Tranh cãi tội danh
Hồ sơ vụ án thể hiện, chiều ngày 1/5/2016, Thái Đăng Sơn (SN 1974, trú thôn Kinh Tế Mới, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) tổ chức ăn nhậu tại nhà bạn. Sau đó, Sơn về nhà mình.
Khi về đến nhà, thấy Nguyễn Văn Nhân (SN 1982, trú thôn Xuân Phú 2, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh; chỗ ở thôn Kinh Tế Mới, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) là hàng xóm cạnh nhà đang nằm trên võng trước hiên nhà nên Sơn đi đến gọi Nhân sang nhậu tiếp. Do vợ ngăn cản nên Nhân từ chối. Giữa Nhân với vợ có xảy ra kình cãi nên Sơn đi về nhà.
Về đến nhà, Sơn đứng sát nhà của Nhân nói to: “Mày đụng tao thì tao chơi luôn”. Cho rằng Sơn nói mình nên Nhân lấy một cây rựa đi đến nhà Sơn. Nhân tiến tới sát gần Sơn (khoảng 1 mét) cầm rựa bằng cả hai tay đưa lên trên đầu của Sơn và nói: “Ông đòi chơi ai”. Sơn không nói gì mà chỉ bước lùi về phía sau.
Lúc này được một người can ngăn nên Nhân quay về nhà. Nhân ngồi trước hiên nhà thấy Sơn đi qua đi lại ở phần sân tiếp giáp với sân nhà mình và tiếp tục nói: “Mày ngon đụng tao thì tao chơi luôn” và “Hai vợ chồng mày ở được thì ở, không thì biến đi chỗ khác”.
Nhân nghĩ Sơn đang thách đố mình nên tiếp tục cầm rựa đi qua phần sân nhà Sơn. Lúc này, Sơn đứng quay lưng về phía sân nhà Nhân còn Nhân đứng đối diện với Sơn (khoảng cách 1 mét). Nhân dùng hai tay đưa rựa lên trên đầu chỉ về hướng của Sơn với mục đích hăm dọa Sơn và bước tới trước mặt Sơn và nói: “Ông đòi chơi ai”.
Sơn không nói gì mà chụp lấy cây gỗ vuông (dài khoảng 1 mét) để cạnh cửa, đưa lên trước mặt để phòng vệ. Nhân bước tới áp sát người Sơn, dùng lưỡi rựa gạt qua, gạt lại cây gỗ trên tay Sơn và nói “Ông đòi chơi ai, ông làm gì mà đòi đuổi tôi”.
Lúc này, Sơn bước thụt lùi về hướng mép sân nhà Nhân, Nhân tiếp tục cầm rựa đưa lên phía trước mặt Sơn và bước về phía trước dùng rựa gạt qua, gạt lại cây gỗ trên tay Sơn để hù dọa nên Sơn tiếp tục bước thụt lùi phía sau.
Do giữa sân nhà Nhân và Sơn chệch nhau khoảng 0,6m nên Sơn trật chân ngã xuống phần sân nhà Nhân làm Sơn bị chấn thương vùng cổ. Sau đó, Sơn được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Ngày 4/11/2016, Sơn có đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Theo giám định thương tích của Sơn là 89%.
Ngày 27 và 28/7/2017, TAND huyện Diên Khánh mở phiên tòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo HĐXX nhận định bị cáo Nhân dùng cây rựa hăm dọa chém anh Sơn, làm anh Sơn sợ bước lùi và ngã gây thương tích 89%. Do đó, Viện KSND huyện Diên Khánh truy tố bị cáo Nhân về tội “Vô ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 điều 108 của BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Xét thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác được pháp luật hình sự bảo vệ nên cần xử phạt bị cáo thật nghiêm khắc, cách ly bi cáo ngoài xã hội thời gian dài mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cãi, đã bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại, bản thân chưa có tiền sự, tiền án nên đã tuyên phạt Nhân 1 năm tù về tội “Vô ý gây thương tích”.
Sau khi án tuyên, bị hại và gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo yêu cầu xử bị cáo tội Cố ý gây thương tích (bị cáo không kháng cáo). Ngày 16/11/2017, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Vì sao tòa trả hồ sơ?
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày, bị cáo cầm rựa “nhá” vào anh Sơn làm anh Sơn té ngã chứ bị cáo không đạp vào người anh này làm anh này ngã. Việc bị hại té ngã chấn thương là do bị cáo tác động, nhưng bị cáo không cố ý gây thương tích cho bị hại.
Bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại cho rằng bị cáo có hành vi cố ý gây thương tích cho bị hại, không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND huyện Diên Khánh vì thực tế bị cáo đã dùng rựa chém vào gáy của bị hại, và đạp vào người bị hại làm cho người bị hại té xuống đất gây thương tích 89%. Hành vi của bị cáo là cố ý gây thương tích chứ không phải là vô ý gây thương tích như cấp sơ thẩm đã xét xử.
Theo HĐXX, ngay sau khi sự việc xảy ra, bị cáo khai tại Công an xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh rằng: “Trong lúc giằng co, ông Sơn hụt chân ngã xuống sân nằm tại chỗ, tôi có xô đẩy với ông Sơn chứ không có đạp”. Và tại bản hỏi cung tại Công an huyện Diên Khánh bị cáo khai: “Tôi cầm rựa quơ qua quơ lại nhưng không trúng ông Sơn, ông Sơn cũng cầm cây gỗ quơ qua quơ lại, hai người giằng co, ông Sơn lùi ra sau bị té vì hụt chân xuống thềm cấp nhà tôi”.
Còn bị hại Sơn khai: “Ông Nhân cầm cây rựa đi qua nhà tôi vung rựa lên hăm dọa, áp sát vào người tôi chém tôi, xô xát với tôi làm tôi bị té ngã trước sân nhà ông Nhân”.
Người làm chứng khai: “Tôi thấy ông Nhân quay về nhưng ông Sơn tiếp tục chửi, nên ông Nhân quay lại một lần nữa và hai người xô xát với nhau, thấy căng thẳng tôi liền chạy qua thì thấy ông Sơn đã nằm bất động trước sân nhà ông Nhân”… Như vậy, ngay từ lời khai ban đầu của bị cáo, người làm chứng và lời trình bày của người bị hại thể hiện đã có việc giằng co, xô xát xảy ra giữa bi cáo và bị hại trước khi bị hại bị té ngã, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ tình tiết này để xác minh đây có phải là nguyên nhân trực tiếp tác động làm cho người bị hại bị té ngã hay không.
Mặt khác, vì bị cáo 2 lần cầm rựa qua nhà bị hại, lần thứ hai bị cáo vung rựa lên hăm dọa, tiến tới và áp sát vào người bị hại, dùng lưỡi rựa tạt qua, tạt lại cây gỗ trên tay bị hại làm người bị hại lui về phía sau bị té ngã. Cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét đánh giá những tình tiết khách quan của vụ án, ý chí chủ quan của bị cáo đối với hành vi thực tế đã xảy ra để xác định mối nhân quả giữa hành vi và hình phạt.
Những nội dung nêu trên chưa được làm rõ trong quá trình điều tra, còn có sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và bị hại, nhưng cấp sơ thẩm không trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ hành vi khách quan, chủ quan của bị cáo để từ đó xác định đúng tội danh của bị cáo. Do đó sau khi nghị án Tòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện KSND huyện Diên Khánh điều tra xét xử lại.