Bất ổn từ sau cổ phần hóa
Thực tế, sau loạt bài “Xẻ thịt phí hoa tiêu” phản ánh về hàng loạt những sai phạm trong quản lý tài chính tại Cty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (Vungtau Ship) trên Báo PLVN vào tháng 4/2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã lập Đoàn công tác gồm đại diện Vụ Đổi mới DN Văn phòng Chính phủ, Cục Tài chính – Bộ Tài chính và một số Vụ chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)… làm việc với Vungtau Ship xung quanh những nội dung Báo nêu. Trong văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ GTVT đã chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động hoa tiêu hàng hải.
Theo đó, hoa tiêu là dịch vụ công ích nhằm mục đích an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; được Nhà nước cấp cơ sở vật chất như phương tiện đưa đón hoa tiêu, nhà ở, nơi làm việc và các chế độ khác để hoa tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, phí hoa tiêu thu được Vungtau Ship dùng để trả lương và các chế độ cho hàng trăm cán bộ công nhân làm việc ở các bộ phận khác trong công ty không liên quan đến hoạt động hoa tiêu hàng hải và… đầu tư cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác của Cty.
Ngoài ra, với số vốn điều lệ là 164 tỷ đồng, Cty sẽ phải trả cho cổ đồng gần 20 tỷ đồng tiền cổ tức trong khi theo Nghị định (NĐ) 173/2007/NĐ-CP và NĐ 49/2011/NĐ-CP của Chính phủ, phí hoa tiêu hàng hải là nguồn thu được sử dụng cho các chi phí của hoạt động hoa tiêu, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước.
Do vậy, khi cổ phần hóa Vungtau Ship, phí hoa tiêu được sử dụng không đúng, làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động hoa tiêu và làm thất thu ngân sách nhà nước, dẫn đến thu nhập của hoa tiêu giảm một nửa so với trước và so với các Cty hoa tiêu khác trong khu vực. Đó là chưa kể chỗ ở, nơi làm việc của hoa tiêu chật chội; không được đầu tư nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hành xử thiếu tôn trọng...
Sẽ còn nhiều tai nạn nghiêm trọng?
Trước thực trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng: Cty sẽ khó khăn trong tập trung nguồn lực về tổ chức quản lý, điều hành hoạt động hoa tiêu hàng hải. Việc xảy ra tình trạng bức xúc, không thỏa đáng đối với hoa tiêu như hiện nay ảnh hưởng đến tâm lý của người hoa tiêu khi dẫn tàu, có nguy cơ mất an toàn hàng hải. Trường hợp hoa tiêu nghỉ việc hoặc xin chuyển hàng loạt có thể dẫn đến mất ổn định hoạt động hàng hải tại khu vực.
Tuy vậy, việc bất ổn tại Vungtau Ship lại tăng lên gấp bội khi Tổng Giám đốc Cty đã điều động, bổ nhiệm và ra quyết định đình chỉ công tác hàng loạt vị trí chủ chốt tại Vungtau Ship và Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu không đúng thẩm quyền, không thông qua HĐQT, sai quy định và không đúng quy trình theo Điều lệ và Quy chế tổ chức hoạt động và làm việc của Cty. Tình hình trên đã gây ra bất ổn về dư luận nội bộ công ty, gây mất đoàn kết nội bộ và làm ảnh hưởng tâm lý làm việc của người lao động, đến tình hình nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Vungtau Ship.
Dư luận đang đặt câu hỏi: Với kiểu hành xử bất chấp quy định như vậy ở Vungtau Ship đã đẩy bất ổn tại DN này lên đến cao trào và nếu tình trạng này kéo dài thì mất an toàn tại luồng hàng hải Vũng Tàu vẫn đang rình rập tàu thuyền ra vào, liệu còn vụ tai nạn nghiêm trọng tương tự như tàu Heung A Dragon và Eleni?
Sau vụ tai nạn, các chuyên gia hàng hải cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Heung A Dragon và tàu Eleni là ngay từ khâu điều hành, quản lý hoa tiêu của Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu. Ngay như trường hợp hoa tiêu Võ Việt Đức, sau khi để xảy ra tai nạn vào đêm 7/11 thì sáng ngày 8/11 vẫn được phân công tiếp tục dẫn tàu Anne-Sofie từ phao số “0” vào cảng PTSC (?).
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, luồng hàng hải từ phao số “0” đến cảng PTSC thuộc luồng sông Dinh có khoảng cách 20,75 hải lý có vai trò quan trọng đảm bảo cho hoạt động dầu khí như PTSC, Vietxopetro…và nếu tiếp tục xảy ra tai nạn thì hậu quả khó mà lường hết được…