịu khổ.
Phương pháp tu đó không hề bi quan. Người biết tu luôn tìm tận nguồn gốc nguyên nhân gây ra đau khổ, dẹp bỏ chúng qua một bên thì đau khổ không còn, đạt được an vui. Nhưng thật đáng thương cho Phật tử chúng ta ngày nay, tu mà không tìm nguyên nhân của khổ để dẹp bỏ, lại cứ “cầu Phật cho con hết khổ” hoài; gặp việc buồn, việc khổ liền vô chùa thắp hương, lạy Phật tha thiết, “xin Phật ban cho con ân huệ để con hết khổ”.... chớ không bỏ ra công phu tu hành.
Đạo Phật là đạo rất thực tế chứ không phải huyền bí, nhưng Phật tử quen bệnh yếu đuối nên xem Phật giống như... ông thần, gặp việc gì khổ quá chỉ xin với Phật cho bớt khổ, chứ không biết tu cho bớt khổ.
Sinh khổ
Trong kinh Phật thường nói: “Chúng sinh có tám điều khổ: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Đó là bát khổ.” Như vậy khổ nhiều hơn vui. Chúng ta xét kỹ xem, cái khổ đó là khổ cho tất cả mọi người hay chỉ đối với những ai không biết đạo lý?
Theo nhà Phật thì sinh gồm hai phần. Thứ nhất, sau khi ra khỏi lòng mẹ đau đớn nhọc nhằn; thứ hai, trong cuộc sống của chúng ta, nếu không biết tu, không hiểu đạo thì cả cuộc đời chỉ toàn là đau khổ, không chút an vui. Như vậy khổ lúc sanh ra và khổ trong cuộc sống.
Khi sinh ra có đứa bé nào cười không, hay đều khóc oa oa. Đó là vì ra đời khó khăn đau đớn quá, nên lọt lòng mẹ là khóc liền. Cái khóc ấy nói lên sinh là khổ.
Rồi từ bé đến già mấy mươi năm, một cuộc đời khổ nhiều vui ít. Hãy thử kiểm lại xem trong suốt một đời, những gì chúng ta mong muốn, đa phần được như ý hay chỉ ít phần như ý? Chắc rằng không ai nói đa phần như ý.
Năm anh em ông Kiều Trần Như nghe Đức Phật thuyết pháp |
Người thì gia đình ấm no có cơm ăn, áo mặc nhưng con cháu khó dạy. Người thì con cháu dễ dạy nhưng gia đình lại chật vật thiếu thốn v.v… đủ thứ thuận nghịch, không khi nào được thỏa mãn như ý của mình. Vì vậy đa số đều bất như ý.
Con người sinh ra ai cũng mơ ước tràn đầy hạnh phúc, nhưng trải qua bốn, năm mươi tuổi nhìn lại cuộc đời không có hạnh phúc mà bất hạnh lại nhiều. Ít hôm nghe tin người thân mất hoặc phải đi xứ này xứ khác v.v…
Hoặc có chuyện này chuyện nọ làm mình phải buồn, phải khổ. Không ai được hạnh phúc trọn vẹn. Cả một đời người, ba phần tư là đau khổ, chỉ một phần tư an vui thôi, thực tế là như vậy.
Làm sao hết khổ?
Chúng ta đã biết sinh là khổ, bây giờ chúng ta phải làm sao cho hết khổ ? Làm sao chúng ta sống trong cõi khổ mà vẫn luôn được an vui ? Điều đó không có gì khó hết. Sống trong cuộc đời này nên biết rõ ràng cuộc đời là tạm bợ, có rồi sẽ mất, không ai còn mãi.
Như vậy ngày nào chúng ta còn sống thì ngày ấy còn tốt, còn có thì giờ cho chúng ta tự tu, cho chúng ta làm những điều thiện, giúp ích mọi người. Một ngày sống là một ngày vàng, chúng ta phải sử dụng hết để lo cho mình, cho người, làm sao cho mình và người đều được an ổn. Làm một điều lành là chúng ta được một nguồn vui. Chúng ta chuyển cuộc sống khổ đau này bằng một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Nói như vậy sẽ có vị nghĩ, nếu người giàu có thì giúp đỡ người này, người kia dễ; còn như ta nghèo, không có điều kiện giúp được ai, thì làm sao có niềm vui?
Tôi xin nhắc rằng trên đời có nhiều niềm vui lắm, chỉ sợ chúng ta không chịu làm thôi. Thí dụ chúng ta không có tiền cho người ăn xin hay đóng góp cứu trợ nạn lụt v.v…, nhưng đang đi thấy đứa bé bị té, chúng ta đỡ lên, vỗ về, an ủi khuyên bảo nó, như vậy có vui không? Chúng ta không làm được việc cứu giúp bằng tiền thì chúng ta làm việc cứu giúp bằng thân, bằng lời.
Dùng thân và lời giúp đỡ người bớt khổ, bớt khổ là họ được vui, người vui thì chúng ta cũng vui. Cái vui đó không tốn gì hết, chỉ tốn một chút công. Như vậy tìm nguồn vui đâu phải khó. Chỉ cần khi thấy một con kiến rớt dưới vũng nước, chúng ta vớt nó lên để trên khô, thấy nó bò mừng rỡ là chúng ta cũng vui rồi.
Người biết tu nhìn lại bản thân mình ngày xưa nhiều nóng giận, nay đã giảm bớt liền cảm thấy vui. Gặp ai đang có nguy khốn, mình ra tay cứu vớt, từ con người cho tới loài vật, giúp được loài nào cũng có nguồn vui. Vậy chúng ta sống để làm lợi ích cho chúng sinh; tuy rằng khả năng nhỏ bé, hạn hẹp, nhưng với lòng chân thành thì cũng có vui rồi.
Nếu chúng ta biết sống, thì dù đời là khổ hay sinh là khổ, nhưng ngày nào chúng ta cũng lượm cũng mót được nhiều niềm vui. Đó là chúng ta khéo tu, khéo hiểu Phật pháp, chứ đừng lạy xin Phật cho con vui.
Phật không cho được đâu, mà chính chúng ta phải tự tạo lấy nguồn vui từ bản thân mình. Tuy sinh khổ, nhưng nếu chúng ta biết sống thì sinh trở thành vui, chớ không phải khổ.../. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 64, ngày 1/8/2016)