Những đứa trẻ “bám biển”
Như thức dậy sau một “giấc mộng đêm hè” kéo dài… làng chài Vịnh Hạ Long bừng tỉnh với tiếc cười nói và có cả những ánh mắt háo hức trẻ nhỏ. Những đứa trẻ nơi đây mang trong mình những ước mơ khác mà không phải phập phồng với lênh đênh sóng biển.
Khác với những tòa nhà, biệt thự, khách sạn cao cấp sang trọng khu vực trung tâm thành phố đầy xa hoa lộng lẫy. Làng chài nhỏ bé nằm khu tạm định cư của người dân nơi đây, ngay gần cảng cá tiện cho việc đi lại đánh bắt.
Hôm nay, tôi cùng một số bạn sinh viên mang đến một tủ sách cho đám trẻ trong làng. Được thông báo chúng đã chờ ở cổng nhà văn hóa từ sớm. Từ khung cửa, những đứa trẻ đầy háo hức chờ đón vẫy tay chào đón chúng tôi. Đứa nào đứa ấy đem nhẻm, gầy gò nhưng mắt rất sáng, thông minh và nhanh nhẹn.
Đặt chân đến đây và chứng kiến cuộc sống của người dân làng chài Vịnh Hạ Long mới thấm thía cái mặn mòi của biển cả in hằn vào cuộc sống, trên gương mặt và cả ước mơ của họ. Trong những ngôi nhà lợp tôn, mùa hè đổ lửa thêm cái vị biển càng làm ai nấy đều khó chịu. Nhưng, ở mãi cũng quen, họ gắn với biển, bám biển, sống chết nhờ biển. Và những đứa trẻ cũng thế..!
Một bác lớn tuổi đón tiếp chúng tôi, giọng mùi đục khàn chia sẻ về những đứa trẻ với giọng trầm buồn: “Bố mẹ của các em đi đánh bắt hàng tháng để lại các em ở nhà học tập, có đứa ở với bà, có đứa tự trông nhau. Khi bố mẹ về muốn đưa các con cùng ra biển thì có rất nhiều em lại trở nên sợ sệt. Có đứa quen với việc đi biển nên cũng không mấy lạ lẫm. Nhiều khi bố mẹ mải làm, cho con cái nghỉ học rồi đi biển cùng luôn”.
Sống vì biển mà, bây giờ không làm lấy gì mà ăn!
Các em nhỏ ở đây cũng yêu sách, yêu chữ, ham học. Chúng thức dậy từ 5h sáng, tự ăn uống và chuẩn bị đi học vì trường cách xa vài cây số. Nhà nước nhiều năm nay có nhiều hỗ trợ cho việc nâng cao giáo dục, học tập đảm bảo tốt nhất cho các em có cơ hội học tập. Tuy vậy, việc đi biển cứ lênh đênh nay đây mai đó, nhiều em theo bố mẹ ra biển. Đa số, người dân ở đây không biết chữ, cho trẻ đi học phụ thuộc kinh tế gia đình, nhiều nhà không có điều kiện buộc cho những đứa trẻ đi biển theo bố mẹ.
Nhìn thấy những chồng sách, truyện đủ màu sắc, chúng ùa đến, rồi hò nhau khiêng vào nhà văn hóa một cách đầy nghiêm túc và trân trọng.
Vừa ôm chồng sách lớn, bé Lê Tùng (10 tuổi) vui vẻ mừng rỡ nói: “Em thích đọc sách lắm, nhất sách về động vật, nhưng ở đây chẳng có sách. Giờ có rồi em sẽ đọc hằng ngày”.
“Em ước mình là giáo viên để dạy học cho các em” |
Những câu chuyện có thật !
Dưới những mái nhà tạm, những đứa trẻ hằng ngày thực hiện những hoài bão ước mơ của mình cùng biển. Có đứa từ nhỏ theo bố mẹ đi biển, biết lặn, bắt san hô, bắt cá như thợ lặn chuyên nghiệp. Có đứa thì cả tháng gặp bố mẹ một lần, ở nhà với ông bà vì họ phải đi đánh xa. Có những người vì trốn chạy cuộc sống, chồng ly dị, vợ bỏ hay trọng bệnh cũng tìm đến đây làm bến đỗ. Những đứa trẻ đủ số phận, có đứa được đi học có đứa thì không, nhưng tất cả chúng giống nhau là ham đọc sách.
Cả buổi sáng nghe tin có thư viện mới, chúng rủ nhau đi rất sớm chờ đợi như một giấc mơ. Một niềm ao ước bấy lâu nay mà chưa bao giờ có được. Trong đám trẻ làng chài, có Lê Tùng là nhanh nhẹn và nghịch ngợm nhất, cậu bé có sẵn tố chất thông minh, tài ăn nói. Bé Tú là đứa rất thích nhảy múa. Tú thuộc làu bài nhảy Kpop dù chỉ học vài ba lần. Bé Thắng là người ít nói, nhưng rất thương bố mẹ, nên Thắng sợ việc mình đi học làm bố mẹ lo toan nhiều hơn. Thi thoảng em lại đi biển cùng bố, nghe những câu chuyện về những cơn bão, những vụ đắm tàu.
