Làng Thành Trung vốn nổi tiếng với nghề trồng rau truyền thống, được hình thành vào khoảng thế kỷ 17. Làng được biết đến là Trung tâm thành cổ Hóa Châu xưa, từng là một trong những thành lũy quan trọng của Vương quốc Chămpa, đồng thời là trung tâm hành chính - kinh tế của xứ Thuận Hóa thời Trần, Lê và Mạc.
Xuôi theo hạ lưu sông Bồ, chúng tôi tìm về làng Thành Trung nơi “chôn nhau cắt rốn” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bên trong con đường xóm 6 vuông vắn, từng luống rau xà lách, bạc hà, ngò rí xanh non … có ngôi nhà vốn là nơi gia đình thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống. Thiền sư đã ở đây suốt thời niên thiếu, đến năm 16 tuổi mới lên núi vào chùa Từ Hiếu xuất gia. Hiện bà Nguyễn Thị Tâm (tên thường gọi là bà Tiêu), bà con cùng họ của thiền sư đang sống một mình trong căn nhà này. Bà Tâm trồng rau bán và sống cuộc đời như “cư sĩ tại gia”.
Mảnh vườn từng là nơi cậu bé Nguyễn Xuân Bảo sống những năm thiếu thời tại xóm 6 làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). |
Bà Tâm tóc điểm bạc ánh lên như sợi tơ, nụ cười hiền từ kể về Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tấm lòng đầy kính trọng. Bà cố nhớ thời gian nhưng đã quá lâu nên chỉ áng chừng chuyển đến đây ở khoảng 60 năm: “Ba tôi kể cũng chừng đó năm gia đình thiền sư chuyển đi”. Dù kết cấu căn nhà đã thay đổi, nhưng mảnh vườn này đã “gieo hạt” cho cậu bé Nguyễn Xuân Bảo nảy sinh mong muốn sống cuộc đời giống như Đức Phật và lựa chọn con đường tu tập trở thành thiền sư Thích Nhất Hạnh.
“Tôi ở nhà trồng rau, hàng ngày cắt rau ra chợ bán, sống một mình cũng buồn chứ. Nhưng lần đầu tiên Thiền sư trở về quê hương, ông tặng cho làng mấy cuốn sách. Tôi đã được đọc các cuốn sách như Đường xưa mây trắng, Nẻo về của ý, Đạo Phật ngày nay… từ sách tôi gặp một bậc chân tu đại tài, một nhà văn, nhà thơ sâu sắc người làng Thành Trung. Tôi đã học được từ thiền sư để từ tâm hơn”, bà Tâm tự hào chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Hướng (xóm 7), một trong số ít người cháu cùng nhánh họ của Thiền sư còn sinh sống ở làng chia sẻ: “Thông qua các chương trình “Hiểu và Thương”, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng làm được nhiều việc cho họ hàng, quê hương như: xây dựng mồ mả, từ đường, trợ cấp cho các em học sinh khó khăn ở trường mẫu giáo...
Thầy mong muốn làm nhiều việc cho họ hàng, nhánh phái, quê hương nhưng thầy đi khi mong ước còn nhiều mà việc vẫn chưa toàn. Từ năm 2005, khi ông tặng mấy cuốn sách cho nhà thờ họ, nhiều người đã thực hành theo, trong lối sống có thay đổi ý nghĩa với đời hơn. Chúng tôi tôn trọng di nguyện thiền sư sẽ tổ chức Tâm tang – khóa tu im lặng nên không khoa trương, chỉ tưởng nhớ trong lòng và cử đại diện lên thắp hương, không phúng điếu, vòng hoa”, ông Hướng nói đôi câu rồi lặng đi.
Mấy ngày nay từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại chùa Từ Hiếu, làng trên xóm dưới ở quê Thành Trung ai cũng nhủ nhau sắp xếp thời gian để đi viếng và nhắc nhớ đến những lời thuyết giảng của ông. Ông Trần Hữu Đức đang miệt màu cuốc đất trong vườn nhưng khi được nói chuyện về Thiền Sư, trán còn lấm tấm mồ hôi, ông Đức cũng cười tươi mát.
