Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt
Cố đô Hoa Lư là một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa kép đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.
Hoa Lư được coi là kinh đô đầu tiên của nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc. Cố đô Hoa Lư là vùng đất phù sa cổ, ở ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích các động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và một số hang động có di chỉ cư trú của con người thời văn hóa Hòa Bình. Sau thời kỳ văn hóa Hòa Bình, vùng này là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới của dân tộc Việt. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước, dấu tích của các triều đại, kinh đô xưa.
Còn đó, bên những thành quách cũ, dấu tích từ ngàn năm trước, đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc. Bao bên trong có hai di tích Vua Đinh và Vua Lê. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ Vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ XVII và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn. Như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký…
Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền Vua Đinh Tiên Hoàng 300m. Đền Vua Lê có quy mô nhỏ hơn đền Vua Đinh. Các nghệ nhân điêu khắc đã chạm khắc những câu chuyện ca ngợi Vua Lê Đại Hành trong đền thờ này. Với những truyền thuyết về Vua Lê như: Mẹ Vua Lê mơ thấy hoa sen rồi sinh ra Vua Lê. Khi ông còn bé, có lần trong lúc đi cấy, mẹ đã ủ ông trong khóm trúc. Vô tình, một con hổ đi ngang qua đó và chuẩn bị ăn thịt Vua Lê. Nhưng sau lời cầu xin của bà mẹ, con hổ đã bỏ đi.
Nằm bên cạnh đền Vua Lê Đại Hành và chùa Nhất Trụ chính là đền thờ Công chúa Phất Kim, con gái của Vua Đinh Tiên Hoàng. Đền là nơi người dân xây dựng để suy tôn người phụ nữ hiền lành, chịu nhiều sóng gió của thế kỷ X ngày trước. Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cây cột kinh Phật bằng đá trước sân chùa. Đây là một bảo vật quốc gia đang được các nhà nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Có thể nói, Ninh Bình, vùng đất được biết đến là nơi địa linh nhân kiệt. Nơi sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần, từ bóng trận cờ lau của Vua Đinh Tiên Hoàng. Từ phá Tống bình Chiêm củaVua Lê Đại Hành đến Chiếu dời đô bất hủ của Thái tổ Lý Công Uẩn. Từ căn cứ địa vững chắc trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần đến tiếng vó ngựa thần tốc của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long, đại phá quân Thanh.
Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đan xen vào nhau như những bức tranh thiên nhiên thủy mặc với 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm…
Nơi mà cách đây hơn 1.000 năm, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, đặt Kinh đô ở Hoa Lư gắn với ba triều đại: Đinh, Lý, Tiền Lê.
Đặc biệt, danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất ở Đông Nam Á, nơi được ví như cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người trải qua hơn 30.000 năm phát triển.
Ninh Bình còn là vùng quê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ...
Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát, hát Xẩm (Yên Mô).
Đất và người sông Vân, núi Thúy
Được ví là nơi chứa những vật báu của trời, nơi đây còn là một vùng “tam giác nước” được tạo bởi ba con sông: sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Vân. Những danh thắng như sông Vân, núi Thúy đã đi vào huyền thoại, là biểu tượng của Ninh Bình.
“Đất Ninh Bình có chùa Non nước. Núi Phi Diên, Hồi Hạc xung quanh. Em về em chớ quên anh”. Núi Thúy từ xưa đã được coi là vị trí quan trọng, đồn tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư (nhà Đinh). Chùa Non Nước được dựng lên từ thời Lý nay vẫn còn đó bóng dáng bồn chồn của Dương Vân Nga, vị Hoàng hậu nhà Đinh, đứng trên bến sông trao áo long bào cho Lê Hoàn năm 980. Một quyết định thay đổi vương triều để trị quốc an dân. Năm đó, Lê Hoàn đã cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Ninh Bình: Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30 ngàn năm. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn.
Trải qua 86 năm, với tám đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến sau này kế thừa và phát triển.
Hơn một nghìn năm trôi qua, nhưng âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay. Mặc dù, với tính chất kinh đô mang màu sắc quân sự nhưng chất cố đô đã ảnh hưởng, góp phần tạo nên tính cách người Ninh Bình. Sự hào hoa, phong nhã, phong lưu nhưng rất tinh tế như một sự thừa hưởng tính cách của tầng lớp quý tộc phong kiến. Có thể đó còn là sự ảnh hưởng của vùng địa văn hoá với núi non trùng điệp của một Hạ Long trên cạn, là ảnh hưởng của sông Vân, núi Thúy bình an như tên gọi Ninh Bình, mảnh đất bình yên và vững chãi…
Những năm qua, bằng việc khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến và tích cực xây dựng văn hóa ứng xử cho người dân đã giúp Ninh Bình xây dựng thành công điểm đến thân thiện, được nhiều tờ báo, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á với vẻ đẹp hoang sơ tựa viên ngọc quý giữa đất trời.
Vùng đất địa linh nhân kiệt và không gian văn hóa đặc sắc ấy đã tạo nên tính cách con người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình luôn yêu thương, đoàn kết, thân tình với nhau. Trên những chặng đường lịch sử ngàn năm, người Ninh Bình luôn thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ và luôn dũng cảm, kiên cường trước thiên tai, giặc ngoại xâm.
Ninh Bình hiện đang hướng tới du lịch bốn mùa cùng với bảo tồn và gìn giữ di sản. Ninh Bình sẽ xây dựng cánh đồng đồng lúa nghệ thuật Tam Cốc. Nếu như mùa hè, Tam Cốc rực rỡ với những cánh đồng lúa chín vàng còn bước sang mùa thu, đông, ngành đang xây dựng ý tưởng trồng hoa súng trên dòng sông Ngô Đồng.
Không chỉ vậy, du khách có thể có những trải nghiệm bốn mùa trải dài khắp các huyện như Nho Quan, Gia Viễn trong màu xanh bất tận của trầm tích ngàn năm và những mênh mang trữ tình, những món ăn mộc mạc rất riêng của miền di sản và châu thổ sông Hồng…