Vẫn tái diễn ngộ độc rượu kém chất lượng

Sử dụng rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất dễ bị ngộ độc.
Sử dụng rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất dễ bị ngộ độc.
(PLO) - Thời gian vừa qua, các vụ ngộ độc methanol trong rượu liên tiếp xảy ra với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau đã khiến dư luật đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước, cũng như công tác quản lý ngành cồn, rượu của Việt Nam.

Rượu tự nấu chiếm 90% thị trường

Hàng năm, cứ mỗi dịp cận kề Tết Nguyên Đán, tình trạng ngộ độc rượu lại xảy ra rất nhiều và không có chiều hướng thuyên giảm. Nguyên nhân ngộ độc rượu chính là do uống phải rượu kém chất lượng.

Theo các bác sĩ đã xét nghiệm, kiểm tra những người bị ngộ độc rượu cho biết đều là do trong rượu có chứa hàm lượng methanol quá nhiều và vượt quá mức cho phép. Hiện nay, có quá nhiều rượu kém chất lượng lưu thông trên thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cùng với người dân nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn.

Theo khảo sát của phóng viên, các quán nhậu, quán nướng, ốc nóng khu vực Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) thường sử dụng các loại rượu ngâm như táo mèo, ba kích, nếp cái hoa vàng... Đặc điểm chung của các loại rượu này đều được đóng trong chai nước khoáng Lavie, không có tem nhãn mác, thông tin khác về rượu.

Khi được hỏi về nguồn gốc rượu ngâm này, chủ quán đều sẽ trả lời cho khách yên tâm rằng: rượu này là tự ngâm, tự nấu nên không phải lo về chất lượng. Tuy nhiên, quá trình tự ngâm, tự nấu của chủ quán như thế nào, có đảm bảo chất lượng không thì đó lại là một vấn đề khác mà khách hàng khó có thể biết được.

Anh Nguyễn Bảo Nam, chủ một quán ăn đêm ở khu vực đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Rượu này anh nhập ở Mỹ Đình, chỉ cần gọi số điện thoại là người ta mang đến tận quán, còn chỗ người ta sản xuất anh đã đến bao giờ đâu mà biết, với cả đến để làm gì đâu”.

Qua đó cho thấy công tác quản lý các loại rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường còn hạn chế.  Rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu, tự ngâm được cấp phép hoặc bị xử phạt. Trong khi đó, nhiều quán ăn hiện đều sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. 

Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát cho biết, 95,7% số người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Rượu tự nấu hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/năm và con số này tăng 8 - 10%/năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Nhiều nguy hiểm

Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rượu pha methanol (rượu cồn công nghiệp) giống hệt rượu gạo truyền thống nên người dùng khó phân biệt. Tuy nhiên, khi uống phải loại rượu này, người uống sẽ bị hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt, thậm chí tử vong.

Không ít người đã chết ngay trên bàn nhậu. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh không có cơ hội phục hồi hoặc tử vong sau đó.

Việc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng có thể có nguy cơ bị rối loạn tâm thần. Rượu giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhiều nhất, chính vì thế uống quá nhiều rượu, lạm dụng bia rượu quá mức sẽ khiến cho sự phán đoán, tính chủ động và ý thức đạo đức của người uống sẽ hoàn toàn bị hạn chế, thậm chí không làm chủ được bản thân mình. Như vậy, ta thấy nếu uống phải rượu kém chất lượng thì thật sự rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Các chuyên gia nhận định, việc kiểm soát rượu không chặt chẽ không những gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, gây thất thu cho Nhà nước, mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Các doanh nghiệp lớn nộp thuế sẽ không thể cạnh tranh về giá thành so với các loại rượu thủ công. Lo ngại hơn là nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công còn làm giả tem thuế dán lên sản phẩm của mình để “che mắt” các cơ quan quản lý nhà nước.

Về mặt quản lý thị trường tiêu thụ thì việc ngăn chặn sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, rượu kém chất lượng cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phát hiện và tố cáo hành vi sản xuất, tiêu thụ rượu kém chất lượng. Người tiêu dùng không sử dụng rượu thủ công rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chỉ sử dụng rượu có nhãn hiệu, rõ nguồn gốc.

Hậu quả của ngộ độc rượu chúng ta đều thấy rất rõ trong đời sống hàng ngày. Việc lựa chọn rượu uy tín, chất lượng để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra cần được mỗi cá nhân lưu tâm. Bên cạnh đó, hạn chế rượu bia là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và cộng đồng. 

Cách xử lý ban đầu cho bệnh nhân ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu có thể xảy ra với bất cứ ai trong các cuộc vui, liên hoan, nhất là vào những dịp cuối năm. Tuy nhiên, các cách sơ cứu ban đầu cho người ngộ độc rượu thì không phải ai cũng nắm rõ. Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra một số hướng dẫn xử trí khi bị ngộ độc rượu.

Trước tiên phải cho nạn nhân nằm đầu thấp để nôn hết rượu ra, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái sau đó cho ăn cháo loãng và cứ vài giờ phải đánh thức nạn nhân dậy để cho ăn cháo. Nên cho nạn nhân ngộ độc rượu uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước, uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh, có thể giải được tình trạng ngộ độc rượu ở mức độ nhẹ.

Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong hoặc chích lể vì có hại hơn là có lợi và dễ bị nhiễm trùng. Không nên để người bị ngộ độc rượu đi tắm ngay vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp... Và không nên uống nước chanh cũng như những đồ uống chua vì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.

Sau đó, cần đưa người bị ngộ độc rượu đến ngay cơ sở y tế để xử trí cấp cứu nếu có biểu hiện như: nôn liên tục, đặc biệt trong dịch nôn có máu; lay gọi nhưng không tỉnh sau 2 - 3 giờ; vã nhiều mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu; co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái.

Ngộ độc rượu thường có những biểu hiện như ngộ độc cấp tính: nhẹ dẫn đến nói nhiều; mất kiểm soát hành vi, lời nói; mất thăng bằng; mất khả năng phán xét; nôn; viêm dạ dày. Các tai biến trước mắt: chấn thương do tai nạn hoặc đánh nhau; suy thận; đặc biệt nguy hiểm nếu uống rượu chứa các rượu độc khác như methanol; tử vong.

Hậu quả đối với sức khỏe khi nghiện rượu như: thần kinh; tâm thần (gây nghiện, thoái hóa não, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, bệnh các dây thần kinh). Tiêu hóa: viêm loét dạ dày; viêm tụy cấp; suy tụy; xơ gan, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Về tim mạch: suy tim; loạn nhịp tim; ngừng tim đột ngột.

Tin cùng chuyên mục

Trào lưu “giảm cân thần tốc” đón Tết khiến nhiều người phải đối diện với vấn đề sức khỏe. (Ảnh: L.C)

Cẩn trọng với “giảm cân thần tốc” đón Tết

(PLVN) - Những ngày cận Tết, nhiều người có xu hướng giảm cân, để “khoe sắc” đón Xuân, diện những bộ cánh đẹp đón Tết. Vì mong muốn giảm cân nhanh chóng, mà không ít người đã khiến bản thân gặp phải rủi ro không mong muốn.

Đọc thêm

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.