Vào hang ổ "chạy" Đại học (Kỳ 4)

 Trong tất cả các phần thi năng khiếu của môn Quần vợt (bao gồm Bật xa tại chỗ, Chạy luồn cọc, Đỡ bóng, Giao bóng), phóng viên đều cố tình vi phạm quy chế thi, thực hiện sai kỹ thuật hoặc không đạt yêu cầu. Tuy vậy, phóng viên vẫn được chấm điểm... cao “chót vót” và đỗ đại học một cách ngoạn mục!

Trong tất cả các phần thi năng khiếu của môn Quần vợt (bao gồm Bật xa tại chỗ, Chạy luồn cọc, Đỡ bóng, Giao bóng), phóng viên đều cố tình vi phạm quy chế thi, thực hiện sai kỹ thuật hoặc không đạt yêu cầu. Tuy vậy, phóng viên vẫn được chấm điểm... cao “chót vót” và đỗ đại học một cách ngoạn mục!

Ngày 10/7/2011, phóng viên bước vào phần thi cuối cùng: Năng khiếu. Trải qua ngày 9/7 thi các môn văn hóa với kỉ niệm “bát nháo trường thi” và sự giúp đỡ tận tình của giám thị, lúc này phóng viên đã tin tưởng tuyệt đối rằng dù thể hiện ra sao thì mình cũng sẽ vượt qua các bài thi năng khiếu một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ. Kịch bản quan trọng nhất của phóng viên nhằm đưa đường dây “chạy” trường của Thuyên vào đồng bọn vào thế buộc phải “biến không thành có” chính thức diễn ra...

Bật xa thành bật... gần, chạy nhanh thành... chạy chậm

Để có điều kiện quan sát, lấy tư liệu về những biểu hiện tiêu cực trong việc tổ chức thi các môn năng khiếu tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, phóng viên đã lên “kịch bản” để mình trở thành một trong những thí sinh cuối cùng được gọi lên thi các môn này. Thế nên ngay từ khâu làm thủ tục dự thi, phóng viên đã chủ động không đến tập trung tại trường trước ngày diễn ra kỳ thi như các thí sinh khác. Sáng 9/7, khi môn thi văn hóa đầu tiên - Sinh học sắp diễn ra, phóng viên mới lò dò xuất hiện tại phòng thi để nhận thẻ dự thi. Quả nhiên, cách làm này giúp phóng viên đạt được mục đích: Là thí sinh thi năng khiếu ở thứ tự cuối cùng!

Phần thi năng khiếu vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh chia làm hai nội dung: Năng khiếu chung (dành cho toàn bộ các thí sinh thi vào trường này, gồm hai bài thi: Bật xa tại chỗ, Luồn cọc) và Năng khiếu chuyên sâu (các môn thể thao khác nhau có các bài thi khác nhau, môn Quần vợt có 2 bài thi chuyên sâu: Đỡ bóng, Giao bóng).

Sáng 10/7, các thí sinh lần lượt được kiểm tra về ngoại hình (chiều cao, cân nặng) rồi bước vào các bài thi năng khiếu chung.

11h trưa 10/7, phóng viên là thí sinh cuối cùng dự thi Năng khiếu chung. Ở bài Bật xa tại chỗ, biết các thí sinh thi trước mình đều bật xa ổn định ở mức 2m30-2m50, phóng viên đã cố tình chỉ bật thật gần, được... 2m05! Thấy kết quả tệ hại này, một cán bộ đo thông số bật nhảy đã phải động viên phóng viên: “Cố gắng bật mạnh lên!”. Giả vờ mắm môi mắm lợi, phóng viên nhắm đúng điểm bật nhảy cũ để “đạt” cho được “thành tích” 2m05. Thấy vậy, vị cán bộ đo thông số chỉ biết lắc đầu ngao ngán...

PV trong bài thi Bật xa tại chỗ
PV trong bài thi Bật xa tại chỗ

Kết thúc môn bật xa, phóng viên được gọi ra thi tiếp môn chạy luồn cọc. Nhiệm vụ của mỗi thí sinh trong phần thi này là phải vượt qua quãng đường 30m, luồn qua 5 chiếc cọc, mỗi chiếc cánh nhau 2m rồi chạy về đích trong thời gian nhanh nhất có thể. Nhớ lại lời dặn của ê-kip “chạy” trường là không được vi phạm quy chế thi (phải chạy luồn cọc ở lượt đi, chạy thẳng ở lượt về, không được làm đổ cọc), phóng viên đã cố tình làm ngược lại.

