Ngày 3-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt-Hàn để khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng giáo dục-đào tạo. Cùng dự buổi làm việc có ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Đoàn giám sát tham quan cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt-Hàn. |
Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt-Hàn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập từ tháng 5-2007 theo Quyết định 2150/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Trường có chức năng đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng 4 ngành: Tin học ứng dụng, khoa học máy tính, quản trị kinh doanh, marketing.
Đến nay, nhà trường có 1.821 sinh viên, 183 cán bộ, giảng viên và nhân viên, trong đó có 28 thạc sĩ, 43 người đang học thạc sĩ và 76 người có trình độ đại học. Trường được xây dựng trên diện tích 13,6 ha với đầy đủ trang thiết bị phục vụ học tập, giáo dục thể chất, vui chơi và các dịch vụ ngân hàng, bưu điện. Diện tích giảng đường đạt 31m²/sinh viên. Được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp thêm 4ha đất, trường tiếp tục đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và lập đề án phát triển thành trường đại học.
Đoàn giám sát đánh giá cao cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ dạy và học của trường đã vượt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, khi phát triển lên trường đại học, cần chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giảng viên bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát làm việc với Trường Đại học Dân lập Duy Tân. Các thành viên của Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của trường đã đầu tư liên tục trong suốt 15 năm kể từ ngày thành lập trường để có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Đây là một trong số rất ít trường đại học dân lập đào tạo được đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ đáp ứng được nhu cầu đào tạo, không phụ thuộc vào giảng viên thỉnh giảng.
Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng trường cho biết: Trường đã làm xong đề án liên kết với hai trường đại học ở Mỹ đào tạo 120 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ từ nay cho đến năm 2020 với tổng kinh phí đào tạo 4 triệu USD. Mục tiêu của trường trong những năm đến là đạt chuẩn quốc tế và khu vực về chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin.
Trả lời chất vấn của các thành viên Đoàn giám sát về chất lượng đào tạo, Ban Giám hiệu cho biết: Trường tổ chức một bộ phận thanh tra nội bộ để đánh giá, kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong những năm gần đây, trường đã tổ chức lấy ý kiến góp ý giảng viên bằng phiếu thăm dò nhằm duy trì việc bảo đảm chất lượng giảng dạy. Trường thực hiện đào tạo và thu học phí theo tín chỉ.
Đến nay, trường đã đào tạo được 11.463 kỹ sư, cử nhân và hơn 5 ngàn kỹ thuật viên tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 77%. Hiện nay, nhà trường có quan hệ với 100 doanh nghiệp vừa phục vụ cho việc giảng dạy thực nghiệm, vừa giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Tin và ảnh: S.T