Để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị buôn bán, Văn phòng TGPL cho phụ nữ đã được Cục TGPL thí điểm thành lập từ tháng 7/2002. Hiện nay, các Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại 5 địa phương đang ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều chị em.
Thời gian đầu, Văn phòng chỉ được thí điểm tại Hà Nội và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục TGPL về tổ chức, hoạt động và tài chính của Văn phòng. Ngày 24/1/2006, Văn phòng tiếp tục được cho phép mở Chi nhánh ở 5 tỉnh thành gồm Hà Tây (đã sát nhập vào Hà Nội), Khánh Hoà, Bắc Giang, Thái Bình và T.P HCM.
Chưa đầy 5 tháng sau, các Chi nhánh đều được “nâng cấp” bằng việc đổi tên thành các Văn phòng TGPL cho phụ nữ. Ngoài việc cung cấp dịch vụ TGPL cho phụ nữ, các Văn phòng TGPL cho phụ nữ còn đảm nhiệm vai trò lồng ghép giới trong hoạt động TGPL. Việc lồng ghép hoạt động TGPL cho phụ nữ với các hoạt động khác dành cho phụ nữ được thực hiện thông qua nhiều hoạt động nghiệp vụ khác nhau.
Kết quả thực hiện của Văn phòng TGPL cho phụ nữ cho thấy, các vụ việc chủ yếu được thực hiện với hình thức tư vấn pháp luật, trong đó tập trung giúp đối tượng được trợ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký lại hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký khai sinh cho con, vay vốn ngân hàng người nghèo, xử lý các tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền thừa kế, ly hôn... phát sinh trong và sau quá trình nạn nhân bị buôn bán.
Trong quá trình tư vấn, các Văn phòng cũng cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cung cấp thông tin pháp lý, hướng dẫn viết đơn thư như đơn tố giác tội phạm, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện...; trực tiếp cử luật sư cộng tác viên TGPL tham gia đại diện, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ xét xử tội phạm buôn bán người, các vụ việc tranh chấp và tham gia bào chữa một số vụ xét xử tội phạm này.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết yêu cầu của người được TGPL, Văn phòng đã thực hiện kiến nghị vụ việc khi có cơ sở khẳng định việc giải quyết vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền có những sai sót, không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân cũng như các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, lao động, hộ tịch, hôn nhân, gia đình, hình sự... Tuy nhiên, hình thức kiến nghị chưa được các cơ quan chức năng xử lý trong thời hạn và phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bình quân mỗi năm, Văn phòng TGPL cho phụ nữ số 1 tại Hà Nội thực hiện hàng trăm vụ việc TGPL cho phụ nữ, tổ chức nhiều đợt TGPL lưu động và nói chuyện chuyên đề pháp luật cho chị em phụ nữ tại các vùng xa trung tâm. Chỉ tính năm 2008, Văn phòng đã thực hiện được hơn 200 vụ tư vấn tại trụ sở, tổ chức 29 đợt TGPL lưu động (tăng 8 đợt so với năm 2007), tổ chức được 26 lớp học bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại Hà Nội, thu hút trên hàng nghìn chị em tham gia. |