Bao năm nay, chợ “đen” này vẫn hoạt động và trở thành “nổi tiếng” ở Hà Nội, bất kể ai nói đến mua cuống vé tàu, vé xe, hóa đơn đủ các loại về để thanh toán thì người ta nghĩ và nhắc ngay đến chợ “đen” này. Điều đặc biệt, giữa chợ là hai trụ sở CSGT, và đồn công an phường Cửa Nam cách đó không đến 500m.
Mua bán công khai
Bất chấp việc mua bán hóa đơn hay những cuống vé tàu, vé máy bay giả là vi phạm pháp luật, thay vì hoạt động lén lút thì ở chợ “đen” ở đây lại diễn ra một cách công khai và khá nhộn nhịp trong nhiều năm trở lại đây. Bất kể người nào cần mua hóa đơn VAT cho công ty và vé thanh toán, họ chỉ cần ra ngã 3 đường Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo là có thể mua bao nhiêu cũng có. Theo PV tìm hiểu, phần lớn khách đến đây mua đều do người quen “ngầm” giới thiệu, người nọ bảo người kia theo cấp số nhân, và nghiễm nhiên khu vực này trở thành chợ “nổi tiếng” của Hà Nội lúc nào không hay. Lượng “khách hàng” đến đây mua rất nhiều và chủ yếu là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các công ty sản xuất, dịch vụ, thương mại… mỗi lần mua với số lượng trên dưới chục tờ, chỉ cần một cuộc điện thoại.
Các đối tượng bán tại đây chủ yếu là người bán nước vỉa hè và các “cò” ngồi vật vờ trong quán nước, hễ thấy có khách là “nhao nhao” ra mời chào mua “hàng”, bên cạnh là các xe ôm, ngoài việc chở khách thì những lúc rảnh rỗi ngồi ở vỉa hè thấy người nào có nhu cầu thì cũng “tiện thể” mời mọc rồi dẫn vào cho các “cò” ngồi trong quán “giao dịch” hoặc nếu cần thì cũng có thể “giao dịch” trực tiếp với khách hàng rồi bán công khai tại chỗ. Thậm chí, một số phụ nữ ở đây chỉ cần khoác một hai cái túi ngồi lê la chỗ nọ chỗ kia xung quanh trong khu vực này là cũng có thể “hành nghề” một cách thoải mái.
Đi xe chầm chậm qua ngã tư Phan Bội Châu-Trần Hưng Đạo, đến gần trụ sở của Ngân hàng Vietinbank, PV đã thấy các “cò” “nhao nhao” ra vẫy tay ra hiệu cùng với những lời mời chào: “Mua gì em ơi, vé hay hóa đơn?”. Lắc đầu, PV đi tiếp, liên tục là những lời mời chào như vậy. Thấy PV đi chậm hơn, một “cò” là người đàn ông trung tuổi bước ra đứng trước xe và hỏi “ Vé hay hóa đơn hả em? Vào đây ngồi uống nước cho đỡ nắng rồi thích mua gì cũng có”. Bắt được khách, “cò” này bắt đầu chèo kéo “Vé tàu hay vé máy bay, hóa đơn đỏ hay hóa đơn bán hàng của bên thuế?” “Giá cả như thế nào”, PV hỏi, “Giá mềm thôi, vé tầu là 50 nghìn 1 vé, vé máy bay thì 200 nghìn, hóa đơn thì 200 nghìn 1 cái”.
"Chợ" hoạt động công khai bên cạnh hai trụ sở công an. |
Bà chủ quán giải thích kỹ hơn, cuống vé tàu và vé hoặc vé máy bay thường dùng để về thanh toán tiền với cơ quan sau khi đi công tác về, nếu mua 2 vé tàu cả đi và về là 100 nghìn, vé máy bay khứ hồi là 200 nghìn một lượt, riêng vé máy bay phải đặt tiền trước để “họ” còn in ra. Còn hóa đơn thì có nhiều loại, 150 nghìn cũng có, nhưng đó là loại một liên (liên 2- PV), còn loại 300-500 nghìn là loại hóa đơn có đủ ba liên (liên 1,2,3 – PV). PV thắc mắc về điều đó, “ Loại một liên, thường là tự in lấy thì rẻ hơn, còn loại ba liên thì là loại hóa đơn thật, và tất nhiên tất cả là hóa đơn của doanh nghiệp còn hoạt động đàng hoàng. Không tin em tra trên mạng thì biết ngay. Còn em tham rẻ, mua phải hóa đơn hết hạn hoặc hóa đơn của doanh nghiệp đã giải thể rồi”, bà chủ quán “thật thà” nói.
Loại nào cũng có và thanh toán được hết
Tuy nhiên, trước khi đi thâm nhập vào chợ “đen” này, PV cũng được một số anh em bạn bè cảnh báo kẻo bị mua “hớ” và mua phải “hàng rởm” nên PV cũng hỏi lại cho chắc chắn, liệu hóa đơn và các cuống vé liệu về có thanh toán được không? “Em cứ lo, bao nhiêu người mua ở đây đều về thanh toán được hết, nhà chị ở đây, quanh năm làm ăn chỗ này có đi đâu được, không thanh toán được em cứ mang ra đây.” Bà chủ quán còn khẳng định lại “như đinh đóng cột” rằng bán hóa đơn của doanh nghiệp còn hoạt động chứ không phải hóa đơn “rởm”.
Một "cò" thản nhiên ngồi ghi danh sách các công ty đặt mua hóa đơn. |
“Nếu em muốn lấy cuống vé tầu đi Lào Cai, Sài Gòn thì lấy vé đi và về ngày nào, nếu có ngay chuyến tàu hôm trước thì tốt, không có thì phải chờ một ít thời gian đi lấy. Còn vé máy bay thì phải ghi rõ họ tên, số CMND, ngày đi, ngày về và phải chờ để cho người ta in ra mới có được. Còn hóa đơn thì muốn lấy trong lĩnh vực gì, giá trị thanh toán bao nhiêu, có đủ các loại nếu bọn chị viết thì 50 nghìn tiền công viết, không thì về em thích viết như thế nào cũng được.”. Bà chủ quán tiếp lời.
Sau một hồi mặc cả, PV quyết định mua một hóa đơn đỏ với giá 350 nghìn. Bà chủ quán chép miệng “Chẳng được bao nhiêu, mỗi cái hóa đơn “được” có mấy chục”. Nói xong bảo PV chờ khoảng 10 phút, rồi rút điện thoại ra gọi lấy “hàng”.
Hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng do Cục thuế Hà Nội cấp được mua một cách dễ dàng tại đây. |