Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP (Nghị quyết 60) về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã và sắp khởi công).
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù”, như: Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, khó khăn nhất khi đang thi công cao tốc Bắc - Nam là hạng mục nền đường khi nguồn vật liệu xây dựng thiếu hụt nghiêm trọng, bởi các mỏ được quy hoạch nhưng công suất không đảm bảo yêu cầu.
Theo ông Nam, Nghị quyết 60 của Chính phủ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác nhưng khi đơn vị thi công làm việc với chủ mỏ thì họ đều từ chối với lý do đưa ra là việc cấp phép các mỏ đất mới trải qua nhiều thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài.
Trong khi đó, ông Dương Văn Mậu - Phó Tổng Giám đốc Thường trực VINACONEX cho biết, tại gói thầu 3-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đơn vị thi công có nhu cầu đất đắp cần mua khoảng 2,2 triệu m3. Các mỏ đất đắp theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của gói thầu gồm Bình Minh, Gia Măng, Chính Nghĩa, Cẩm Mỹ mới chỉ có quy hoạch, chưa có mỏ nào được cấp phép.
Theo ông Mậu, ngay từ khi bắt đầu triển khai gói thầu, VINACONEXT đã làm thủ tục ký hợp đồng với tất cả mỏ để làm thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, qua 9 tháng thi công vẫn chưa có mỏ nào được cấp phép. Nhà thầu đã chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu đất tầng phủ tại các mỏ đá, nhưng trữ lượng rất thấp và công suất khai thác không đủ đáp ứng. Do đó, VINACONEX kiến nghị địa phương xem xét rút ngắn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép và xem xét có cơ chế cấp phép có điều kiện để khai thác được ngay.
Đại diện VINACONEX cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép tận thu đất trong các dự án cải tạo đất nông nghiệp để sử dụng làm vật liệu đất đắp phục vụ công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hiện nay ngoài dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành đắp nền, nhu cầu của 10 dự án còn lại cần khoảng 53,2 triệu m3. Trong khi đó, 79 mỏ đã cấp phép khai thác hiện mới đáp ứng được khoảng 30,4 triệu m3. Khối lượng còn thiếu khoảng 22,8 triệu m3 nằm tại 116 mỏ chưa được cấp phép khai thác.
Ông Thọ cho biết, Nghị quyết 60 được Chính phủ ban hành đã cơ bản tháo gỡ được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ, giảm thời gian cấp phép do không phải đấu giá quyền khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: Lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... theo quy định của Luật Khoáng sản.
Theo Thứ trưởng, nếu trong tháng 7/2021, không tháo gỡ được các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ.