Bạn đọc có tên Phạm Hồng Trang có địa chỉ tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hỏi: “Tôi và chồng kết hôn được một năm chưa có con. Nhưng về sau chúng tôi không còn tiếng nói chung không còn hạnh phúc hay cãi nhau làm phiền lòng 2 bên gia đình. Và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Trước khi ly hôn mẹ chồng tôi bảo trả vàng trả tiền cưới hỏi lại. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi ra tòa ly hôn thì sẽ được xử lý thế nào?”
Trả lời:
- Trước đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn về vấn đề này tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP như sau:
Đồ trang sức mà người vợ hoặc người chồng được cha mẹ vợ hoặc chồng tặng cho riêng trong ngày cưới là tài sản riêng;- Nhưng nếu vàng, đồ trang sức khác được cho chung cả hai người với tính chất là tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi là tài sản chung.
- Năm 2000, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP nêu trên được thay thế bằng Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, tuy nhiên Nghị quyết số 02 lại không quy định vấn đề chia tài sản khi ly hôn là trang sức.
- Trong khi đó, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ chồng có quyền có tài sản riêng và tài sản riêng là tài sản được tạo lập trước thời kỳ hôn nhân, được tặng cho, thừa kế riêng.
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
- Theo quy định tại Điều 457 – Bộ luật dân sự năm 2015 về Hợp đồng tặng cho tài sản:
“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Do tính chất đặc biệt của hợp đồng tặng cho tài sản không mang tính đền bù tương đương nên pháp luật dân sự có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực như sau: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Từ đó cho thấy, nếu trong ngày cưới cha mẹ chồng cho con dâu vàng, đồ trang sức khác mà không nói cho cả hai vợ chồng thì đó là tài sản riêng của người vợ, khi ly hôn mà xảy ra tranh chấp thì đó là tài riêng của người vợ, không được chia. Trường hợp có thỏa thuận rằng cho cả hai vợ chồng, thì đó được coi là tài sản chung và khi ly hôn, được chia theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.