[links()] Kẻ gian đột nhập lấy đi rất nhiều thiết bị điều khiển và thiết bị biến tần có giá trị cao cùng với việc thất thoát tài sản lớn. Điều kỳ lạ là nhân viên bảo vệ được công ty này thuê từ một công ty khác cũng “bốc hơi” không dấu vết.
Tên trộm bí ẩn
Ngày 3/9/2011, Công an huyện Nhơn Trạch nhận được đơn trình báo của Công ty (Cty) TNHH Dịch vụ Bảo vệ H. T (ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Nội dung đơn bà N.T Hoài (Phó Giám đốc Công ty H.T) khai rằng, Cty của bà có ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với Cty TNHH Bao bì Việt Long tại KCN Nhơn Trạch.
Đinh Văn Thường đang bị tra tay vào còng |
Theo đó, vào đêm 2/9 rạng sáng ngày 3/9/2011 Cty Bao bì Việt Long bị kẻ gian đột nhập vào nhà máy trộm cắp thiết bị biến tần và một số bộ điều khiển tổng giá trị hàng hóa bị mất lên tới hơn 1 tỷ đồng. Nhân viên được Cty H.T giao bảo vệ Công ty Việt Long ngày 2/9 cũng biến mất ngay trong đêm hôm đó. Điều lo ngại là nhân viên của họ là “tác giả” hay nạn nhân của vụ trộm trên và nếu anh ta là nạn nhân thì tính mạng của nhân viên này có thể đang gặp nguy hiểm?
Ngay lập tức Công an Nhơn Trạch nhanh chóng bắt tay điều tra sự việc. Hồ sơ xin việc của Lê Doãn Yên (quê Thanh Hóa, nhân viên bảo vệ hiện đang mất tích) được chuyển về Công an để điều tra vụ án. Tuy nhiên qua xác minh, cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện bộ hồ sơ này chỉ có hình ảnh là thật, còn tất cả đều là giả.
Với điều này, cơ quan điều tra xác định đây là vụ trộm được chuẩn bị bài bản từ trước và khả năng tác giả vụ trộm chính là nhân viên đã mất tích trong đêm xảy ra vụ việc. Nhưng điều nan giải là thông tin về đối tượng vẻn vẹn chỉ có một bức ảnh 3x4, không có gì hơn. Vậy đối tượng này thật sự là ai? Và làm thế nào để tìm ra được hắn?
Phương án nhờ sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS) (khu vực phía Nam) Bộ công an được Công an Nhơn Trạch tính đến sau nhiều ngày “mò kim đáy bể”. Từ tấm hình thẻ có được, lãnh đạo Cục CSHS (C45B) chỉ đạo bộ phận kỹ thuật tập trung xác minh nhận diện chân dung hung thủ thông qua hình ảnh kết hợp với sự sàng lọc những đối tượng từng có tiền án, tiền sự tương đương độ tuổi.
Qua hàng nghìn tấm ảnh được lấy ra so sánh, C45B thấy nổi lên tấm ảnh của Đinh Văn Thường có nhiều điểm tương đồng với hung thủ vụ án. Đây là đối tượng có tiền án về tội trộm cắp vừa mới mãn hạn tù vào ngày 16/8/2011, hiện đang ở trọ tại ấp Đông Chiêu, Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương. Ngay lập tức mọi hành tung của hắn trong thời gian xảy ra vụ trộm được các trinh sát điều tra xác minh từng chi tiết.
Tối 8/9/2011, khi Thường đang uống café cùng một đồng phạm khác ở quán Ngọc Lan thì bị các trinh sát ập vào bắt gọn.
Chân dung siêu trộm
Tại CQĐT, sau một hồi quanh co chối tội, cuối cùng Đinh Văn Thường (SN 1983, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã phải khai nhận: Năm 2007, Thường vào Bình Dương làm công nhân cho đến tháng 02/2010 bị bắt về tội trộm cắp tài sản bị Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên xử phạt 8 tháng tù giam.
Sau khi mãn hạn tù, lo ngại lý lịch “có vết” của mình sẽ khó xin việc nên Thường đã làm giả một bộ hồ sơ mang tên Lê Doãn Yên. Ngày 31/8/2011, Cty Bảo vệ H.T tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai tuyển vị trí bảo vệ và cái tên“Lê Doãn Yên” đã trúng tuyển. Sau đó Thường được Công ty phân công về làm nhiệm vụ bảo vệ tại Cty Bao bì Việt Long.
