Đâu là nguyên nhân gây ngập sâu?
Chiều 9/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi: “Trong các trận mưa lớn vừa qua, nhiều vùng của TP. Quảng Ngãi bị ngập sâu, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?”.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, vấn đề ngập úng khu vực đô thị, nhất là nội thị đã được dư luận rất quan tâm. Trong thời gian qua, cụ thể tháng 10/2021 đã xảy ra 3 trận mưa lớn, nhất là từ 19 giờ ngày 23 đến 19 giờ 24/10 ghi nhận lượng mưa cực kỳ lớn với 532mm, vượt lịch sử năm 2009 (325mm). Đây là lượng mưa kỷ lục trong vòng 50-60 năm qua. Mưa lớn trên diện rộng, hạ tầng hiện có không đáp ứng nổi dẫn đến tình trạng ngập úng tại nhiều vị trí.
Đại biểu Huỳnh Văn Tố chất vấn về vấn đề ngập úng tại Quảng Ngãi |
Mưa lớn diện rộng, không riêng Quảng Ngãi mà các tỉnh khu vực trung trung bộ như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên cũng ngập. Đối với TP Quảng Ngãi, hạ tầng trong điều kiện bình thường vẫn còn bất cập, không đảm bảo, khi có mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ 19 khu vực nội thành của TP. Quảng Ngãi.
Theo quy hoạch thoát nước, trung tâm TP có 5 lưu vực chính, trong đó, lưu vực 2 phía nam đường Hùng Vương chiếm phần lớn. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2021, lưu vực 2 thoát nước ra sông Bàu Giang, công suất 250m3/s, sông Bàu Giang không tải nổi. Mực nước sông Bàu Giang dâng cao, tràn qua TP qua đường Trường Chinh. Mực nước thoát ra thấp hơn mực nước sông nên làm kéo dài thời gian ngập úng, gây áp lực tiêu cực lên toàn hệ thống thoát nước, cộng với mưa lớn không ngớt nên đã gây ngập trên diện rộng.
Một nguyên nhân khác là do hạ tầng thoát nước hiện có chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Ngoài ra, hạ tầng thoát nước đô thị được đầu tư từ năm 2.000 trở về trước, chưa lường hết khả năng thiên tai, biến đổi khí hậu, đầu tư không đồng bộ nên không phù hợp với diễn biến của thời tiết hiện nay.
Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá XIII ngày 9/12 |
Về nguyên nhân chủ quan, theo Giám đốc Sở Xây dựng, ở đây còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nạo vét các tuyến thoát nước hiện hữu trong khu vực nội thành. Bởi lẽ, không riêng gì đợt mưa kỷ lục trong ngày 23 và 24/10 mà những trận mưa sau đó TP cũng ngập 2-3 tiếng. Một số tuyến kết nối với hồ điều hòa Nghĩa Chánh và Bàu Cả chưa được nạo vét, khơi thông, ảnh hưởng thoát nước nội thành TP. Quảng Ngãi.
Trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở xây dựng, các giải pháp chống ngập cần phải được thực hiện trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá tổng quan toàn diện thực trạng địa bàn TP và các khu vực xung quanh.
Từ đó, ông Hoàng đề xuất 2 giải pháp, trước mắt tập trung khắc phục yếu tố chủ quan, tiến hành duy tu, nạo vét kênh mương, hồ điều hòa hiện hữu; khắc phục 19 điểm ngập ở khu vực nội thành. Tiêu biểu như khu vực đường Hùng Vương, Phan Bội Châu - Nguyễn Tự Tân, Phan Đình Phùng trước Thành ủy Quảng Ngãi, chợ Quảng ngãi, ngã 4 Quang Trung- Phan Đình Phùng…
Về lâu dài phải có sự đánh giá toàn diện, thực hiện đề tài chống ngập. Đồng thời, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, cũng cần phải có phần mềm quản lý thoát nước và ngập. Từ đó xây dựng nhiều kịch bản chống ngập, có dự báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên, hạn chế tối đa ngập ở nội thành TP.
“TP Quảng Ngãi đang rà soát điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, trong quy hoạch cần quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là hạ tầng kỹ thuật thoát nước để đầu tư thực hiện”, ông Hoàng nói.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi trả lời vấn chấn vấn và được yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Sở trong quy hoạch xây dựng các khi đô thi, dân cư đang là nguyên nhân |
Tuy nhiên, chưa hài lòng với câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Huỳnh Văn Tố yêu cầu làm rõ trách nhiệm Sở Xây dựng trong quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, đây có phải là nguyên nhân ngập hay không?
Theo ông Hoàng, mặt trái của phát triển đô thị phát triển kết cấu hạ tầng chưa thể đánh giá nguyên nhân khu dân cư nào làm ảnh hưởng vì vẫn còn trong quá trình đầu tư. Sở đã kiểm tra, rà soát, phù hợp quy hoạch mới cho làm.
“Khi đầu tư các dự án đã ảnh hưởng quỹ đất nông nghiệp, là hồ điều hòa tự nhiên, lượng nước chứa trước khi thoát ra cũng giảm so với trước kia, đây là nguyên nhân có phần đúng ở góc độ đầu tư, nhưng sau khi đầu tư hoàn thành, không còn hồ điều hòa tự nhiên. Sở Xây dựng là quản lý chung, TP cũng bám vào các quy hoạch được phê duyệt để thẩm định các dự án, nhưng việc kết nối các khoảng hở giữa các dự án chưa đồng bộ, khi quá trình đầu tư hoàn thành thì sẽ có điều kiện nhìn rõ hơn và có phương án khắc phục”, ông Hoàng trả lời chất vấn.
Điều hành Kỳ họp, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngập úng đô thị là vấn đề phức tạp. Vấn đề cử tri và đại biểu HĐND quan tâm ở đây là trách nhiệm các cấp, các ngành liên quan. Lãnh đạo tỉnh đã nhìn nhận vấn đề này, trong kế hoạch đầu tư công 2021- 2025, từ nguồn vốn trung ương và các nguồn khác, đã chuẩn bị đầu tư thu gom và xử lý nước ở TP. Quảng Ngãi và các dự án khác, khắc phục hạn chế liên quan hạ tầng thoát nước.
“Trong quá trình phát triển đô thị, việc đầu tư thực hiện khu dân cư, khu đô thị là tất yếu. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ngãi là 26,7%, cả nước là 40,4%. Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 30%, trong khi cả nước hơn 45%. Như vậy, mức phấn đấu đến năm 2025 của tỉnh còn thấp hơn mức trung bình cả nước hiện nay. Do đó, yêu cầu phát triển đô thị là cần thiết, để chuẩn hóa, đô thị hóa. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước hạn chế tối đa những mặt trái trong quá trình phát triển”, bà Vân nói.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt niềm tin lớn vào cách điều hành của chính quyền hiện nay, sẽ khắc phục được điểm nghẽn, tồn tại đã được chỉ ra.