Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Nghiên cứu sáng kiến phát huy hơn nữa sức mạnh kiều bào

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp, tiếp đoàn kiều bào Việt Nam tiêu biểu về nước đón Tết theo chương trình “Xuân quê hương 2018”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp, tiếp đoàn kiều bào Việt Nam tiêu biểu về nước đón Tết theo chương trình “Xuân quê hương 2018”.
(PLO) - Nhìn nhận đóng góp của kiều bào ta là “vô cùng lớn và không thể đong đếm được, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UB), Bộ Ngoại giao cho biết đang nghiên cứu xây dựng các sáng kiến nhằm thu hút, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực tri thức và tài chính của kiều bào vào những vấn đề phát triển cụ thể, thiết thực của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đóng góp quan trọng

Theo UB, trong những năm vừa qua, kiều bào ta ở nước ngoài đang ngày càng có xu hướng trở về nước thăm thân, đầu tư, kinh doanh; đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xu hướng này xuất phát từ việc môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng rộng mở hơn cộng với việc các chính sách trọng dụng trọng đãi đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cũng bắt đầu phát huy hiệu quả. 

Ví dụ, theo Luật nhà ở năm 2014, hầu hết bà con ta ở nước ngoài đều thuộc diện được mua nhà và sở hữu đất đi kèm. Luật Kinh doanh cũng có nhiều điều khoản ưu đãi. Về khoa học công nghệ, Nghị định 87 năm 2014 cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích kiều bào về nước đóng góp về tri thức và khoa học công nghệ…

“Bản thân sự lớn mạnh của cộng đồng ta ở nước ngoài cùng sự phát triển trong nước đã khuyến khích bà con khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, bà con đã về quê hương đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Phó Chủ nhiệm UB Lương Thanh Nghị cho biết.

UB cho biết, hàng năm, số lượng kiều bào về nước thăm thân du lịch là trên dưới một triệu lượt, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư kinh doanh của kiều bào hiện cũng đang rất khởi sắc.

Theo thống kê của các địa phương và bộ, ngành, hiện đang có gần 3.000 doanh nghiệp của NVNONN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỉ USD, tập trung vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước như công nghệ cao, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trong nước. 

Lượng kiều hối gửi về nước cũng có xu hướng tăng mạnh. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, trong 12 năm trở lại đây, lượng kiều hối gửi về nước tăng 10%-15%/năm. Lượng kiều hối trong năm 2016 là 11,88 tỉ USD; năm 2017 là 13,8 tỉ USD.

Ngân hàng này cũng dự báo lượng kiều hối trong năm 2018 là 15,9 tỉ, tương đương 6,6% GDP cả nước; đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018. Điều đáng mừng là có khoảng 60% lượng kiều hối về nước được sử dụng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh chứ không phải tiêu dùng hay cho vào ngân hàng gửi tiết kiệm như trước đây.

Đóng góp của bà con về mặt trí tuệ, trí thức và khoa học công nghệ là rất lớn. Thống kê của UB, số chuyên gia, trí thức và các nhà khoa học NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức 300 lượt người/năm. Con số này chưa bao gồm số vào Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn.

Đặc biệt, nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới người Việt Nam vẫn đang âm thầm, lặng lẽ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Hiện có bốn chuyên gia trí thức NVNONN là GS. TS Nguyễn Đức Khương (Việt kiều Pháp), GS. TS Trần Văn Thọ (Việt kiều Nhật), PGS. TS Trần Ngọc Anh (Việt kiều Mỹ), PGS. TS Vũ Minh Khương (Việt kiều Singapore) đang tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Hay vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc - kiều bào tại Pháp – cũng là những người đã có đóng góp rất lớn cho nền khoa học của Việt Nam. Bằng uy tín của mình, hai ông bà đã cùng Giáo sư người Pháp Odon Vallet lập Quỹ học bổng Vallet. Sau hơn 10 năm triển khai, Quỹ đã cấp hàng nghìn học bổng cho học sinh Việt Nam với tổng giá trị khoảng 300 tỉ đồng.

Giáo sư Lê Văn Cường mỗi năm cũng đang tổ chức các hội thảo kinh tế học, đưa về nhiều nhà kinh tế học tên tuổi, bao gồm cả những người từng giành giải Nobel về kinh tế, về Việt Nam để bàn về các vấn đề kinh tế của Việt Nam và kinh tế, tạo cơ hội cho các nhà kinh tế học trong nước giao lưu, trao đổi học thuật. 

Ngoài ra, nhiều kiều bào là doanh nhân, nhà khoa học khi về nước cũng đã mang theo những công nghệ, mô hình kinh doanh mới mẻ, đột phá, thúc đẩy phát triển kinh doanh trong nước. Điển hình như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng phân bón thông minh, không gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất lúa khoảng 20%...

