Xây dựng nền an sinh xã hội thân thiện, chuyên nghiệp từ ứng dụng công nghệ thông tin
Ông Indrajid Nurmukti - đại diện BPJS Ketenagakerjaan (Indonesia) - chia sẻ: Theo Luật, BPJS phải cung cấp BHXH cho tất cả người lao động (NLĐ). Điều này được BPJS thực hiện từ nhiều năm nay và gặp không ít khó khăn, khi Indonesia là một quần đảo rất rộng lớn với 257,9 triệu dân, 6.000 hòn đảo có người sinh sống. Số lao động phi chính thức lên tới 70 triệu người (chiếm hơn 60% thị trường lao động), trong khi số nhân viên của BPJS chỉ có hơn 5.000 người, nên rất khó để cung cấp dịch vụ tốt nhất theo cách truyền thống, trực tiếp được. Bên cạnh đó, người dân có những kỳ vọng về thay đổi trong cách tiếp cận các dịch vụ theo hướng thân thiện, hiện đại, nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn.
“Những điều đó, đòi hỏi BPJS phải có những cách tiếp cận với NLĐ sao cho thuận tiện, hấp dẫn nhất. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT, kết nối qua internet là tất yếu để xây dựng một nền anh sinh xã hội (ASXH) hiện đại, minh bạch, thân thiện, chuyên nghiệp”- ông Indrajid Nurmukti chia sẻ.
Cụ thể, BPJS đã xây dựng hệ thống BHXH trên môi trường mạng. Theo đó, NLĐ sẽ được phục vụ giống như qua các kênh đại lý, chi nhánh như: Đăng ký thành viên, gia hạn dữ liệu, yêu cầu quyền lợi, thông tin và báo cáo. Mỗi NLĐ sẽ sử dụng mã số CMND để làm mã định danh, đăng ký vào hệ thống qua một phần mềm có tên “E-Service”. Việc ứng dụng kỹ thuật số cho phép BPJS tăng hiệu suất mở rộng thành viên, đặc biệt là trong các nhóm khó khăn, ở các vùng đảo xa và các DN nhỏ.
Bên cạnh đó, Indonesia hiện có hơn 9 triệu lao động làm việc ở nước ngoài. Qua ứng dụng này, NLĐ có thể dễ dàng tham gia BHXH và đóng nộp, hưởng các chế độ. NLĐ tại nước ngoài cũng có thể trò chuyện trực tiếp với cán bộ BPJS để được tư vấn, hỗ trợ. Với những tiện ích, thuận lợi đó, số người tham gia BHXH tại Indonesia dã tăng lên nhanh chóng (tăng 100 triệu người kể từ khi áp dụng E-Service).
Tương tự, đại diện cơ quan ASXH Thái Lan cho biết, việc ứng dụng CNTT, cụ thể là các phần mềm trong thực hiện chính sách BHXH mang lại những chuyển biến mạnh mẽ về cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, vì những đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao và nếu không đáp ứng được sẽ bị mất khách hàng.
Vì vậy, từ năm 2017, cơ quan ASXH Thái Lan đã đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối Mobile Self- Services (SSO) trong thực hiện chính sách BHXH. Phần mềm hỗ trợ người dân đăng ký thành viên một cách đơn giản, lựa chọn BV để KCB theo ý thích, đóng nộp các chế độ một cách nhanh chóng, kiểm tra các khoản tiết kiệm và trợ cấp, gửi hồ sơ hưởng các chế độ.
Theo đánh giá của cơ quan ASXH Thái Lan, ứng dụng SSO đã có những tác động tích cực đến khách hàng, giúp người tham gia tiết kiệm thời gian, giảm thiểu quy trình đóng nộp, nhận dịch vụ; tiết kiệm tiền bạc; dễ sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường. Với cơ quan ASXH cũng giảm khối lượng công việc, tăng tính minh bạch và có một kênh liên lạc mới với khách hàng.
