Nhiều nhà làm sách, nhà xuất bản cũng tự triển khai những giải pháp riêng phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các giải pháp cũng chỉ mang tính tương đối, vẫn chưa thể xử lý rốt ráo vấn nạn này.
Trước kia, các nhà xuất bản thường áp dụng việc dán tem chống giả hoặc tem hologram màu trắng bạc. Tuy nhiên, sau đó lại có hiện tượng tem chống giả bị... làm giả khá phổ biến, mà tem này có nhược điểm là phân biệt thật - giả bằng mắt thường rất khó, thường phải sử dụng kính đặc biệt kèm theo.
Từ đó, một số đơn vị làm sách chuyển hướng, sử dụng tem điện tử để nâng cao hiệu quả chống giả mạo tem. Tem công nghệ có năm thông tin và bốn lớp bảo mật. Ví dụ, năm thông tin trên tem công nghệ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Dấu hiệu nhận biết tem (được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím); số serial (16 ký tự) để định danh sản phẩm; trang web để truy xuất thông tin tem; mã QR trỏ vào đường link truy xuất tem; mã bí mật phủ nhũ (16 ký tự) dành cho người dùng để xác thực (chỉ dùng được một lần).
Các nhà làm sách cũng thống nhất rằng, tem công nghệ chính là một trong những giải pháp hữu hiệu bởi nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, có một khuyết điểm khiến tem nay vẫn chưa được sử dụng phổ biến thực sự, đó là vì chi phí cao. Sách không phải sản phẩm công nghiệp hàng loạt, vì vậy, việc dán tem vẫn mang tính chất thủ công, dán tay, gây phát sinh vấn đề chi phí nhân công thực hiện.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đang ứng dụng thí điểm xây dựng phần mềm mã QR code trên sách có số bản in lớn (trên 5.000 bản), thường là sách pháp luật, giáo trình, bộ sách lớn. Tuy nhiên, việc dán tem 7 màu hay tem QR code hiện nay chưa thể đưa lên dây chuyền, vẫn do nhân công dán. Hiện giải pháp dán tem điện tử mới tập trung ở sách giáo khoa là chủ yếu.
Tuy nhiên, chọn tem thế nào cũng chỉ là một trong các giải pháp chống sách giả, sách lậu. Tại một hội thảo về sách gần đây, TS. Nguyễn Đăng Quang đã đưa ra một ý kiến thực tế rằng, với các mặt hàng khác, hàng giả, hàng thật chênh lệch giá trị rất lớn. Trong khi đó, sách giả, sách thật không chênh lệch là bao, thậm chí nhiều người chỉ cần đọc được nội dung sách nên đa phần người tiêu dùng mua sách không quan tâm, để tâm kiểm tra sách thật hay sách giả. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đăng Nguyên, cốt lõi vẫn là nâng cao văn hóa người dùng, tạo nên văn hóa dùng sách thật, phân biệt sách thật. Cạnh đó, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần đồng hành, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt xử lý các cơ sở làm sách giả, sách lậu, trả lại công bằng cho thị trường sách trong nước.