Quây Sơn theo nghĩa Hán - Việt là dòng sông chảy bao quanh núi. Sông Quây Sơn hiền hòa, dịu dàng miệt mài chảy xuyên qua các vách núi. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung, hợp lưu của hai nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nặm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (Trùng Khánh). Sông chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc trùng điệp đầy huyền thoại.
Bằng nội lực bền bỉ của mình, sông Quây Sơn bốn mùa nước trong ăm ắp, len lỏi qua những vùng núi đá vôi, có chỗ lặng lờ trôi, có đoạn phẳng như gương soi mặt hồ rồi đến đoạn cuối đổ xuống tạo dòng thác Bản Giốc hùng vĩ, nên thơ. Nước sông từ dòng thác tuôn chảy, bồi đắp phù sa màu mỡ hai bên bờ, tạo nên dải đất trù phú quanh năm mùa màng tươi tốt.
Quây Sơn theo nghĩa Hán - Việt là dòng sông chảy bao quanh núi. |
Chúng tôi đến thác Bản Giốc, sông Quây Sơn vào những ngày đầu năm mới 2021. Thật may mắn là thời tiết rất thuận lợi, có thể nói thời tiết những ngày này không thể đẹp hơn. Đoạn sông Quây Sơn chảy qua xóm Co Muông, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) là một khúc quanh bình yên, phẳng lặng, tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Trong cái rét ngọt mùa đông, lạnh se sắt nhưng nắng thì vẫn vàng rực rỡ như đổ mật, trời xanh ngắt còn nước Quây Sơn thì trong vắt như một tấm gương khổng lồ in bóng những ngôi nhà sàn, cây cối lồng lộng. Xa xa, từng vạt bông lau trổ bông mơ màng bên những sườn đồi, tre trúc đu đua trong gió đông xào xạc…
Một bức tranh sơn thủy hữu tình. |
Một cây cầu tre vắt vẻo bắc ở đoạn sông hẹp nhất khiến khung cảnh càng như nghệ thuật sắp đặt của một bức tranh. Khung cảnh xóm Co Muông vắng vẻ, pha chút buồn cô liêu nghiêng mình bên dòng Quây Sơn đẹp không bút nào tả nổi.
Xóm Co Muông còn đẹp hơn vào mùa gặt, khi những thang ruộng vàng ửng màu lúa chín, màu của sự tất bật và no đủ. Vài năm gần đây, xóm Co Muông và dòng Quây Sơn trở thành một điểm dừng chân của du khách khi ghé thăm danh thẳng thác Bản Giốc. Cảnh thơ mộng, trữ tình như vậy, ai đành lòng nỡ bỏ qua?
Phong cảnh tuyệt đẹp , bình yên in bóng xuống dòng sông trong vắt như pha lê. |
Được biết, thác Bản Giốc, nơi đổ nước của sông Quây Sơn có hai dòng chính, trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi hùng vĩ; trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng đa sắc màu. Bản Giốc còn một nhánh thác nữa nghiêng về phía Nam, nằm song song với dải thác chính ba tầng. Hai dòng thác chính, phụ tuôn chảy ngày đêm đã tạo nên lớp rêu phong ẩn mình sau những làn nước như tô thêm sự huyền bí, phong sương, chứa đầy trầm tích của thời gian.
Trong vô số những huyền thoại về thác Bản Giốc, có câu chuyện về hang đá Pác Luồng. Hang này nằm bên sườn thác Bản Giốc, nằm trên một ngọn núi cao chừng 300m, theo tiếng người đồng bào Pác Luồng nghĩa là “miệng rồng”. Hang nằm tại vị trí lưng chừng, bên sườn núi có miếu thờ linh thiêng. Tương truyền của người dân Tày - Nùng nơi đây, khi gặp giặc dã, khó khăn do thiên tai thì người dân tìm đến hang cầu khấn, thắp hương xin điều lành, điều phúc.
Sông Quây Sơn sau hàng trình miệt mài chảy bao quanh núi thì đổ dòng góp phần tạo nên ngọn thác Bản Giốc trùng điệp huyền thoại... |
Năm 2014, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được khánh thành, trở thành ngôi chùa trấn ải biên cương, là một trong những cột mốc tâm linh của dân tộc, địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách.
Cùng với thắng cảnh thác Bản Giốc, sông Quây Sơn nơi thác đổ là bức họa sơn thủy hữu tình níu chân du khách gần xa.
(Ảnh trong bài: Lê Minh Tuân).