Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và yêu cầu các Bộ, ngành tiếp thu ý kiến giám sát của UBTVQH, khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, những nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được nghiên cứu tiếp thu giải quyết và trả lời.
Giải quyết dứt điểm các kiến nghị tồn tại từ trước
Theo đó, một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Cụ thể như Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu kiến nghị của cử tri về việc có giải pháp xử lý hữu hiệu nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác với nhiều quy định mới, trong đó tăng mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định được xem là công cụ quan trọng góp phần ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác khiến người dân bức xúc từ nhiều năm nay.
Hay như, tại Kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị khắc phục tình trạng ngập úng khi trời mưa tại các cống chui qua đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa bàn huyện Việt Yên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương khắc phục tình trạng ngập úng tại các cống chui nêu trên. Đến nay việc khắc phục đã hoàn tất.
Từ Kỳ họp thứ 6, cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm chỉ đạo giải quyết chi trả tiền gửi cho người dân vì từ năm 2014, Quỹ tín dụng nhân dân xã Hoằng Đồng mất khả năng chi trả. Kiến nghị này chưa được giải quyết, vì vậy, tại Kỳ họp thứ 9, cử tri tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, trong đó có Quỹ tín dụng nhân dân xã Hoằng Đồng. “Hiện nay, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai, thực hiện phương án chi trả tiền gửi hợp pháp cho người gửi”, UBTVQH cho biết.
Trả lời chưa đúng nội dung kiến nghị
Tuy nhiên, UBTVQH vẫn còn hạn chế trong công tác giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri. Cụ thể, UBTVQH cho rằng, vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị.
Đơn cử như, cử tri tỉnh Thái Bình cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là tập huấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu, cấp chứng chỉ và kiểm tra, đánh giá tay nghề cho người học. Cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trả lời cử tri , Bộ LĐTB&XH chỉ nêu các kết quả đạt được sau 10 năm triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn, các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng chủ yếu là các giải pháp triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Việc đào tạo nghề chuyên sâu như kiến nghị của cử tri lại chưa được Bộ LĐTB&XH trả lời, trong khi hiện nay, việc nâng cao tay nghề cho người lao động là một vấn đề hết sức quan trọng, cần kíp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tạo cơ sở tiếp cận việc làm cho người lao động. “Kiến nghị, LĐTB&XH nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri về việc đào tạo nghề chuyên sâu cho lao động nông thôn”, UBTVQH nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành mặc dù chậm trình ban hành hoặc ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền nhưng khi trả lời cử tri vẫn không có lộ trình cụ thể để giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo UBTVQH, từ Kỳ họp thứ 5 đến nay, cử tri nhiều địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 và Nghị định số 114 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Trả lời cử tri, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang khẩn trương rà soát để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 và Nghị định số 114. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, mặc dù từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định nêu trên trình Chính phủ. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và phát triển chợ vẫn chỉ là đang rà soát xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mà vẫn chưa có lộ trình cụ thể để trình Chính phủ ban hành.
Trong khi hiện nay, tại nhiều địa phương đã phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp khi thực hiện việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi mô hình chợ. “Kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 và Nghị định số 114 về quản lý và phát triển chợ để đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn”, UBTVQH kiến nghị.
UBTVQH kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau hoặc nhiệm kỳ sau.