Ngày 18/11/2010, người dân ở phố Ngọc Khánh (Hà Nội) bàng hoàng khi chứng kiến cảnh bé trai 4 tuổi tử vong do ngã từ ban công tầng 11. Cảnh đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những ông bố, bà mẹ cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.
Tai họa đến từ sự sao lãng
Sự việc xảy ra tại Tòa nhà Artex 172 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội). Bảo vệ tòa nhà cho hay, khoảng 7h sáng, một cháu trai 4 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 11 tòa nhà xuống ban công tầng 2. Bước đầu xác định lúc xảy ra tai nạn, gia đình cháu bé không có người lớn ở nhà và cháu bé đã leo lên chiếc ghế (gia đình kê ở gần lan can để ngồi chơi hóng mát) rồi rơi ra ngoài.
Ban công tầng 11 Tòa nhà Artex 172 Ngọc Khánh |
Hiện nay, rất nhiều gia đình, vì diện tích ngôi nhà có hạn nên đã tận dụng lan can là chỗ hóng mát cho cả gia đình. Họ thường kê những chiếc ghế ở lan can để ngồi chơi và những chiếc ghế tưởng như vô hại đó đã gây ra nhiều bi kịch.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, sáng 28/6/2010, tại Tòa nhà No5 thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội), bé Minh Anh đã rơi từ ban công tầng 5 xuống đất, tử vong. Theo cơ quan điều tra, sáng hôm ấy, thấy Minh Anh đang ngủ, người thân khóa cửa đi ra ngoài. Có thể bé gái đã đi ra ngoài ban công, bước lên ghế gần lan can và bị ngã.
Trước đó, năm 2008, một cháu bé 4 tuổi sống ở tầng 11 của Khu đô thị mới Linh Đàm khi ra lan can chơi cũng đã bị ngã xuống đất gây tử vong.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có gần 500 trẻ dưới 4 tuổi bị tai nạn. Một trong những nơi dễ xảy ra tai nạn là lan can nhà chung cư cao tầng
Sau những vụ tai nạn thảm khốc này, rất nhiều ông bố bà mẹ đã “sởn tóc gáy” khi nghĩ tới những hành động gây mất an toàn cho trẻ từ sự chủ quan, xao lãng của mình. Chị Thanh Nguyên (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Gia đình tôi thường để chiếc thang gỗ và thùng rác nhựa cứng có nắp ở ngoài ban công, cho gọn nhà. Thấy cảnh trẻ ngã từ ban công như vậy, tôi vội vàng về chuyển thang và thùng rác ra nơi khác ngay”.
Mỗi ngày 20 trẻ bị cướp đi mạng sống
Phần lớn trẻ bị tai nạn đều xuất phát từ sự sao lãng của người lớn. Rất nhiều ông bố, bà mẹ chỉ quan tâm đến chăm sóc ăn uống cho con mà không để ý tới bảo vệ tính mạng, thân thể trẻ. Họ vô tư để phích nước, nồi canh nóng, ổ điện, dao kéo... ngay gần nơi trẻ chơi.
Anh Lê Hân (ở Hàng Gà, Hà Nội) sẽ không bao giờ tha thứ cho mình khi trong cái chết của cô con gái 8 tuổi. Nhà anh có rất nhiều ổ điện ngang tầm tay với của trẻ. Rất nhiều người khuyên anh chuyển nơi để ổ điện nhưng anh nhất quyết không nghe. Trong một lần chơi đùa, con gái anh đã lấy que sắt chọc vào ổ điện, dẫn đến tử vong.
Sự lơ là, bất cẩn, chủ quan của người lớn đã khiến con cái họ bị bỏng, bị giật điện, bị vật sắc nhọn đâm vào người. Con bị tử vong, thương tich, họ hối hận thì đã quá muộn.
Theo Báo cáo tổng hợp về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam, trung bình hàng năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Mỗi ngày trôi qua, tai nạn thương tích tại Việt Nam lại cướp đi mạng sống của hơn 20 trẻ. Hơn thế nữa, tương ứng với mỗi trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích, đó là chưa kể nhiều em khác tuy sống sót nhưng suốt đời mang trên mình những khuyết tật và tổn thương.
Sau gần 8 năm thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích, Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích trẻ em đến nay vẫn chưa giảm. Đây thực sự là một vấn đề bức xúc của xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.
30.000 tỷ đồng mỗi năm cho điều trị tai nạn thương tích
Ngoài việc gây ra những nỗi đau ghê gớm cả về thể xác lẫn tinh thần bởi tình trạng thương tích nghiêm trọng của trẻ còn khiến cho các gia đình nghèo càng nghèo thêm vì phải chi các khoản khám chữa bệnh và các chi phí khác. Nỗi đau mất người thân trong gia đình không có gì bù đắp nổi.
Kinh tế nhiều gia đình bị kiệt quệ khi trong nhà có người bị tai nạn: Tử vong, tàn tật suốt đời. Một thành viên đang đi làm của gia đình có thể bắt buộc phải nghỉ việc để trong nom người bị tai nạn thương tích. Về phía xã hội, kinh phí dành cho chi phí y tế, dịch vụ cấp cứu, điều trị phục hồi chức năng... cho những người bị tai nạn thương tích mỗi năm lên tới 30.000 tỷ đồng (theo số liệu của UNICEF).
Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nói: “Nếu chúng ta không hành động ngay, tai nạn thương tích có thể nhanh chóng trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em và thanh niên.
Các ngành LĐ-TB-XH, Y tế, Giáo dục, Công an... tại địa phương cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn nữa công tác phòng chống tai nạn thương tích qua các chương trình giảng dạy ngoại khóa của các trường học các cấp, tổ chức các lớp đào tạo sơ cứu, cấp cứu nạn nhân cho các học sinh trong các trường”.
Thùy Dương