Chiều 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 tại tỉnh Bình Định.
Tại xã biển Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết bão số 5 đổ bộ vào Bình Định đã làm sập gần 100m kè bờ biển xã Nhơn Hải, cuốn trôi 14 nhà dân và uy hiếp hàng trăm hộ dân sống dọc bờ biển.
Để ứng phó với bão số 6, có khoảng 140 hộ dân sinh sống dọc tuyến kè biển Nhơn Hải phải sơ tán khẩn cấp. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã yêu cầu từ ngày 9/11, tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, ứng phó trong mọi tình huống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Lực lượng vũ trang duy trì 100% quân số, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Sau khi khảo sát kè biển Nhơn Hải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chính quyền khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán tránh bão, không được chủ quan, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết.
Phó Thủ tướng chia sẻ những mất mát của người dân Nhơn Hải chịu thiệt hại do mưa bão, đồng thời mong bà con vượt qua khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ những gia đình có nhà sập do bão.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Định phải dồn toàn lực, tập trung lực lượng giúp dân ứng phó với bão số 6; chú trọng tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh; đối với những vùng nguy hiểm phải sơ tán toàn bộ người dân lên trú ẩn an toàn.
Chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch và công trình cơ sở hạ tầng trên biển và các đảo.
Tỉnh cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở do nước dâng cao, sóng lớn, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.
Kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 tại cảng Quy Nhơn, Phó Thủ tướng lưu ý phải tập trung đưa các tàu vào nơi an toàn, tránh trường hợp thiệt hại như cơn bão năm 2017. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải điều động hai tàu SAR hỗ trợ tỉnh Bình Định sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng quà cho người dân bị sập nhà do bão số 5 ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết đã có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân các địa phương triển khai ứng phó với bão số 6. Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học từ chiều 9/11.
Lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn qua cầu, ngầm, tràn, các bến đò ngang, dọc, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra, đặc biệt qua cầu Thị Nại khi bão vào.
Lực lượng xung kích có mặt tại các nơi xung yếu, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục chính; cấm người và phương tiện tham gia giao thông khi bão đổ bộ. Các lực lượng vũ trang huy động quân số, phương tiện, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc cấp phát 1.800 phao áo, 1.390 phao tròn, 53.000 bao cát cho ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để ứng phó bão số 6; đã lên phương án sơ tán hơn 14.500 hộ với 68.000 nhân khẩu ở vùng xung yếu, cửa sông, cửa biển, vùng thấp trũng tránh bão. Các địa phương phải hoàn tất công tác sơ tán dân trước 12 giờ ngày 10/11./.