Tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại, đối với nhà đầu tư nước ngoài được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất lên mức 35-40%, so với con số 30% hiện nay.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính vừa có văn bản đề xuất một số giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ, gửi tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan. Một trong những chi tiết đáng chú ý trong văn bản này là đề nghị tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên 5-10% so với mức hiện hành.
Theo VAFI, kiến nghị này được xuất phát từ tính tích cực của dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trong việc nâng đỡ thị trường chứng khoán, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Do đa phần các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều theo diện tổ chức nên hiện tượng đầu tư ngắn hạn, rút vốn ồ ạt… ít xảy ra.
VAFI cho rằng vốn FII vào Việt Nam đa phần là dài hạn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ tại các tổ chức tín dụng. Trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn cho Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc Hội thông qua, VAFI cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nâng tỷ lệ nói trên lên mức 35-40%.
Ngoài ra, Hiệp hội Các nhà đầu tư chứng khoán cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nghiên cứu cơ chế cho phép khối ngoại mua quá 49% vốn điều lệ của các doanh nghiệp thông thường (nhưng không có quyền biểu quyết với số cổ phần vượt quá). Đây là cách mà các thị trường chứng khoán khác trong khu vực đang áp dụng để huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, VAFI cũng cho rằng, trong năm 2011, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy hơn nữa quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn bị chậm lại trong 3 năm qua. Đồng thời, nên tập trung vào việc bán cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang và đã cổ phần hóa.
Riêng về vấn đề vốn cho doanh nghiệp, VAFI cho rằng, cần có lộ trình hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ để giảm lãi suất đối với đồng Việt Nam. Để làm được việc này, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, gỡ bỏ chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ để dùng làm vốn lưu động. Chính sách này, tuy phù hợp ở giai đoạn đầu năm, nhưng đã kích thích doanh nghiệp vay nhiều ngoại tệ, gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá. VAFI cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để gỡ bỏ chính sách nêu trên, tạo thông thoáng cho thị trường vốn.