TS. Lê Vệ Quốc – Cục trưởng và TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cùng TS Đào Thị Thu An – Quản lý Dự án EU JULE – UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc khẳng định, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo tối đa quyền công dân và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin.
Mặc dù có sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng và Nhà nước về tiếp cận thông tin của người dân, cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện nhưng theo ông Quốc việc tổ chức thực hiện vẫn đang là câu hỏi lớn, thực tế đang có vùng trũng về thông tin pháp luật, đang có cộng đồng, người dân thiếu thông tin pháp luật. Đây là một bài toán khó.
Toàn cảnh hội thảo. |
“Thời gian qua, với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc trong khuôn khổ dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, chúng tôi đã cùng các chuyên gia nghiên cứu để có lời giải cho bài toán này. Tức là làm sao tạo ra một cú hích đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, tính căn cơ nhưng cũng có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng giúp cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, kịp thời, đầy đủ chính xác… Hiện nay ở giai đoạn tiền khả thi này, chúng tôi gọi là nghiên cứu, báo cáo về chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế”, ông Quốc cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Cục PBGDPL, xác định đối tượng đặc thù, yếu thế là những người có hiểu biết pháp luật còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật so với nhóm đối tượng khác. Do đó, để thu hẹp khoảng cách và sự chênh lệch về nhận thức pháp luật, tạo sự cân bằng trong tiếp cận thông tin pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì việc xây dựng các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu một số nội dung có liên quan, gắn với nội dung trực tiếp của dự thảo Chiến lược như các mục tiêu cần đạt được, xác định vấn đề nâng cao nhận thức, đổi mới hình thức PBGDPL, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, việc đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL….
Bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án EU JULE phát biểu tại hội thảo. |
Bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án EU JULE cho biết năm 2020, UNDP cùng Cục PBGDPL thực hiện nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế. Từ các phân tích về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, khung chính sách và pháp luật hiện hành về PBGDPL, thực trạng nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân cũng như thực trạng công tác PBGDPL, nghiên cứu đã đề xuất một số nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng Chiến lược hoặc Chương trình nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, các chuyên đề cụ thể, gắn với nội dung trực tiếp của dự thảo Chiến lược đã được nhóm chuyên gia phối hợp cùng Cục PBGDPL thực hiện để làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược trong thời gian sắp tới: Quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nội dung và hình thức PBGDPL với các nhóm yếu thế, giải pháp, nhiệm vụ tổ chức thực hiện, khung theo dõi, đánh giá việc thực hiện chiến lược. Một nội dung cũng quan trọng được nhóm nghiên cứu đề xuất là hình thức văn bản và thẩm quyền ban hành chiến lược.
TS Nguyễn Quỳnh Liên - Chuyên gia trình bày tóm tắt nội dung các chuyên đề. |
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, góp ý 3 chuyên đề gồm: Các vấn đề chung của Chiến lược nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế; Các nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với người dân và nhóm đặc thù, yếu thế; Các giải pháp, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác này.
Theo báo cáo, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, toàn quốc đã tổ chức 9.429.104 cuộc PBGDPL trực tiếp; biên soạn và cấp miễn phí 511.988.157 tài liệu PBGDPL, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; xây dựng 13.932 chuyên trang, chuyên mục về PBGDPL; thành lập các fanpage, zalo để cung cấp thông tin pháp luật;…
Hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hoá của từng vùng miền đem lại hiệu quả thiết thực. Nguồn lực tài chính cũng như chính sách hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL từng bước được bảo đảm, so với giai đoạn trước khi có Luật đã có nhiều bước chuyển rõ nét. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL được chú trọng với nhiều phương thức và mô hình phong phú, linh hoạt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL cũng tồn tại nhiều hạn chế như nội dung PBGDPL còn chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải; một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị.
Hạn chế nữa là nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn; ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân phủ pháp luật của một bộ phận cán bộ, Nhân dân chưa chuyển biến rõ ràng.