Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 5 Văn phòng Công chứng (VPCC) do tư nhân lập hoạt động cùng với 3 Phòng Công chứng (PCC) thuộc Sở Tư pháp thành phố. Điều này cho thấy thành phố đã triển khai xã hội hóa dịch vụ công chứng một cách tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các VPCC vẫn gặp những thái độ phân biệt đối xử giữa công và tư.
Thế chấp vay ngân hàng: Không được ra VPCC
Các VPCC luôn phải chịu áp lực phục vụ tốt mới có khách hàng vừa phải giữ "nồi cơm" nhưng vẫn bị NH phân biệt đối xử.
Trong ảnh: Nhân viên VPCC Bảo Nguyệt tư vấn cho khách hàng. |
Hầu hết các VPCC đều phản ánh nhiều ngân hàng thương mại khi làm hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn đều yêu cầu thẳng hoặc hướng khách hàng của mình đến công chứng hợp đồng tại các PCC với lý do là đáng tin cậy hơn. Một nhân viên của VPCC Bảo Nguyệt cho biết: Trước đây ngân hàng (NH) nọ có quy định ngầm rằng những hợp đồng cho vay dưới 500 triệu đồng mới để khách hàng ra công chứng tại VPCC. Nếu trên 500 triệu đồng thì bắt buộc phải công chứng ở các PCC của Sở Tư pháp.
Tuy nhiên đến nay thì NH này thôi luôn, không còn đến giao dịch công chứng ở đây nữa. Mặc dù có trụ sở trên đường Nguyễn Văn Linh, nơi tập trung nhiều chi nhánh và phòng giao dịch của các NH nhưng VPCC Trọng Tâm cũng ghi nhận có một số NH chưa bao giờ đến giao dịch công chứng ở đây, kể từ ngày VPCC đi vào hoạt động đến nay đã 2 năm. Các VPCC Trung Việt, Ngọc Yến cũng phản ánh nhiều NH thương mại đều hướng khách hàng vay vốn của mình đến các PCC để công chứng hợp đồng thế chấp tài sản. Có NH thì quy định giới hạn mức vay bao nhiêu thì khách hàng được tự do lựa chọn nơi công chứng hợp đồng thuận tiện nhất.
Một số nhân viên NH đề nghị giấu tên cho biết: Phải hướng khách hàng vay vốn của NH khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp vay vốn phải đến PCC. Đó là chỉ đạo ngầm, không có văn bản chính thức của Hội Sở chính, các chi nhánh phải thực hiện. Thông thường khách hàng muốn được vay tiền đều phải thuận theo yêu cầu của NH.
Phó Giám đốc của một NH trên đường Trần Phú cho biết: Hội Sở ở thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo (không có văn bản) phải yêu cầu khách hàng vay vốn đến các PCC để công chứng hợp đồng. Lý do là độ rủi ro ở các VPCC cao hơn các PCC của Sở Tư pháp. Theo ông này, thực hiện giao dịch công chứng ở các PCC nếu có gì thì Nhà nước đền bù. Còn ở các VPCC của tư nhân nếu xảy ra sự cố biết hồi nào mới khắc phục được thiệt hại do công chứng viên gây ra.
VPCC có ý thức giữ gìn “nồi cơm” tốt hơn
Phải khẳng định rằng việc cho phép mở các VPCC là thực hiện một nội dung trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW (ngày 2-6-2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết 17-NQ/TW (ngày 1-8-2007) về đẩy mạnh cải cách hành chính và Luật Công chứng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007).
Phải khẳng định rằng việc cho phép mở các VPCC là thực hiện một nội dung trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW (ngày 2-6-2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết 17-NQ/TW (ngày 1-8-2007) về đẩy mạnh cải cách hành chính và Luật Công chứng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007).
Công chứng viên dù làm việc ở PCC hay VPCC đều thừa hành nhiệm vụ công của Nhà nước, sứ mệnh của công chứng là công vụ, chứ không phải tư vụ. Chữ ký của công chứng viên ở PCC và VPCC đều có giá trị pháp lý như nhau. Việc xã hội hóa dịch vụ công chứng nhằm cải thiện môi trường tiếp xúc giữa người yêu cầu công chứng và người thực hiện dịch vụ công chứng, tạo ra môi trường cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Chính các VPCC phải chịu áp lực cao hơn nhiều vì phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng là phục vụ nhiệt tình, làm nhanh chóng, vừa phải đúng pháp luật. Phục vụ tốt mới có khách hàng để nuôi sống bộ máy của VPCC nhưng để xảy ra sai sót, công chứng sai pháp luật thì phải đối diện với nguy cơ phá sản. Mặc dù các NH có biểu hiện “phân biệt đối xử” với các VPCC nhưng có trường hợp chính VPCC phát hiện cán bộ tín dụng của NH có ý đồ thông đồng với khách hàng vay vốn để “bán đứng” chính NH nơi mình đang công tác nhằm trục lợi cá nhân. Chính các VPCC phải luôn ý thức làm đúng pháp luật để giữ gìn “nồi cơm” của mình.
Theo quy định của pháp luật trong trường hợp xảy ra rủi ro thì các tổ chức hành nghề công chứng dù của tư nhân hay của Nhà nước cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho khách hàng. Như vậy thật vô lý khi các NH có thái độ phân biệt đối xử công-tư trong hoạt động công chứng.
Bài và ảnh: Đoàn Sơn