Hiện công chứng là một thủ tục bắt buộc để xác định hiệu lực pháp lý của một số loại giao dịch, hợp đồng. Tuy nhiên, khi các giao dịch, hợp đồng này không được thực hiện thì cách giải quyết phổ biến là “các chủ thể đưa nhau ra Tòa” nên đã có những “nghi vấn” về vai trò của công chứng…
Nhiều ý kiến nhấn mạnh vừa tạo thuận lợi cho dân vừa phải đảm bảo quản lý của Nhà nước |
Đỡ cho cả người dân và tòa án
Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng được sửa đổi theo hướng quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành (cưỡng chế thực hiện nếu không tự nguyện thi hành) với điều kiện nếu trong hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận về việc nếu một bên của hợp đồng không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện mà không cần đưa ra Tòa án xét xử.
Đối với một số chuyên gia đồng tình với việc cần quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành, quy định này sẽ góp phần giảm tải cho cơ quan xét xử, nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản công chứng, hạn chế tình trạng dây dưa, kéo dài hoặc không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết. Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý cho cơ quan Thi hành án dân sự cho thi hành theo yêu cầu của bên bị vi phạm cam kết trong hợp đồng thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Thi hành án dân sự.
Tán thành mạnh mẽ phương án này, ông Lã Hoàng Ân (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) dẫn ra những ví dụ về “sự đau khổ” của các ngân hàng khi các hợp đồng thế chấp có công chứng không được thực hiện. Khảo sát cho biết, hơn 50% việc công chứng liên quan đến hợp đồng thế chấp, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là sự thiếu hụt của pháp luật khiến ngân hàng khó phát mại tài sản khi đòi nợ. Ông Ân băn khoăn: “Nếu mọi tranh chấp đều phải đưa ra tòa án thì ngân hàng phải “gánh nặng” quá và như thế công chứng để làm gì?”. Từ đó, ông Ân đề nghị qui định giá trị pháp lý bắt buộc của văn bản công chứng và “Nếu có hợp đồng công chứng sai thì trách nhiệm của bên nhận thế chấp hay bên bán tài sản phải kiện ra tòa, nên không sợ thi hành án cưỡng chế thực hiện hợp đồng công chứng sai”.
Khẳng định nguyên tắc, “tự thỏa thuận phải tự chấp hành”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Trưởng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng) Hà Hùng Cường cũng cho rằng, không thực hiện hợp đồng thì đến thời hạn phải chuyển sang thi hành án. “Nếu được như vậy thì thì người dân đỡ khổ, Nhà nước cũng đỡ khổ và đỡ cho cả tòa án”.
Vẫn cần có Tòa án can thiệp
Tuy nhiên, như ý kiến của Trưởng Phòng Công chứng số 6 TP.Hà Nội Nguyễn Xuân Ba, trong điều kiện hiện nay, chất lượng công chứng viên vẫn còn rất nhiều bất cập, nhiều công chứng viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng không ít hợp đồng đã công chứng chứa đựng rủi ro vì không đảm bảo các yêu cầu trên. Do đó, trong giai đoạn hiện nay chưa thể coi hợp đồng, giao dịch đã công chứng là căn cứ duy nhất để cơ quan thi hành án thi hành mà vẫn nên để Tòa án giải quyết nếu có tranh chấp.
Để xác định trách nhiệm của các bên sau khi ký kết hợp đồng, đề nghị quy định rõ như sau: Văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch và các cơ quan, tổ chức có liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cũng bày tỏ sự tán thành với qui định này với việc khẳng định “văn bản công chứng là một văn bản được coi như một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, buộc các đối tượng tham gia giao dịch và cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện”.
Ông Đặng Văn Khanh (Viện trưởng Viện khoa học xét xử -VKSNDTC) khẳng định, giá trị pháp lý của văn bản công chứng là đương nhiên, nhưng thực tế, khi người dân vẫn phải trình văn bản gốc khi đã nộp văn bản có công chứng là bởi giá trị pháp lý của văn bản công chứng chưa được chú trọng đúng. Và cũng bởi một nguyên nhân là một bộ phận CCV do nghiệp vụ non kém hoặc “tiếp tay” cho những đối tượng lừa đảo khiến văn bản công chứng cũng chưa “đủ tin cậy” nên nếu có tranh chấp thì phải theo thủ tục tố tụng tại tòa chứ nếu đưa sang cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện thì khó khả thi vì “ngay cả nhiều bản án của tòa án qua mấy cấp xét xử mà còn không thi hành được nữa là chỉ là thỏa thuận của các chủ thể” – ông Khanh bày tỏ.
Đó cũng là quan điểm của đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) bởi lo ngại nếu để cơ quan thi hành án được thực hiện ngay không qua thủ tục tố tụng tại tòa án khi văn bản công chứng không được thực hiện thì “nhiều rủi ro, dễ lạm dụng, sử dụng như một biện pháp chiếm quyền sở hữu của người khác”. Theo đại biểu này, không thể cho cưỡng chế ngay mà vẫn phải ra Tòa án phán quyết…
Như vậy, quá trình sửa đổi Luật Công chứng đã đặt ra vấn đề nghiên cứu theo hướng làm rõ và nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng nhưng để đạt được sự đồng thuận thì vẫn cần thời gian...
Hải Nhật