Theo cơ quan BHXH TP HCM, trong quá trình rà soát, đối chiếu thời gian đóng trên sổ BHXH của người lao động, cơ quan BHXH TP HCM đã phát hiện nhiều trường hợp người lao động có thời gian nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trùng với thời gian tham gia BHXH. Có nghĩa là vừa nhận trợ cấp thất nghiệp, vừa đang làm việc tại một doanh nghiệp, như vậy là không đúng so với quy định của pháp luật.
Để xử lý, BHXH TP HCM đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tiến hành làm việc với người lao động, doanh nghiệp, qua đó truy thu hơn 6 tỉ đồng, đây là số tiền nhận trợ cấp thất nghiệp trái quy định. Số các trường hợp bị truy thu, nhiều trường hợp đã được nhận từ 50 – 75 triệu đồng.
Vẫn còn trường hợp vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp – đó là nhận định của ông Lê Quang Trung – Phó Vụ trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH khi tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN tại cuộc thông tin báo chí Kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây.
Theo ông Trung, với các hoạt động của mình bao gồm tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, cấp thẻ BHYT, thì BHTN đã thực sự trở thành chỗ dựa của người lao động khi họ không may gặp rủi ro mất việc.
Số người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm. Năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người).
Đánh giá về tình hình thực hiện BHTN, bên cạnh những mặt được, ông Lê Quang Trung cho biết, vẫn còn nhiều hạn chế như nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. “Không ít người lao động không biết về loại hình BHTN, số tiền doanh nghiệp nợ BHTN hiện nay là trên 200 tỷ đồng”, theo ông Trung.
Cũng theo ông Trung, công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó để kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, do đó vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, công tác thu hồi nợ tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc, đi địa phương khác.
Quay lại với câu chuyện ở TP HCM, mặc dù số tiền truy thu hơn 6 tỷ đồng nhưng đến thời điểm cuối năm 2018, số tiền truy thu này chỉ mới đạt một nửa so với tổng số tiền người lao động đang nhận không đúng với quy định pháp luật. Nhiều người lao động dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn không liên hệ để nộp lại tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận sai quy định.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, nếu người lao động kê khai không đúng sự thật khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, không thông báo có việc làm mới khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận và không được bảo lưu thời gian đã đóng BHTN.