Những công nghệ mà Tiến sỹ mang về hiện đang được áp dụng rất rộng rãi ở tỉnh Đồng Tháp và một số các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  

Dẫn lại đánh giá của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại chương trình Xuân Quê hương 2018, Phó chủ nhiệm UB Lương Thanh Nghị khẳng định những “đóng góp của kiều bào ta là vô cùng lớn và không thể đong đếm được”.

Tiếp tục xây dựng sáng kiến  

Theo UB, trong các năm qua, UB đã tập trung huy động nguồn lực doanh nhân, trí thức NVNONN về nước tham gia phát triển xây dựng đất nước. Tại Hội nghị Việt kiều toàn thế giới do UB tổ chức tại TP HCM năm 2016, bà con đã đưa ra gần 50 kiến nghị, đề xuất nhằm giúp TP HCM phát triển trong bối cảnh khoa học cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Trong những kiến nghị, đề xuất đó, TP HCM đã xem xét rất nghiêm túc và trong thời gian qua đã triển khai một số kiến nghị như đề xuất xây dựng thành phố thông minh hay nhiều vấn đề khác liên quan đến cuộc sống dân sinh hàng ngày như kẹt xe, nước sạch, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm…. “Phải nói kiều bào ta đã có nhiều đề xuất, kiến nghị vừa đúng, vừa trúng, mà không quá khó khăn để triển khai”, ông Nghị nhận định.

Trên cơ sở kết quả Hội nghị, các năm qua, UB tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện kết nối giữa kiều bào với trong nước, huy động nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào trực tiếp tư vấn, đồng hành với lãnh đạo, các cơ quan trong nước và địa phương đi vào chiều sâu.

Điển hình là việc cuối năm 2017, UB đã tổ chức Hội nghị kết nối kiều bào với trong nước về Startup tại San Francisco, Mỹ. “Rất nhiều bạn trẻ đã liên hệ với các cơ quan trong nước cũng như cộng đồng Startup trong nước”, ông Nghị cho biết. 

Hồi tháng 8 vừa qua, UB cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chương trình gặp mặt người Việt làm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước nhằm huy động trí tuệ của NVNONN tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chiến lược của Việt Nam nhằm thích ứng với những chuyển biến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau chương trình, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được thành lập. “Những hội nghị, hội thảo, diễn đàn như vậy không chỉ tạo cơ hội để giới khoa học, chuyên gia Việt Nam ở bên ngoài đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước đồng thời cũng là diễn đàn để họ nêu lên những vấn đề và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất.

Đó là những phản hồi rất quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của chúng ta và là cơ hội để các kiều bào ở các địa bàn và giữa kiều bào với trong nước gắn kết với nhau”, ông Nghị cho hay.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những chính sách hiện có, kiến nghị những chính sách, biện pháp đột phá mới nhằm tạo điều kiện hơn nữa và khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

UB cũng cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng các sáng kiến nhằm thu hút, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực tri thức và tài chính của trí thức, doanh nhân NVNONN, đặc biệt là nhóm kiều bào trẻ, vào những vấn đề phát triển cụ thể, thiết thực của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…

Tuy nhiên, UB cũng chỉ ra rằng, theo Luật Quốc tịch năm 2008, người gốc Việt Nam có nhu cầu trở lại, nhập quốc tịch Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư và đã nhập quốc tịch nước ngoài và những cháu có bố hoặc mẹ là người Việt Nam muốn trở lại và nhập quốc tịch Việt Nam nhằm duy trì sợi dây quan hệ với quê hương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều nước đã nới lỏng chính sách quốc tịch, cho phép công dân của mình được phép có hai hoặc đa quốc tịch, vì vậy, số lượng người gốc Việt Nam có nhu cầu nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam là không ít. 

Do vậy, thời gian qua, UB đã đóng góp ý kiến với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống quy định, pháp luật liên quan đến NVNONN theo hướng thực tiễn và hiệu quả hơn, nhất là vấn đề liên quan đến việc xin nhập, trở lại quốc tịch, cư trú, đầu tư, sở hữu nhà đất, xuất nhập cảnh, thị thực…; đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định số 78 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng “nới lỏng” và cụ thể hóa các điều kiện để NVNONN có thể nhập/quay lại quốc tịch Việt Nam. 

UB cũng đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 87 năm 2014 của Chính phủ nhằm khuyến khích hơn nữa các cá nhân là NVNONN tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam. 

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 4,5 triệu người, có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 80% sinh sống ở các nước phát triển.  

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.