Từ ngày 12/3, 5 địa phương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Thuận sẽ thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi thí điểm, việc này sẽ triển khai trên toàn quốc vào tháng 6/2020.
Theo đó, dữ liệu người vi phạm sẽ được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ (CSGT) và tích hợp với hệ thống dịch vụ công. Từ đó người vi phạm có thể tìm tên, lỗi vi phạm và thực hiện các bước nộp phạt trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; đồng thời lựa chọn hình thức nhận quyết định nộp phạt, giấy đăng ký, bằng lái tại nhà thông qua hệ thống bưu điện.
Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được khai trương cuối năm 2019. Hiện cổng cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Trong khi đó, để hỗ trợ người dân nộp tiền phạt, 4 năm trước Cục CSGT và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo thoả thuận này, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ tại nhà. Qua đó, người dân có thêm lựa chọn cách thức nộp tiền vi phạm, tuy nhiên họ vẫn phải đến bưu điện để làm thủ tục.
Để khắc phục hạn chế trên, ngày 6/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an sớm cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, bên cạnh cách nộp phạt lâu nay là đến kho bạc, người dân có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia để nộp phạt qua mạng. Sau khi hoàn thiện hạ tầng và dữ liệu, việc nộp phạt giao thông qua mạng sẽ áp dụng trên toàn quốc từ tháng 6/2020.
Trước việc thí điểm thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt vi phạm giao thông, anh Nguyễn Hoà, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy việc thí điểm áp dụng thu phạt qua mạng là rất hay và tiện lợi. Tôi rất ủng hộ cách làm này! Tôi cũng hy vọng thời đại công nghệ càng phát triển thì các cơ quan chức năng càng nghĩ ra nhiều biện pháp, ứng dụng hay và tiện lợi giúp người dân có thể thực hiện mọi giao dịch một cách thuận tiện và hữu ích hơn nữa”.
“Nếu trước đây muốn nộp phạt thì phải ra kho bạc, ngân hàng hoặc bưu điện. Các đơn vị này đều làm việc vào giờ hành chính nên rất khó khăn cho những người làm việc trong giờ hành chính. Với việc thanh toán trực tuyến này thì chỉ bằng vài thao tác đơn giản qua điện thoại và mất vài phút ai cũng có thể thực hiện được”, một nữ viên chức ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, về cơ bản, các bên đã thống nhất quy trình nghiệp vụ; nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia, để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, thuộc thẩm quyền xử phạt của CSGT.
Ngoài ra, các dịch vụ trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe, thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã sẵn sàng để triển khai.
Trước đó, ngày 15/1, Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về việc người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên khi giám sát bằng các thiết bị này, họ phải bảo đảm các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.
Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Khu vực này phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Khi Thông tư được áp dụng trên toàn quốc, nhiều ý kiến chia sẻ đây là chính sách đúng đắn và kịp thời. Trên thực tế, bên cạnh việc người dân sai phạm giao thông thì việc các cán bộ CSGT xử phạt sai là có. Chắc hẳn là ai cũng nhớ sự việc xảy ra tại TP HCM vào cuối năm 2019 thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đây là trường hợp CSGT ra quyết định xử phạt sai và phải bồi thường hàng chục triệu đồng cho người dân: “Qua đó, tôi thấy rằng việc cho phép dân được quay phim, ghi âm CSGT làm việc là hoàn toàn phù hợp, nó không chỉ giúp người dân đảm bảo được quyền lợi cá nhân của mình mà còn giúp các cán bộ CSGT có thể bảo vệ được danh dự của họ khi có tranh chấp, kiện cáo ra pháp luật trong trường hợp họ làm đúng”, một bạn đọc ở Hà Nội nói.