Doanh nghiệp là động lực trung tâm
Heineken Việt Nam, Unilerver Việt Nam, Lee&Man Việt Nam… là những doanh nghiệp (DN) được chia sẻ câu chuyện thành công của mình tại Hội thảo chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn - Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt” - một trong 3 Hội thảo chuyên đề tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững (PTBV) 2019.
Theo đại diện Heineken Việt Nam, DN đã chủ động mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn, chủ động tổ chức phổ biến các kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn cho toàn bộ nhân viên của mình.
Ông Mart Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cao cấp của Heineken cho biết: “Thực tiễn áp dụng tại Heineken Việt Nam cho thấy mô hình kinh tế toàn hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo tạo ra giá trị từ rác thải. Tại Heineken Việt Nam, gần 100% chai bia thủy tinh được thu hồi để tái sử dụng, 100% nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi trả về môi trường, 4/6 nhà máy sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải cacbon…”.
Theo Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc, xét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Việt Nam xếp hạng không cao trong các bảng tổng sắp toàn cầu song Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình PTBV. Năm 2018, theo World Bank thì Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh.
Nhưng cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về PTBV và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. “Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”. Và trên hành trình PTBV đó, DN chính là động lực trung tâm…” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Sáng kiến kinh tế tuần hoàn
Khẳng định, trên thực tế, về cơ bản việc lồng ghép các mục tiêu PTBV vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được thể hiện khá rõ trong thời kỳ 2011-2020, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung thừa nhận nhiều nội dung chưa được xem xét thấu đáo như tính đồng bộ của mục tiêu chung của Chiến lược phát triển quốc gia với mục tiêu Chiến lược phát triển của các ngành, các địa phương; tính thống nhất trong cách tính toán các chỉ tiêu thống kê; sự lựa chọn các tiêu chí có tính đại diện và khả thi đối với các cấp, các ngành.
Thứ trưởng khẳng định, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo sẽ khắc phục những hạn chế này.
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là một xu hướng PTBV đạt được cả 2 mục tiêu vừa ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra, nhằm tiến tới mục tiêu: xả thải bằng 0, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.
5 sáng kiến cụ thể để thực hiện kinh tế tuần hoàn được báo cáo tại hội nghị là: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Chủ tịch VCCI đã đề nghị đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”, Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và DN. Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì DN đóng vai trò trung tâm. “VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI cam kết.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị hoặc Quyết định về việc tiếp tục triển khai chương trình hành động quốc gia về PTBV hơn cho thập niên sắp tới…