Nhìn những gương mặt xinh xắn hồn nhiên, khó ai có thể nhận ra những thân hình bé bỏng ấy đang mang trong mình căn bệnh xuyên thế kỷ. Các em còn quá nhỏ để nhận ra những nghiệt ngã cuộc đời mà chính bố mẹ đã gây ra cho bản thân mình.
Ảnh minh họa |
Tổ ấm cho những mảnh đời bé bỏng
Nhiều năm nay, hàng chục em nhỏ nhiễm HIV bị bố mẹ bỏ rơi đã được Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu nhận về chăm sóc nuôi dưỡng. Mỗi em có một hoàn cảnh, quê quán khác nhau, nhưng chúng đều là nạn nhận của căn bệnh AIDS. Có em ở Vũng Tàu, có em quê ở Bình Thuận, Phú Yên, thậm chí cả Cà Mau, Kiên Giang...
Tuy nhiên không ít em biết được bố mẹ là ai và gốc tích nơi đâu vì bị vứt bỏ ở bệnh viện, vệ đường, trước cổng chùa hay trung tâm từ thiện, bảo trợ xã hội... ngay khi vừa mới lọt lòng. Có em do bố mẹ đều bị nhiễm căn bệnh quái ác này ở giai đoạn cuối và không còn khả năng nuôi dưỡng nên đã gửi vào đây...
Trong số 125 em hiện được nuôi dưỡng tại Trung tâm thì có tới 24 em bị nhiễm HIV. Với những em này , Trung tâm có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn so với những trẻ bình thường khác. Họ âm thầm lặng lẽ như những ông “bố”, bà “mẹ” dành tất cả tình thương yêu cho những đứa con tội nghiệp nhất của mình. Người tập vật lý trị liệu, người tắm rửa, người đút cơm, người tra thuốc từng vết thương, cho uống thuốc ARV... để cải thiện sức khỏe cho các em.
Không chỉ chăm sóc về sức khỏe mà họ còn không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho các em bằng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí như dạy hát, dạy vẽ, dạy võ, tổ chức đi tham quan…
Đặc biệt, những cháu đủ tuổi tới trường đều được trung tâm liên hệ với các trường để đi học cùng các trẻ bình thường khác. Còn những cháu quá tuổi được học tại các lớp tình thương vào buổi tối. Ngoài giờ học trên lớp, khi về Trung tâm, các em lại được “bố mẹ” cầm tay để bày những nét chữ, những con số như cô giáo ở trường.
Cháu Nguyễn Văn Trung quê ở Bình Thuận (tên đã được thay đổi) vừa đùa với các bạn vừa kể: “Ở đây các bố và các mẹ thương chúng con lắm. Chúng con được vui chơi với các bạn bình thường khác mà không bị phân biệt gì hết”.
Trong “ngôi nhà hạnh phúc” đó, các em được sưởi ấm bởi tình yêu thương đùm bọc của những người cô người thầy, cũng như tình thương của bạn bè dành cho nhau. Cô Nguyễn Thị Vân chăm sóc các em tại trung tâm ngậm ngùi: “Trước đây mỗi lần tới thăm các cháu, mình thấy chạnh lòng lắm, bởi nhìn cháu nào cháu nấy rất hồn nhiên, xinh xắn cả, vậy mà bị chính bố mẹ chúng bỏ rơi. Chua xót hơn nữa là nhiều cháu lại đang bị căn bệnh AIDS đang từng ngày từng giờ gặm nhấm sức khoẻ. Các cháu đâu có lỗi lầm gì mà lại phải gánh chịu sự cay nghiệt cuộc đời như vậy chứ...”. Chính vì sự thương cảm đó, mà cách đây 2 năm, cô Vân đã xin vào đây để hàng ngày được gần gũi, chăm sóc cho các cháu.
Ước mơ một phép màu
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức về hòa nhập cộng đồng cho những người nhiễm HIV, nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại những cách nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm với những người không may mắn. Với những em bị nhiễm HIV việc đến trường học cùng những em bình thường còn quá gian nan vì bị nhiều phụ huynh, thậm chí là một số trường phản đối kịch liệt.
“Họ lo cũng đúng, nhưng đâu đến nỗi thế. Các em rất ngoan, hiền và được Trung tâm chỉ bảo những phương pháp để phòng tránh lây nhiễm cho người khác rất kỹ lưỡng. Chúng tôi vẫn tiếp xúc với các em thường xuyên, bồng bế, chơi đùa với các em. Sinh viên, học sinh các trường, các đoàn quốc tế... họ vẫn lui tới thăm các em, sinh hoạt cùng các em nhưng có sao đâu. Mong sao mọi người hãy cùng chia sẻ để các em được hưởng những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của mình...” - cô Vân mong muốn.
Nhìn những gương mặt đang tuổi lớn, cháu nào cũng trắng trẻo, xinh tươi, mà những thầy cô nơi đây vừa mừng lại vừa tủi vì giờ chúng còn giai đoạn phát triển thì thế, nhưng sợ một ngày nào đó chúng lại bỏ thầy cô mà đi thì chẳng khác nào như một khúc ruột bị cắt lìa. Bao nhiêu chuyện vui buồn, ánh mắt, nụ cười, dáng đi và cả sự nũng nịu đáng yêu của chúng, làm sao ai có thể quên được.
Một tình nguyện viên ở Trung tâm trải lòng: “Ước gì người ta vị tha hơn, mở rộng lòng nhân ái ra để có thể an ủi phần nào cuộc đời còn lại của các cháu. Chúng đâu có tội tình gì mà phải xa lánh. Chỉ mong sao có một phép màu nào đó về y học sẽ có loại thuốc rẻ để chữa được căn bệnh quái ác này để cứu vãn nhiều mảnh đời bất hạnh như các cháu...”.
Còn với những tâm hồn bé bỏng ấy thì ước mơ nhiều vô kể, nhưng thật ngây thơ và giản đơn biết nhường nào: “Chúng con ước gì ngày ngày không phải còn uống thuốc nữa. Ước gì chúng cháu được đi học chung với mọi người bạn khác…”. Những ước mơ tưởng chừng như quá đơn giản như vậy, nhưng xem ra cũng không dễ gì hiện thực nổi nếu nhận thức cộng đồng vẫn chậm thay đổi.
Ngọc Quý