Có lẽ vì tình cảm sâu nặng, vì những kỷ niệm đã chất chứa từ lâu mà tôi viết Trời Hà Nội xanh rất nhanh. Đó không chỉ là bầu trời mà là cả thế giới, không gian của người Hà Nội. Năm 1983, Hà Nội phát động một cuộc thi sáng tác về thủ đô. Tôi lúc đó đã sống ở Hà Nội gần 30 năm, trăn trở nghĩ mình phải viết gì đó để đền đáp mảnh đất đã gắn bó, đã cho mình gia đình, sự nghiệp, cho mình bao kỷ niệm buồn vui, thậm chí cả những lần vượt qua cái chết trong gang tấc thời chiến tranh. Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm, phải viết thế nào để khác những gì người ta đã nhắc, viết gì để tạo dấu ấn.
Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Hoàng Lan Anh |
Rồi những kỷ niệm cứ ùa về, đó là những ngày đạp xe đi dạo qua hồ Gươm trước khi lên đường đi công tác; là khi đưa cả nhà sơ tán qua sông Hồng lên Hà Bắc, một mình vẫn cố quay lại Hà Nội, mỗi lần có báo động máy bay Mỹ lại vội vàng nấp dưới cầu thang; là những ngày xe đất đắp công viên Thống Nhất, cả những lần suýt chết vì bom Mỹ. Lạ lắm, sau tất cả những khó khăn, vất vả, đạn bom ấy là một bầu trời Hà Nội yên bình, lãng mạn đến vô cùng. Một ngày, những dòng ca từ bỗng như bật ra, rất ngọt: Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi! Nụ cười ấy là nụ cười lạc quan, nụ cười tin vào sự đẹp đẽ của ngày mai, những ngày phía trước, dù hôm qua là những ngày đạn bom khói lửa. Tôi về Hà Nội năm 1955, sống gần 40 năm ở nhà “văn nghệ sĩ” ở số 96 phố Huế, sát bên cạnh nhà của nhà văn Lưu Quang Thuận, bố Lưu Quang Vũ. Tôi đã cùng Hà Nội trải qua nhiều biến cố thăng trầm, từ những ngày đầu cách mạng đến khi thủ đô được giải phóng và tiếp tục chiến đấu chống Mỹ. Hà Nội, tôi coi như quê hương thứ hai, thậm chí còn sâu nặng hơn quê hương thứ nhất của mình. Có lẽ vì tình cảm sâu nặng, vì những kỷ niệm đã chất chứa từ lâu mà tôi viết Trời Hà Nội xanh rất nhanh. Đó không chỉ là bầu trời mà là cả thế giới, không gian của người Hà Nội. Nó cũng là biểu trưng của Hà Nội, TP vì hòa bình. Thế hệ chúng tôi kinh qua chiến tranh nên rất hiểu chiến tranh, chúng tôi khát khao những ngày được bình yên đi trên những con phố Hà Nội. Hình ảnh vua Lê Lợi, sau khi đánh xong quân giặc đã mang gươm báu trả về cho cụ rùa hồ Gươm luôn ám ảnh tôi. Nó nhắc tôi hiểu rằng dân tộc ta bị buộc phải phải cầm súng chứ không muốn có chiến tranh. Trong sáng tác của mình, tôi muốn bật lên khát vọng hòa bình của Hà Nội, dù Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu/ Hà Nội vùng lên , Hồng Hà cuộn sóng/ Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa/ Đêm pháo hoa anh lại gặp em/ Trời Điện Biên Hà Nội chiến thắng...Trời Hà Nội xanh sau đó đã giành giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi, đồng thời còn giành thêm một giải nữa là giải Hồ Gươm. Một thời gian dài, bài hát đã được coi như nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Rất vui, vì gần 30 năm trước, tôi đã nhắc đến Trời Hà Nội xanh, nhắc đến khát khao hòa bình của người Hà Nội, thì năm 1999, UNESCO cũng chính thức công nhận Hà Nội là thành phố vì hòa bình.
Đi vào lòng không chỉ người Hà Nội Nhiều người hát Trời Hà Nội xanh không biết vô tình hay cố ý đã sửa lời “rồi sẽ qua” thành “rồi sẽ quen” phút bỡ ngỡ ban đầu. Thực ra, từ “sẽ quen” chẳng có ý nghĩa gì ở đây. Hà Nội đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn để phát triển, thậm chí có cả những ấu trĩ, sai lầm, nhưng rồi vì tình yêu Hà Nội, tất cả những điều ấy đều sẽ qua hết, để có một ngày Hà Nội tươi đẹp, rực rỡ. Tuy được biểu diễn lần đầu ở Hà Nội nhưng bài hát lại thường được phát sóng bằng giọng ca của một ca sĩ miền Nam người gốc Đà Lạt. Sau này, tôi có gặp cô ấy một lần và không thể giải thích được tại sao một ca sĩ phương Nam lại thích và hát Trời Hà Nội xanh hay như thế? Cho đến tận bây giờ, ở tuổi 83, tôi vẫn chỉ có thể lý giải vì mình đã hết mình với bài hát, còn bài hát lại có được đôi cánh bay diệu kỳ. Ước ao của tôi là viết được một bài hát về thủ đô, và thật may, nó đã đi được vào lòng người như thế. |
Nhạc sĩ Văn Ký
Theo NLĐ