Ngay khi nhận được hiệu lệnh xuất phát từ Tiểu ban coi thi, phóng viên liền chạy thẳng một mạch mà không luồn qua cái cọc nào! Chạy được nửa đường, phóng viên mới giả vờ đứng sững lại như vừa nhận ra mình đã vi phạm quy chế. Lúc quay về vạch xuất phát, thay vì nhận điểm “zê-rô”, phóng viên được Tiểu ban coi thi cho... thi lại!

Cũng theo ghi nhận của phóng viên thì các thí sinh khác đều hoàn thành phần thi này trong 6-7 giây. Thế nên, ở lượt chạy thứ hai, phóng viên cố tình chạy với tốc độ... như đi bộ. Kết quả: Phải mất gần 9 giây, phóng viên mới hoàn thành phần thi này!

PV lững thững đi bộ về điểm xuất phát trong bài thi Chạy luồn cọc
PV lững thững đi bộ về điểm xuất phát trong bài thi Chạy luồn cọc

Đánh tennis như tiều phu bổ củi

Chiều cùng ngày - 10/7, các thí sinh thi ngành Quần vợt bước vào phần thi Năng khiếu chuyên sâu với hai bài thi: Đỡ bóng, Giao bóng.

Ở bài Đỡ bóng, thí sinh phải dùng vợt tennis đỡ 10 quả bóng do máy phát bóng bắn ra từ phần sân đối diện. Ở bài Giao bóng, thí sinh phải giao bóng 10 lần theo đúng luật của môn Quần vợt. Nghe nói, yêu cầu chính đặt ra với thí sinh là bóng phải đi chuẩn xác, yêu cầu phụ động tác của thí sinh phải đúng kỹ thuật.

Trong lúc chờ đến lượt mình, phóng viên đã có cả tiếng đồng hồ đứng “buôn chuyện” với các thí sinh. Đến lúc này, phóng viên mới được những người bạn mới quen dạy cho một vài kiến thức vỡ lòng về môn Quần vợt.

17h, Tiểu ban coi thi gọi tên “Bùi Thọ Phước”. Sau khi kiểm tra một lần nữa chiếc camera siêu nhỏ đã được ngụy trang trên túi quần vợt và đang ghi hình toàn cảnh sân bóng, phóng viên tự tin nhập cuộc.

Theo quan sát của phóng viên, Tiểu ban coi thi môn Quần vợt gồm có 5 người. Trong đó, 2 người ngồi ở một bàn án ngữ lối vào sân, làm nhiệm vụ gọi từng thí sinh vào thi. 3 người còn lại ngồi cùng một bàn vuông góc với lưới sân bóng, trực tiếp quan sát và ghi lại thành tích của các thí sinh. Nhận ra vị giám thị ngồi giữa chính là Ngô Hải Hưng - vị “cứu tinh” của phóng viên trong buổi thi môn Toán chiều 9/7, phóng viên càng vững lòng.

Do không biết gì về quần vợt, nên nói trắng ra thì phóng viên không thể ghi điểm nhờ động tác kỹ thuật. May ra, phóng viên chỉ có thể được cho điểm ở độ chính xác của những pha đỡ bóng, giao bóng. Tuy nhiên, phóng viên quyết định sẽ cố gắng đỡ bóng, giao bóng với độ chính xác... thấp nhất có thể!

Ở nội dung Đỡ bóng, phóng viên dùng hết sức bình sinh vụt mạnh vào những quả bóng bay về phía mình. Pha đỡ bóng đầu tiên, quả bóng bay trúng mép phần sân bên kia. Tiểu ban coi thi không nói gì. Pha đỡ bóng thứ hai, bóng rời vợt phóng viên lao vút như tên bắn vào không trung, vượt qua tường bao và... bay ra ngoài sân, mất hút. Trong Tiểu ban coi thi có người thốt lên: “Ối giời ơi, đánh nhẹ thôi, không ai đi nhặt bóng được đâu”. Pha đỡ bóng thứ ba, bóng tiếp tục tìm đến... ông trời. Các “khán giả” trong và ngoài sân tiếp tục “ồ” lên dè bỉu, ngỡ ngàng... Cứ thế, phóng viên phải giả mặt lạnh tanh cho đỡ xấu hổ để hoàn tất phần thi thảm hại của mình. Kết quả: Trong 10 quả bóng, phóng viên đánh 7 quả ra ngoài hoặc lên trời, 1 quả chạm mép vạch (không rõ trong hay ngoài sân) và chỉ có... 2 quả bay sang đúng phần sân quy định.

