Chồng, con lần lượt hy sinh ngoài chiến trận
Vừa bước qua tuổi 86, sức khỏe yếu, thân hình gầy gò nhưng trí óc mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan, trú khối Quang Phúc, phường Hưng Phúc (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khá minh mẫn. Khi được hỏi về sự hy sinh của chồng và con trai, khóe mắt mẹ Lan bỗng rưng rưng. Mẹ chia sẻ: “Mới ngày nào tôi tiễn ông nhà và thằng Nam ra trận, vậy mà ngót 50 năm rồi. Nửa thế kỷ mà tôi cứ ngỡ mới hôm nào đây thôi”.
Năm 1957, cô thôn nữ ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) nên duyên vợ chồng với chàng trai nghèo Trần Văn Thành. Đám cưới thời chiến tranh diễn ra đơn giản khi chỉ có mâm cơm để ra mắt hai bên gia đình và họ hàng. Tháng 3/1965, khi vừa tròn 26 tuổi, ông Thành quyết định tạm xa vợ con, xung phong lên đường nhập ngũ tại chiến trường Campuchia.
Cho đến bây giờ, mẹ Lan vẫn nhớ như in cảnh tiễn chồng ra trận. Thời điểm đó, mẹ đang mang thai đứa con thứ 3 ở tháng thứ 6 và đứa con đầu mới lên 3. Tủi thân nhưng vì việc chung mẹ cố cứng rắn để chồng yên tâm ra trận. 3 tháng sau ngày chồng vác ba lô ra chiến trường thì mẹ Lan một mình vượt cạn, sinh đứa con thứ 3. Suốt những tháng ngày sau đó, việc một nách 3 đứa con lít nhít, cộng với chăm sóc bố mẹ chồng già yếu khiến cuộc sống của mẹ Lan vốn vất vả càng thêm cực nhọc hơn.
Mẹ kể, để nuôi 6 miệng ăn, mẹ phải thức khuya dậy sớm, làm việc không ngừng nghỉ. Bị cuốn vào công việc ruộng đồng nên ban ngày mẹ không có thời gian để nghĩ về chồng. Nhưng mỗi đêm xuống, nỗi nhớ chồng, lo lắng lại thường trực trong lòng mẹ. Mẹ kể: “Thời chiến nên thông tin liên lạc với nhau vô cùng hiếm. Do vậy, hàng đêm mỗi khi nghe tiếng chó sủa là tôi lại thức dậy ra ngóng chồng. Đêm này qua đêm khác nhưng chưa lần nào tôi thấy hình dáng ông vác ba lô về thăm gia đình cả”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan. |
Năm 1968, sau 3 năm đằng đẵng chờ đợi mẹ Lan đau đớn khi nhận được giấy báo tử của chồng do đơn vị gửi về. Cầm tờ gấy đó trên tay khiến trái tim người phụ nữ ấy như tan vỡ. Dẫu vẫn hiểu mất mát hi sinh trong chiến trận là điều không tránh khỏi, nhưng nỗi đau của người vợ trẻ cứ quặn thắt trong tim.
Khi nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai thì năm 1982, mẹ Lan tiếp tục gạt nước mắt để tiễn người con thứ 2 tên là Trần Văn Nam ra chiến trận. Cũng như chồng, con trai tham gia mặt trận ở Campuchia. Năm 1985, trong lần về phép đặc biệt, đứa con ấy đã lập gia đình. Sau đám cưới đơn giản và nhanh gọn, anh tiếp tục vác ba lô lên đường để tiếp tục nhiệm vụ gửi gắm người vợ trẻ nơi mẹ hiền. Mãi 2 năm sau, trong lần về phép lần hai thăm gia đình thì người vợ có tin vui. Ngày tiễn con trai trở lại tiền tuyến thì con dâu cũng đang mang thai khiến mẹ Lan càng thương con dâu vì thấy hình ảnh mình trong đó.
Đau đớn thay, lời hứa ngày đoàn tụ chưa kịp thực hiện thì chiến sĩ Trần Văn Nam đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. “Nhìn đứa cháu sinh ra không được nhìn mặt bố khiến lòng tôi quặn đau, thương cháu, thương con dâu. Không muốn ràng buộc con ở vậy khi tuổi đời con trẻ, tôi có mở lời cho nó đi bước nữa. Tuy nhiên, con dâu cho hay sẽ ở vậy nuôi con, lo hương khói cho chồng”, mẹ nhớ lại. Thương con dâu một mình nuôi cháu, bà luôn động viên, an ủi.
Sau khi hy sinh, phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Nam được đồng đội mai táng ở nghĩa trang Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Sau đó 4 năm, để thuận tiện cho việc hương khói, gia đình đã quyết định đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang của dòng họ.
“Mong muốn tìm được phần mộ chồng”
Đến bàn thờ thắp nén hương cho chồng, mẹ Lan tâm sự: “Đã nhiều năm nay điều khiến mẹ trăn trở nhất là chưa tìm được phần mộ”. Mẹ kể, trong giấy báo tử năm xưa gửi về cho gia đình chỉ có ngày mất, chứ không ghi rõ liệt sĩ Trần Văn Thành hy sinh ở địa điểm nào. Mãi sau này, mẹ Lan mới nghe một số đồng đội của chồng cho biết liệt sĩ Thành hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, nhưng cụ thể ở nơi nào thì không ai rõ.
Hòa bình lập lại, đã mấy lần mẹ cùng người thân khăn gói vào Quảng Trị để tìm hài cốt liệt sĩ Trần Văn Thành. Tuy nhiên, giữa mênh mang đất trời, rừng núi và những thông tin ít ỏi nên việc tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Thành trở nên khó khăn. Do vậy, họ đành bỏ cuộc, trở về quê nhà.
Nỗi đau mất chồng cộng với việc chưa biết hài cốt ở đâu khiến hàng năm vào dịp 27/7 và ngày giỗ nỗi đau trong lòng mẹ Lan lại trỗi dậy. Nhớ chồng, thương con, mẹ chỉ biết thắp nén hương lên bàn thờ, rồi thì thầm tâm sự trước di ảnh hai người thân.
Mẹ Lan bên bàn thờ người chồng là liệt sỹ Trần Văn Thành. |
Năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Lan được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Ẩn sau trong danh hiệu cao quý ấy là sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của mẹ cho Tổ quốc. Mẹ nghẹn ngào: “Chiến tranh cướp mất chồng và con trai, tôi đau lắm. Nhưng tôi được sống như ngày hôm nay thì bao người đã hy sinh, bao bà mẹ cũng mất chồng, mất con như tôi. Hy sinh vì Tổ quốc thì chẳng có gì phải hối tiếc”.
Ngồi trong căn nhà tình nghĩa mới được phường Hưng Phúc kết hợp với các nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ, khánh thành vào tháng 6/2020, mẹ Lan cứ im lặng nhìn di ảnh chồng. Mỗi khi cháu, chắt về thăm, hoặc có khách đến nhà hỏi han sức khỏe, mắt mẹ lại ánh lên niềm tự.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ Lao động thương binh xã hội phường Hưng Phúc cho biết, hiện trên địa bàn phường, chỉ duy nhất còn mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan là con sống. Thực ra mẹ Lan thường sinh sống trên quê ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương. Khoảng 4 năm trở lại đây, mẹ xuống ở cùng với con dâu và các cháu ở TP. Vinh. Quá trình mẹ sinh sống tại đây, chính quyền luôn tạo điều kiện quan tâm, chăm sóc mẹ.