Nhiều bệnh nhân trẻ
PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại bệnh viện mỗi năm chỉ có khoảng 30 ca được phát hiện sớm ung thư dạ dày trong tổng số hàng nghìn ca. Nguyên nhân là do người dân Việt Nam chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ. Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư dạ dày là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi với chi phí thấp nếu được phát hiện sớm.
Mới đây nhất, trường hợp của bệnh nhân N.X.H. 27 tuổi, quê Lạng Sơn bị viêm dạ dày từ nhiều năm trước đó. Anh H đi nội soi và được bác sĩ kê đơn thuốc, uống hết thuốc thấy bệnh không còn tình trạng đau nhiều như cũ, do chủ quan, anh không đi kiểm tra lại. Một thời gian sau đó, thấy xuất hiện hiện tượng đau thượng vị, khó tiêu anh H buộc phải tới bệnh viện kiểm tra lại.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm loét dạ dày, niêm mạc có tế bào ung thư và được chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày. Sau đó, anh H phẫu thuật tại Bệnh viện K, đến nay sức khoẻ đã phục hồi. Bác sĩ cho biết trường hợp của anh H ở giai đoạn sớm, do đó bệnh chưa tiến triển lan xa, việc điều trị dễ dàng hơn.
Một trường hợp khác, bệnh nhân Bùi Vân A (35 tuổi) trước đó đã được chẩn đoán đau dạ dày nhưng do chủ quan bệnh nhân không tuân thủ theo sự chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Nhiều năm liền, bệnh nhân kiên trì điều trị bệnh bằng cách uống nghệ cùng mật ong. Sau thời gian dài, bệnh chẳng những không giảm mà chị A ngày càng đau bụng nhiều hơn, người mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng. Khi nhập viện khám, chị được chỉ định phẫu thuật dạ dày do có khối u phát triển to, xâm lấn rộng.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị, BS khoa Hóa chất - Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Việt Nam có rất ít các thống kê về tình hình trẻ hóa ung thư. Nhưng thực tế quá trình điều trị và nghiên cứu cho thấy hiện nay, tất cả các loại ung thư đều gặp ở người trẻ, kể cả ung thư phổi, ung thư hạch, ung thư lympho... nhưng các bệnh lý ung thư trẻ hóa hay gặp nhiều nhất là ung thư tiêu hóa, cụ thể là ung thư dạ dày, ung thư đại tràng,... trẻ hóa rất rõ. Các loại ung thư tiêu hóa trước kia thường gặp ở người già.
“Hiện tại ung thư dạ dày và đại tràng là hay gặp. Trước đây, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư dạ dày dưới 40 tuổi là rất thấp, chiếm khoảng 3-5%, nhưng hiện tại tỉ lệ là 8-10%. Còn đối với ung thư đại tràng cũng có tỉ lệ gặp ở người trẻ nhiều hơn, lứa tuổi 20-30 cũng mắc ung thư nhiều”, BS Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: “Trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới thì nước ta đứng thứ 18. Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra những thông số của người Việt Nam có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, từ đó mới khuyến cáo những người đó đi nội soi.
Đối với ung thư đường tiêu hóa, cách tốt nhất là nội soi để phát hiện sớm. Chúng ta không thể nội soi cho tất cả người dân ngay được mà phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ cao. Đơn cử là những người trên 40 tuổi hoặc có bố, mẹ, anh, chị em ruột bị ung thư dạ dày (ở tuổi trước 40) thì đó là những người có nguy cơ cao”.
Vì sao ung thư dạ dày ngày càng tăng?
Theo các chuyên gia, ung thư dạ dày đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây có liên quan tới lối sống, chế độ ăn uống của đại bộ phận người dân Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Trường Khanh cho biết, việc người dân ăn quá mặn, thức khuya (quá 23 giờ), lười vận động thể lực và khoảng 80% dân số nhiễm vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa là những nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
Hiện nay, thói quen ăn uống của đa số người dân Việt Nam dùng chung bát nước chấm, uống chung chén, gắp thức ăn cho nhau hoặc mớm cơm cho trẻ... Thói quen ăn uống này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây bệnh ở dạ dày. Phần khác do thói quen thường xuyên uống bia rượu, thường xuyên thức khuya, ngủ dậy muộn, ăn những đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các món cay, nóng hay những thực phẩm chưa được chế biến chín kỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh,… khiến cơ thể dễ nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày...
Trong khi đó nguy hiểm nhất, theo các bác sĩ, đa số các bệnh lý ung thư đều không biểu hiện cụ thể từ sớm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Khi các triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng, dẫn tới việc phát hiện muộn, tỷ lệ chữa khỏi không cao.
Vì thế, tầm soát ung thư là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh như chế độ ăn uống không khoa học, tiền sử gia đình có người nhà mắc ung thư, người nhiễm vi khuẩn HP, mắc viêm loét dạ dày mãn tính, nghiện rượu.
Các bác sĩ khuyến cáo, với người bình thường, đặc biệt là người từ 40 tuổi trở lên cần đi nội soi dạ dày định kỳ từ 1 -2 lần mỗi năm để phát hiện những bất thường. Người dưới 40 tuổi, sau nội soi thấy bình thường thì những lần sau có thể soi thưa hơn, khoảng 2 năm/1 lần.