Khi xin được việc làm, Thường đã nói chuyện với Trần Đình Trường (SN 1985, quê Tuyên Quang) và Trần Văn Đức (SN 1968, quê Hà Nam) là 2 người cùng khu trọ với Thường. Bắt được ngay cơ hội trời cho, Trường liền bàn mưu, sau khi Thường vào Công ty Việt Long làm bảo vệ, Trường và Đức ở bên ngoài sẽ đột nhập vào công ty để lấy hàng. Lúc đó Thường sẽ là nội gián: vừa mở cửa cho Trường, Đức; chỉ địa điểm đặt thiết bị điện tử. Ngoài ra, Thường còn có nhiệm vụ canh chừng để Trường và Đức hành động.
Khoảng 5h chiều 2/9/2011, khi Thường báo đang trực tại Cty Việt Long, thì Trường và Đức liền chạy xe máy từ Biên Hòa xuống Nhơn Trạch. Đến 21h, cả hai đến chỗ Thường làm. Hai tên bèn giấu xe máy vào bụi cây và leo tường rào vào. Thường ở trong đã mở sẵn cửa và hướng dẫn qua điện thoại vị trí để thiết bị. Khi bị bắt, Đức khai: “Thường nói qua điện thoại cứ đi vào mấy tủ điện mở ra dùng kìm và tô-vít tháo mấy cục bằng nhựa màu trắng có gắn nhiều đầu dây điện. Tôi và anh Trường thực hiện theo lời anh Thường tháo được khoảng 30 cục lớn nhỏ”.
Về phía Thường, y canh chừng cho đồng bọn và tạo chứng cứ ngoại phạm. Khoảng 3h sáng, khi Trường và Đức đã “khoắng” được một mẻ đậm, Thường mới dời vị trí, đến chuyển “chiến lợi phẩm” ra ngoài. Một xe taxi đã được gọi từ bao giờ, đang đợi sẵn ở cửa chở “đồ” đem về.
Trường lên taxi thẳng hướng xã Tân Đông Hiệp – Dĩ An – Bình Dương. Đức và Thường chạy xe máy về hẹn gặp nhau tại tiệm thu mua phế liệu thuộc xã Tân Đông Hiệp. Sáng hôm sau (3/9), cả ba đi kiểm tra, đếm “chiến lợi phẩm”, ghi lại số hiệu hàng hóa và gọi xe taxi đến và mang hàng lên TP.Hồ Chí Minh bán cho một người đàn ông ở quận Tân Bình với giá là 60.000.000đ. Có được số tiền lớn, Trường chia cho Đức 20.000.000đ, Thường 10.000.000đ, còn bao nhiêu Trường đút túi.
Qua khai thác, CQĐT của Cục CSHS kết hợp với Công an tỉnh Đồng Nai quyết định bắt khẩn cấp 3 đối tượng còn lại, gồm hai người tiêu thụ hàng gian: Nguyễn Triệu Hùng (SN 1962, quê Thừa Thiên Huế, hiện ở Hồng Lạc, P.10, Q. Tân Bình, TP.HCM) – người mua số thiết bị của Trường, Thường, Đức ngày 3/9) và Phan Kỳ Thạnh (SN 1963, ở quận 1, TP.Hồ Chí Minh), người đã mua số thiết bị của Hùng vào ngày 5/9 sau đó. Ngoài ra, lái xe taxi chở nhóm trộm cắp tài sản vào đêm 2/9 là Trần Quang Tấn (SN 1974, HKTT Lý Nhân, Hà Nam) cũng bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Như vậy, chỉ sau 5 ngày từ khi xảy ra sự việc, Cục CSHS Bộ Công an và các lực lượng chức năng đã làm rõ một vụ trộm cắp tài sản rất tinh vi và táo tợn chỉ từ một tấm ảnh để lại trong hồ sơ, tóm gọn toàn bộ các đối tượng liên quan và tang vật vụ án. Vụ án được hoàn tất là một chiến công của lực lượng Công an củng cố niềm tin vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đối với quần chúng nhân dân.
Trúc Lâm