Ông Trần Hữu Đức vừa cuốc đất trồng rau vừa chia sẻ lòng mến mộ Thiền sư Nhất Hạnh. |
“Tôi rất hay nghe thầy Nhất Hạnh giảng. Mỗi khi ai nổi giận, gia đình ai có gì bất hòa… tôi nghe những phương pháp của thầy và khuyên giải cho những người trẻ nhận ra được cái sai của mình và tự tu chỉnh. Tôi thú thật, thầy dạy mười tôi chỉ học được một, nhưng cũng thay đổi nhiều lắm. Nhờ vậy, nhiều gia đình lẽ ra rạn nứt đã “gương vỡ lại lành”.
Ông Đức, vừa cuốc đất trồng rau vừa chia sẻ: “Tôi phục nhất thầy Nhất Hạnh khi bày dạy cho tôi, cho con cái tôi biết làm trọn chữ Hiếu từ rất sớm. Tôi rất phục thiền sư khi ông không có gia đình nhưng hiểu rõ làm thế nào để cha – con, vợ - chồng… sống hiểu, sống thương nhau”.
Ông Đức cho biết, ông có hai người con, có duy nhất một người con trai đã ăn chay từ năm còn học lớp 10 và hiện cũng đã đi tu. “Nếu tôi không nghe thầy chia sẻ, tôi sẽ không chấp nhận được việc người con trai duy nhất của mình đi tu. Nhưng nhờ có thầy mà tôi đã thấy hạnh phúc với hiện tại, con làm những điều con cảm thấy hạnh phúc, tôi sẽ hạnh phúc với công việc mình đang làm, cái gì cũng mất đi chỉ tình yêu thương, những việc tốt thiện mình làm là còn lại”.
Khu dân cư Thành Trung được chia giữa hai đường hương lộ tiền hậu, đường xóm cắt ngang vuông góc như phố, nối liền với đường trước và sau, ranh giới giữa xóm với vườn, giữa gia đình này với vườn khác là chè tàu, là sự thơm tho của rau cỏ. Thành Trung có thập nhị tôn phái, mỗi họ đều có một nhà thờ nằm ở mặt tiền. Đầu làng, chùa Thành Trung hình thành lâu đời từ năm 1745 uy nghi. Nơi từng được Vua Tự Đức sắc phong là Kim Thành Tự. … Tất cả tạo nên cảnh quê bình yên vừa cổ kính vừa mộc mạc là nơi đã sinh ra thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Các phật tử dự lễ tang trong im lặng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. |
Về làng, có dịp chuyện trò với các nhà nông như các “nhà hiền triết”, như những “thiền sư” đắc đạo thanh thoát sống cuộc đời không bon chen trong cái tươi mát của làng rau khiến chúng tôi không khỏi xúc động về cội nguồn của thiền sự.
Người dân ba miền đến viếng Thiền sư trong im lặng. |
Nơi Tổ đình Từ Hiếu, dòng người tĩnh lặng đến – đi chào thiền sư không ngơi. Mùa hoa nắc nẻ nở hồng trong ngôi chùa dưới những cội thông già, cùng những người tọa thiền trong “khóa tu im lặng” càng khiến nơi đây như một rừng thiền của yêu thương tiếp nối. Có những Phật tử từ ba miền vội vã chuyến bay gần như đã rơi những giọt nước mắt biết ơn chưa kịp nói khi thiền hành quanh linh cữu sư ông Làng Mai trong mùa mai nở vàng áo Phật.
“Nói đến sự nghiệp hoằng pháp cao cả của Trưởng lão Hòa thượng thiền sư Thích Nhất Hạnh, phải nói đến dấu ấn mà ngài đã góp phần đáng kể vào sùng hưng dòng thiền Liễu Quán tại Việt nam, đồng thời là một Tăng sĩ của Phật giáo Việt nam có công rất lớn trong việc truyền bá Phật pháp tại trời Tây bằng dòng thiền tiếp hiện, các khóa tu tỉnh thức và chánh niệm do Ngài khởi xướng, lãnh đạo, điều hành tại các nước Âu, Mỹ đã quy tập được nhiều thành phần xã hội và nhiều lãnh vực khác nhau trong đời sống, mang đến cho người học Phật khắp nơi trên thế giới sự trải nghiệm về thực tại tỉnh thức giác ngộ, giúp cho họ có được một đời sống an lạc và hạnh phúc…”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam ghi sổ tang lưu niệm thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 24/1/2022.