Tôi vô cùng may mắn khi được gặp em Tùng, một em nhỏ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.Tùng trong nhóm trẻ là đứa nghịch nhất, Tùng mê game, mê đá bóng và mê Toán. Nhưng Tùng cũng là đứa có hoàn cảnh khó khăn nhất, bố mẹ em chia tay nhau, sau đó hai người biệt xứ, bỏ lại em với ông bà ở ngôi làng này. Ông bà vẫn đi biển, vẫn kể cho em nghe về bố về mẹ, về những ngày ấu thơ của em. Khi ngồi cùng đám bạn, cầm quyển sách vừa đọc, em bật khóc. “Người ta hay gọi em là si – đa, nên chẳng đứa nào dám chơi với em, nhiều người xa lánh em nữa”. Nghe ra tôi mới biết, có lần đi biển em bị một con vật cắn làm nổi mẩn mụn, khiến nhiều người không biết nghĩ em bị HIV từ bố mẹ. Họ đã xa lánh, kỳ thị, trêu chọc em làm Tùng tổn thương rất nhiều. Đôi mắt Tùng đầy nước, nhưng chứa cả sự khẩn khoản, chân thành.
“Nhưng anh chị nhớ phải tin em”. Tôi tin Tùng sẽ trưởng thành, sẽ là một chàng trai tuyệt vời một người có trái tim tử tế. Rồi cả đám trẻ ùa vào nhau, chưa bao giờ chúng nghe Tùng kể, chưa bao giờ chúng khóc vì nhau như thế.
Rất nhiều đứa trẻ ở đây giống Tùng, chúng phải “bám biển” cùng gia đình. Có khi cả tháng không được gặp người thân, tự chăm sóc chơi đùa với nhau như anh em ruột thịt. Những nỗi nhọc nhằn nơi đầu sóng, kiếm miếng cơm manh áo khiến tuổi thơ chúng thiếu thốn đủ điều. Nhưng, có lẽ vì thế mà đã có những tâm hồn thật đẹp, khi chúng luôn khao khát đi học, được có sách đọc, được ước mơ như trong trí tưởng tượng.
Những ước mơ bền bỉ trên cát trắng |
Ước mơ trên cát
Những đứa trẻ quen với sóng biển, tôi thấy chúng như cây xương rồng, mạnh mẽ và quyết đoán. Thư viện mới là niềm vui lớn nhất của chúng, vì từ nay chúng được đọc sách, được vẽ tranh tô màu. Cả thế giới tuổi thơ háo hức đón nhận những điều mới mẻ và thú vị. Cả ngày với đầy tiếng cười.
Lúc tủ sách ở thư viện làng đã xong, những cuốn sách được xếp ngay ngắn, thẳng tắp. Bọn trẻ ùa vào thích thú tìm cho mình quyển sách yêu thích nhất.
- Em có thích đọc sách không?
- Em có, nhưng ít đọc vì không có sách.
- Em thích đọc sách gì?
- Em muốn đọc về các loài động vật với truyện cổ tích.
Những cuốn sách đã đến với bọn trẻ và chúng sẽ được thấm với gió, nắng của biển khơi. Cùng chúng đi học, đi chơi, đi biển. Một cuốn sách cho đi, một cánh cửa mở ra! Hôm nay Tùng sẽ không chơi game nữa mà sẽ đọc sách trinh thám, bé Thắng xin bố mẹ ở nhà để đọc sách cùng các bạn. Tú hôm nay thức muộn hơn đọc nốt cuốn truyện dang dở… Hơn 1.000 cuốn sách sẽ đồng hành cùng chúng trong hành trình sắp tới.
Khi nói chuyện với những đứa trẻ, tôi được nghe nhiều về ước mơ. Giống như chúng ta, cả tuổi thơ với những niềm ước ao vụng dại nhưng lại là tiền đề tương lai.
- Ước mơ của cháu là gì?
- Em thích bơi nên em sẽ làm thợ lặn
- Còn em là một bác sĩ thú y.
- Em chỉ thích làm người lái tàu thôi…
Rồi những đứa trẻ cũng sẽ lớn lên và mang theo những ước mơ nơi đầu sóng. Dù hôm nay Tùng vẫn phải xa bố mẹ, Thắng vẫn phải đi ra khơi bắt cá, hay vài đứa trẻ khác đi học muộn... Nhưng may mắn khi chúng vẫn ham học, vẫn ước mơ, vẫn vẽ lên nét tươi tắn trên gam màu buồn của làng chài này. Sẽ có những đứa về thành phố, có những đứa trở về, có những đứa đi biển… Và thật vui mừng và hạnh phúc chúng đã ước mơ, dù là những ước mơ chỉ vụng dại, ngây ngô…
Đêm hôm trước trời mưa lớn, vài đứa trẻ ra bến cảng ngóng bố mẹ trở về. Nhưng, cuộc chờ đợi hôm nay đã khác, vì chúng háo hức kể cho họ nghe về những cuốn sách mới.