Hợp tác thể hiện cam kết và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu của tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam về việc cắt giảm lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường nhựa tái chế trong sản xuất, gia tăng khả năng tái chế của bao bì, đồng thời thu gom và xử lý lượng bao bì bán ra thị trường nhằm biến rác thải nhựa trở thành nguồn tài nguyên tái tạo có ích cho nền kinh tế và đời sống, đồng thời giảm thiểu những nguy hại cho môi trường tự nhiên.
Hợp tác vì môi trường và xã hội
Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu về nhựa tái sinh (PCR) chưa cao khi việc sử dụng nhựa nguyên sinh luôn dễ dàng và chi phí thấp hơn.
Vì vậy, chất lượng nhựa PCR luôn là thử thách với các tập đoàn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm như Unilever. Đây cũng là “nút thắt” trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Tái chế Duy Tân là một bước tiến trong việc thúc đẩy sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì của Unilever, từ đó gia tăng hoạt động tái chế và tạo vòng tuần hoàn cho rác thải nhựa tại Việt Nam.
Unilever Việt Nam và Tái chế Duy Tân sẽ hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa. |
Chương trình được hiện thực hóa bắt đầu từ bước thiết lập hệ thống phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, tiếp đến tận dụng thế mạnh chuyên môn và công nghệ của Tái chế Duy Tân để tối ưu hóa nguồn rác thải nhựa được thu gom thông qua việc tái chế, sản xuất hạt nhựa tái sinh (PCR) để quay lại phục vụ cho hoạt động sản xuất bao bì của Unilever Việt Nam.
Với cam kết hợp tác chặt chẽ cùng kế hoạch hành động cụ thể, trong giai đoạn hợp tác 5 năm từ nay đến 2027, Unilever Việt Nam và Tái chế Duy Tân sẽ hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa.
Song song với mục tiêu xây dựng vòng tuần hoàn về nhựa để bảo vệ môi trường, hợp tác này còn góp phần thực hiện những mục tiêu xã hội thông qua cải thiện điều kiện làm việc, vệ sinh và sức khỏe; đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực, đồng thời cải thiện sinh kế và các yếu tố an toàn xã hội cho lực lượng thu gom rác thải tại hơn 100 trạm thu gom trong chuỗi giá trị của Tái chế Duy Tân. Đây là đội ngũ thường dễ bị tổn thương khi đa phần là nữ giới và hầu như chưa được đảm bảo về an sinh - xã hội.
Đồng thời, Unilever Việt Nam và Tái chế Duy Tân còn thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về việc bảo vệ môi trường thông qua thói quen phân loại rác tại hộ gia đình, từ đó tạo ra tác động mạnh mẽ và sự lan tỏa trên toàn quốc.
Nền tảng năng lực
Theo Ellen Macarthur Foundation, đến năm 2040, mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa có tiềm năng tạo ra nhiều kết quả tích cực, như giúp cắt giảm 80% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm, giảm 25% lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, giúp tiết kiệm lên đến 200 tỷ USD mỗi năm, và tạo thêm 700.000 việc làm mới.
Tiên phong về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, Unilever Việt Nam đã đẩy mạnh nhiều kế hoạch hành động mang tính dài hạn và toàn diện. Trong đó, cắt giảm, đổi mới và tạo vòng tuần hoàn là ba hoạt động chính được doanh nghiệp thúc đẩy.
Unilever Việt Nam cam kết cắt giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì đến năm 2025 - trong đó sử dụng nhựa PCR là một phương pháp được đẩy mạnh. Doanh nghiệp còn đổi mới, áp dụng công nghệ để đảm bảo toàn bộ bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời thúc đẩy vòng tuần hoàn cho bao bì nhựa thông qua việc thu gom, xử lý và mang rác thải nhựa quay lại phục vụ hoạt động sản xuất.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã giảm 82% lượng nhựa sử dụng trong bao bì thông qua cắt giảm nhựa nguyên sinh và tận dụng nhựa PCR, đạt 73% bao bì có khả năng tái chế, và thu gom, xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa. Bao bì chai của sản phẩm từ nhiều nhãn hàng của Unilever Việt Nam cũng đã và đang áp dụng nhựa PCR. Điển hình như chai của các sản phẩm Sunlight, Lux và Love Beauty & Planet đạt 100% PCR; nhiều sản phẩm khác cũng đã áp dụng nhựa PCR trong bao bì như: Dove, Lifebuoy, Sunsilk, Comfort, OMO...
Hạt nhựa tái sinh được sử dụng để thổi thành chai nhựa mới |
Mang sứ mệnh “Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa tại Việt Nam”, Tái chế Duy Tân đã lên kế hoạch, nghiên cứu công nghệ từ năm 2017-2018, và chính thức xây dựng nhà máy tái chế vào năm 2019. Năm 2020, doanh nghiệp tiến hành sản xuất thử nghiệm trước khi đưa nhà máy vào vận hành chính thức từ năm 2021.
Nhà máy của Tái chế Duy Tân hiện đang hoạt động theo các quy chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, an toàn và sức khoẻ, với năng lực sản xuất lên đến 100.000 tấn/năm. Công ty áp dụng công nghệ hiện đại “Bottles to Bottles” – từ một chai nhựa đầu vào, công ty sẽ xử lý và sản xuất ra các hạt nhựa tái sinh đảm bảo đầy đủ các điều kiện lý hóa về an toàn thực phẩm. Những hạt nhựa này có thể được thổi thành chai nhựa mới.
Với những thế mạnh này, hợp tác giữa hai doanh nghiệp sẽ tạo động lực to lớn giúp hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa của Unilever. Đây cũng là cơ hội để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa PCR trong sản xuất bao bì, đồng thời kì vọng có được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ Chính phủ để mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp tái chế, từ đó đưa kinh tế tuần hoàn trở nên phổ biến rộng khắp trên toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: “Nếu thế giới không hành động ngay từ bây giờ, thì đến năm 2050, lượng rác thải ngoài đại dương có thể còn nhiều hơn số lượng cá. Đây là viễn cảnh mà không một ai mong muốn xảy ra. Không một doanh nghiệp nào mong muốn kinh doanh trên ‘biển’ rác hay trong môi trường bị tổn thương và hư hại. Để ngăn chặn viễn cảnh này trên quy mô toàn quốc và toàn cầu, một mình Unilever là chưa đủ, mà cần đến sự hướng dẫn và đồng hành của Chính phủ, của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp của các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ trong việc kết nối cộng đồng và doanh nghiệp, cũng như sự chung tay từ các đối tác doanh nghiệp có cùng tầm nhìn. Và chương trình hợp tác 5 năm với đối tác Tái Chế Duy Tân chính là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa một cách dài hạn và toàn diện.”
Ông Trần Duy Hy, Chủ Tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân: “Với mục tiêu cùng hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, tôi mong rằng sự hợp tác giữa Công ty Nhựa Tái Chế Duy Tân và Unilever sẽ vô cùng thành công, tốt đẹp. Qua đó, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa và đóng góp nhiều giá trị bền vững cho cộng đồng.”