Cán bộ phụ trách máy bắn bóng (vòng to) nhìn theo quả bóng do PV (vòng nhỏ) đỡ
Cán bộ phụ trách máy bắn bóng (vòng to) nhìn theo quả bóng do PV (vòng nhỏ) đỡ

Bước vào bài Giao bóng, phóng viên thể hiện sự tự tin bằng cách ném (chứ không phải tung) bóng cao vọt lên không trung rồi đánh mạnh vào nó với động tác nặng nhọc như... tiều phu bổ củi! Hệ quả: Trong 10 lần giao bóng, có tới 8 quả rúc lưới, bay ra ngoài hoặc điểm tiếp đất sai phần sân quy định. 2 quả còn lại, phóng viên không biết kỹ thuật điều khiển trái bóng nên thật không may là chúng đã... rơi đúng điểm cần rơi theo quy định.

Vận động viên chuyên nghiệp cũng... chào thua

... Chiều 10/7, khi trời sắp tắt nắng, phóng viên lững thững đi bộ ra khỏi trường sau khi hoàn tất toàn bộ kỳ thi. Bất ngờ, phóng viên thấy một chiếc xe ô tô 4 chỗ đi về phía mình và một người đàn ông thò đầu ra. Người đó chính là giảng viên Hưng - người có mặt trong ê-kíp “chạy” trường của Thuyên. Gặp phóng viên, vị giảng viên này trêu: “Đàn ông gì mà yếu thế? Bật xa được có 2m05”. Đáp lại, phóng viên gãi đầu gãi tai và... cười trừ.

Khoảng chục ngày sau, Thuyên gọi điện cho phóng viên, thông báo ngắn gọn: “Chú đỗ rồi”.

Những ngày tiếp theo, phóng viên hồi hộp chờ đợi Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh công bố điểm thi. Ngày 25/7, truy cập vào trang web của trường đại học này (http://www.upes1.edu.vn), phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi thấy điểm thi của mình: Sinh học 3,5 điểm; Toán 3 điểm; Năng khiếu 8,25 điểm (chưa nhân hệ số). Tổng điểm thi của “thí sinh Bùi Thọ Phước” - chuyên ngành Quần vợt: 23 điểm!

Sau này, nguồn tin riêng của phóng viên cho hay: Phần Năng khiếu chung có điểm tối đa là 5 điểm, trong đó Bật xa và Chạy luồn cọc mỗi bài chiếm 2,5 điểm. Với “thành tích” bật xa 2m05, phóng viên được... 1 điểm - số điểm phản ánh đúng thực tế. Tuy nhiên, ở bài Chạy luồn cọc, dù đã vi phạm quy chế rồi mất tới gần 9 giây để hoàn thành bài thi nhưng người chấm thi đã ghi thành tích của phóng viên là 6,8 giây, chấm cho phóng viên 2,25 điểm. Nghĩa là, chỉ cần thêm 0,25 điểm nữa, phóng viên đã đạt điểm tuyệt đối trong bài thi Chạy luồn cọc!

Phần Năng khiếu chuyên sâu cũng có điểm tối đa là 5 điểm. Ê-kíp “chạy” trường của phóng viên quá tài giỏi! Họ đã “phù phép” cho phóng viên đạt điểm tuyệt đối ở ở 10 quả đỡ bóng và 10 quả giao bóng. Kết quả: Phóng viên đạt 5 điểm trong phần thi này này!

Với tổng điểm 23, phóng viên đạt điểm cao thứ 14 trong số các thí thi vào ngành Quần vợt (mã ngành 914) - Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Xét toàn trường, phóng viên xếp hạng điểm cao thứ 193 trong số trên dưới 2.000 thí sinh dự thi (trường có tới 800 chỉ tiêu tuyển sinh trong đợt tuyển sinh này)!

Đặc biệt, điểm thi năng khiếu của phóng viên còn cao hơn điểm của Nguyễn Thị Huyền Trang (SBD TDB 3243) - một thí sinh là vận động viên Quần vợt chuyên nghiệp từng tham gia giải vô địch quốc gia (Trang được 8 điểm trong phần thi năng khiếu).

“Liên lạc với thầy Hưng để nhận giấy báo nhập học”

  Sau khi Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh công bố điểm thi, Chương, Thuyên lần lượt gọi điện chúc mừng phóng viên. Thuyên không quên gợi ý phóng viên sớm giao nốt 36 triệu đồng còn lại. Phóng viên hứa sẽ giao tiền ngay khi nhận được giấy gọi nhập học. Ngày 28/7, Thuyên thông báo: “Liên lạc với thầy Hưng để nhận giấy báo nhập học”.

Bài sau: Chân dung ê-kíp “chạy” trường

Những người giúp phóng viên “chạy” trường là ai mà “tài giỏi” như vậy? Mời bạn đọc xem tiếp số báo ra ngày mai.

Bùi Thọ Phước  

Đọc thêm

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.