Những ngày tháng năm, cảng cá phường 4,5,6,7 khu vực Bến Đình thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) tấp nập người xe. Sau 25 ngày đánh bắt xa bờ, khi tàu của ông Trần Văn Tiến 5 khoang đầy ắp cá cập cảng Bến Đình, bà Nguyễn Thị Bé ra tận cảng đón chồng và con trai. Dù áo quần dính cá, ông Tiến vẫn bế đứa cháu nội hôn vào má cho đỡ nhớ, rồi cười bảo: “Chuyến biển này thắng lợi. Tất cả 5 khoang đều đầy ắp cá, mọi người đều khỏe mạnh và an toàn, mấy “lính mới” vui vẻ lắm”.
Nhọc nhằn nghề biển
Ông Tiến kể, chuyến tàu của ba con ông xuất phát giữa tháng tư từ cảng Bến Đình, đến đánh bắt tận vùng biển Cảnh Dương. Đây là thời điểm chuyển từ mùa biển lặng sang mùa sóng bão nên cá di chuyển rất nhiều. “Chuyến này, chúng tôi làm được chừng 200 tấn. Mùa biển lặng, việc đánh bắt cũng có nhiều thuận lợi. Nghề đi biển cực nhọc vất vả nhưng cứ cá đầy khoang là ngư dân ấm bụng”.
Từ đầu năm đến nay, tàu của ông Tiến 4 lần ra khơi thì 3 lần thắng lợi, duy chuyến đi biển hồi tháng 3 là huề vốn. Hoàng Quốc Hưng, quê ở xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) làm công cho tàu ông Tiến chục năm nay phấn khởi khi gặp đồng hương. Hưng chia sẻ: “Cách đây 10 năm, em đến làm việc cho chú Tiến với 2 bàn tay trắng. Giờ em đã lập gia đình ở đây rồi. Có thể nói biển đã nuôi sống ngư dân. Ngư dân ở Bến Đình này sống từ nghề biển và làm giàu từ biển. Vẫn biết nghề biển cực nhọc, hiểm nguy, nhưng ai đã gắn bó với nghề mới thấy mình nặng lòng với biển. Đời em đã gắn bó với biển, đời con em cũng thế”.
Luôn sẵn sàng ra khơi
Điều dễ dàng nhận thấy đến cảng cá phường 4,5,6,7 khu vực Bến Đình thành phố Vũng Tàu những ngày cuối tháng năm này là tàu thuyền tấp nập, tiếp nhận đá lạnh, thực phẩm và sẵn sàng ra khơi. Ba cha con ông Đinh Văn Thắm cũng tất bật chuẩn bị đá lạnh, gạo, nước ngọt cho chuyến đi biển. “Nhập xong cá là cha con tui đi biển liền. Bây giờ ngoài biển đang cuối mùa biển lặng, mình phải tranh thủ chứ. Sang tháng 10, biển động sóng to đâu đánh bắt xa bờ được. Gia đình tui có 3 tàu, ba cha con mỗi người một tàu, công nhân 54 người cả thảy”.
Cùng đồng hành chuyến biển những ngày tới, tàu ông Trần Văn Nhị có trọng tải 200 tấn đã mua 450 cây đá xay sẵn ủ kín trong 2 khoang. Đây là chuyến tàu thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Ông Nhị chia sẻ: “Chúng tôi luôn có ý thức đánh bắt hải sản ở khu vực biển của nước mình. Trước khi đi, phường cũng đã gặp các chủ tàu để cam kết không được khai thác trên vùng biển chồng lấn, không đánh bắt ở khu vực giáp danh, tuyệt đối không sang vùng biển nước ngoài khai thác. Chúng tôi được Bộ đội Hải quân Vùng 2 tập huấn 5 phương pháp cấp cứu và băng bó tại chỗ khi ngư dân bí tiểu, ngất do sức ép nước. Phương án đối phó, vòng tránh, thông báo tín hiệu cấp cứu khi có tàu nước ngoài rượt đuổi hoặc bị nạn được triển khai đến mọi lao động trên tàu”.
Con trai ông Nhị - Trần Văn Nhạc mới 16 tuổi cũng theo nghề bố. Trước khi đi, Nhạc ra chợ Bến Đình mua 2 lá cờ Tổ quốc gấp gọn, để lên bàn thờ của tàu: “Chuyến đi biển nào em cũng mua cờ Tổ quốc để treo, đây vừa là qui định vừa là niềm tự hào. Em thấy treo cờ Tổ quốc mình khi ra khơi có gì đó rất kiêu hãnh và yên tâm”.
Biển của ta, ta khai thác
Tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ 12h ngày 16/5/2016 đến 12h ngày 1/8/2016 đối với bà con ngư dân làng chài Bến Đình trở thành “xưa rồi diễm”. Việc đi biển đối với bà con ngư dân ở đây vẫn tiến hành bình thường. Ông Đinh Văn Thắm cho biết: “Năm nào đến thời gian này phía Trung Quốc chẳng cấm đánh bắt hải sản. Bài quá cũ rồi. Nhưng biển của mình, mình đi đánh bắt chứ mình sợ chi ai mà không đi. Có điều, ra đó, bên cạnh đánh bắt, phải canh chừng, biết hợp sức bảo vệ nhau để tránh đụng độ, gây thiệt hại về tài sản”. Đồng quan điểm với ông Thắm, ông Nhị quả quyết: “Không hà cớ gì mà lại không đánh bắt trên vùng biển của mình. Đó là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nên chẳng sợ chi cả. Chúng tôi làm nghề biển mà không đi biển thì làm gì sinh sống chớ”.
Tàu của ba con ông Thắm, tàu của ông Nhị, ông Tiến và nhiều tàu khác nữa lần lượt rời cảng Bến Đình vượt sóng ra khơi. Trên con tàu thân yêu của họ chở đầy niềm tin yêu cuộc sống, để rồi sau những ngày lênh đênh trên biển, họ lại trở về với những khoang tàu đầy ắp cá và rộn rã niềm vui...