Sách thiếu nhi "tỏa sáng" trong và ngoài nước
Tại buổi tọa đàm Văn học Việt Nam - Một năm nhìn lại vừa được diễn ra tại Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã đánh giá văn học thiếu nhi, cũng như mảng sách viết cho trẻ nhỏ, là một trong hai điểm nổi bật nhất của văn học Việt trong năm qua. Bên cạnh dòng sách viết về đề tài dịch bệnh, sách thiếu nhi tạo được sự chú ý khi liên tục có những tựa sách hay được ra mắt, được trao giải thưởng trong nước cũng như nhiều tác phẩm được mua bản quyền phát hành ở nước ngoài.
Tháng 6/2021, giải thưởng Dế mèn thường niên của Báo Thể thao & Văn hóa gọi tên tác phẩm Đi trốn (Bình Ca), bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (Nguyễn Hoàng Vũ), truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là tết! (Mèo Mốc)… Giải thưởng Sách quốc gia 2021 tôn vinh Chang hoang dã - Gấu (Trang Nguyễn, họa sĩ Jeet Zdung) với giải A, giải B trao cho Lướt cùng Tí địa lý (Xuân Đài, Uyên Trương), Chuyện anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều)…
Ở mảng sách dịch, Nâu Nâu thị thành - Xanh Xanh đồng quê (Mo Willems, dịch giả Hoài Anh) được trao giải C. Ngoài ra, giải thưởng còn dành cho các công trình của nhóm tác giả: Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy, bộ sách Dạy con tài chính… Riêng Cá voi Eren đến hòn Mun (Lê Đức Dương) vào vòng chung khảo giải thưởng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam 2021. Ngoài ra, Chang hoang dã - Gấu cũng được nhà xuất bản Pan Macmillan (Anh) mua bản quyền phát hành toàn cầu. Tác phẩm Hành trình đầu tiên (Phùng Nguyên Quang - Huỳnh Kim Liên) xuất hiện trên New York Times và The Wall Street Journal…
Chỉ mới điểm qua những tác phẩm được vinh danh trong năm đã thấy được sự đa dạng của thể loại cùng sự tham gia mảng sách thiếu nhi của nhiều tác giả, đội ngũ họa sĩ minh họa. Văn học thiếu nhi cũng như dòng sách tranh, artbook dành cho trẻ nhỏ ngày càng khởi sắc. Bà Khúc Thị Hoa Phương, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết từ ba năm trở lại đây, đơn vị đã thành lập phòng biên tập chuyên phụ trách mảng sách cho thiếu nhi. Crabit Kidbooks tập trung mảng sách đầu tư minh họa màu rất đẹp, dành cho trẻ từ 6-10 tuổi. Chibooks cũng xác định sách thiếu nhi sẽ là một trong những thể loại được chú trọng khai thác trong thời gian tới. Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks - cho biết việc đầu tư sách thiếu nhi của đơn vị đồng thời hướng đến mục tiêu giới thiệu tác phẩm trong nước đến thị trường nước ngoài.
Vài năm trở lại đây, không còn những nhận định “vắng bóng” hay “thiếu tác phẩm hay” khi nói về văn học thiếu nhi, thay vào đó là sự khởi sắc đáng kỳ vọng. Không kể những tác phẩm đoạt giải, năm qua có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được ra mắt, đa dạng phong cách, đề tài. Bên cạnh đó là dòng sách tranh được các đơn vị đầu tư, nắm bắt và tiếp cận kịp thời với xu hướng làm sách đẹp của thế giới. Sự tham gia ngày càng đông đảo của đội ngũ họa sĩ trẻ minh họa mang đến làn gió mới cho các tác phẩm thiếu nhi.
Đầu tư cho tương lai
2021 là năm đầu tiên mà cả Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà văn TP.HCM có giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi. Các mùa giải thường niên những năm trước chỉ trao cho tác phẩm văn xuôi, thơ, văn học dịch và lý luận phê bình, vì vậy, văn học thiếu nhi vô tình trở thành “chiếu dưới”. Giải thưởng không có nghĩa rằng sẽ giúp tác phẩm trở thành bestseller, nhưng đó là một dấu ấn đáng ghi nhớ trong dòng chảy chung của văn học.
Năm nay, ngoài giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam còn chuẩn bị cuộc vận động viết cho thiếu nhi với quy mô lớn. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tìm cách xã hội hóa để có thể in được mỗi năm từ 5-10 vạn bản sách hay, chất lượng dành cho các em nhỏ. Không riêng những tác phẩm mới xuất bản vài năm trở lại đây, những tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị một thời cũng sẽ được in lại. Đây sẽ là những món quà quý dành cho học sinh nghèo vùng sâu.
Trong kế hoạch 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM, dự kiến sẽ có một trại sáng tác văn học thiếu nhi, quy tụ lực lượng những người trẻ viết cho trẻ nhỏ…
“Cần phải có sự đầu tư mang tầm chiến lược cho văn học thiếu nhi” là lời tâm huyết mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại tọa đàm Văn học Việt Nam - Một năm nhìn lại. Theo ông, trao vào tay trẻ nhỏ những cuốn sách hay, chính là cách người lớn đang góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Những cuộc vận động viết, những giải thưởng thường tạo ra cơ hội quy tụ các tác phẩm để nhìn thấy một diện mạo của văn học cũng như lực lượng người viết. Nhưng văn học thiếu nhi có một thời gian dài bị gián đoạn những cuộc thi viết lẫn giải thưởng. Sự lấn át của sách dịch lại càng khiến cho văn học trong nước bị lép vế. 2021 được xem là một năm bản lề cho mọi sự khởi đầu lại, có được “bệ đỡ” từ những chiến lược, tầm nhìn và sự quan tâm của Nhà nước, các Hội nghề nghiệp cũng như các đơn vị làm sách, văn học thiếu nhi hứa hẹn sẽ tiếp tục những mùa bội thu.