Song hành giữa ứng dụng CNTT và cải tổ lại bộ máy thực hiện chính sách
Còn với Myanmar, việc cải cách BHXH là việc song hành giữa ứng dụng CNTT và cải tổ lại bộ máy thực hiện chính sách. Ông Tin Ko Ko - Phó Tổng Giám đốc Hội đồng ASXH Myanmar (NSSB) - cho biết: Cải cách BHXH tại Myanmar được thể hiện qua việc thành lập Hội đồng ASXH, với cơ cấu tổ chức tinh gọn và mục tiêu mở rộng chương trình BHXH đến với mọi người dân. Điều này xuất phát từ thực tế khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, hạn chế về giờ làm việc và địa điểm của cơ sở y tế, thiếu nguồn nhân lực y tế, giới hạn ngân sách, đảm bảo tính bền vững của quỹ và phát triển hệ thống CNTT.
Do đó, Myanmar xác định, phải cải cách luật pháp về BHXH phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các nguyên tắc: Mở rộng đối tượng hưởng đến các thành viên trong gia đình; mở rộng đối tượng tham gia cho tất cả khu vực tư và công; chuyển sang chi trả tiền mặt hàng tháng thay vì chi trả 1 lần; hủy bỏ các điều khoản cho phép chủ sử dụng lao động và NLĐ rút số tiền đã đóng góp vào quỹ; xem xét, đánh giá lại tỉ lệ đóng góp và mức hưởng theo mô hình cân đối tài chính quỹ; đảm bảo công bằng giữa nam và nữ…
Về CNTT, NSSB đưa ra lộ trình: Giai đoạn 2018-2019 tiến hành làm sạch dữ liệu và nhập liệu đối tượng tham gia; xây dựng hạ tầng viễn thông, kết nối cáp viễn thông; phát triển phần mềm ứng dụng của Microsoft và tiến hành đào tạo. Giai đoạn 2019-2020 thực hiện chuyển dữ liệu của người tham gia sang hệ thống CNTT mới; đăng ký, cung cấp thẻ ID và việc thu phí đóng góp và quy trình sẽ được tiến hành thí điểm theo các dự án; triển khai quy trình KCB và các quy trình khác thông qua ứng dụng điện thoại di động. Giai đoạn 2020-2021 thực hiện quản lý hệ thống BV cũng như quản lý cung cấp thuốc qua việc kết nối hệ thống NSSB.
Cải thiện trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện
Trong công cuộc cải cách BHXH, Cộng hòa DCND Lào lại chọn giải pháp cải thiện trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Đại diện Quỹ BHXH Quốc gia Lào (NSSF) chia sẻ: Với bất kỳ quốc gia nào, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng có những khó khăn, thách thức. Việc tăng tính hấp dẫn của chính sách này luôn là chìa khóa để thu hút các thành viên tham gia.
Tại Lào, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ 1/10/2014, với đối tượng là công dân Lào, độ tuổi từ 18-60 tuổi, có đủ sức khỏe để tham gia vào thị trường lao động (bao gồm cả lao động thuộc khu vực công đã tham gia bảo hiểm, lao động tự tạo việc làm và đối tượng tham gia tự nguyện khác). Hiện, Quỹ BHXH Lào có 17.257 đối tượng tham gia. Mức đóng vào quỹ bằng 9% mức lương tối thiểu, trong đó: BHYT 1,5%, mức hưởng ngắn hạn 2,5%, mức hưởng dài hạn 5%. Các chế độ BHXH tự nguyện gồm: BHYT, chế độ thai sản, chế độ ốm đau, trợ cấp tuất 1 lần, chế độ hưu trí, chế độ cho người tàn tật, chế độ tử tuất.
Khi tham gia vào quỹ, mỗi thành viên sẽ có một hợp đồng với NSSF trong một năm, và có thể được gia hạn. Mỗi thành viên có thể lựa chọn đóng hàng tháng hoặc đóng hàng quỹ. Việc đóng được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng như ATM, ngân hàng trực tuyến, quầy ngân hàng giao dịch. Thanh toán các chế độ cho các thành viên cũng được NSSF thực hiện qua các phương thức này, với phương châm hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt.
Các hình thức đóng nộp và thanh toán trên được xem là một sự khởi sắc về ứng dụng CNTT trong Quỹ BHXH quốc gia Lào, hỗ trợ tối ưu cho người đóng BHXH, đặc biệt là các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời tăng cường tính minh bạch, tiện lợi, nhanh chóng. Trong tương lai, NSSF và Ngân hàng Quốc gia Lào sẽ phối hợp để triển khai thực hiện tích hợp thẻ ATM của ngân hàng và thẻ thành viên NSSF để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc thu - chi BHXH.