Tín hiệu vui từ các thành phố lớn
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Thủ đô Hà Nội ưu tiên thực hiện chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành kinh tế. Được biết, Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội tại địa chỉ myHanoi.vn đã hoàn thành giao diện.
Hệ thống, tính năng, dữ liệu đã đáp ứng được chức năng kết nối giữa nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, hệ thống wifi công cộng cũng được nâng cấp ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và những địa điểm du lịch tiêu biểu như: Khu phố ẩm thực quận Hoàn Kiếm, làng gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm.
Hiện, Sở Du lịch Hà Nội đang chủ trì xây dựng bản đồ số về du lịch thành phố theo công nghệ GIS, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung. Phần mềm ứng dụng du lịch thông minh (DLTM) tên “myHanoi” đã đang được xem một “trợ lý du lịch ảo uy tín” cho du khách.
Công nghệ này không chỉ giúp du khách tra cứu thông tin hữu ích như các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe, các địa điểm ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm; phần mềm còn hỗ trợ cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông, cảnh báo an ninh an toàn, dịch bệnh…
Mới đây, Ban Chỉ đạo Thương mại điện tử thành phố công bố tín hiệu đáng mừng là hầu hết doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng trực tuyến tại khách sạn và đặt tour du lịch trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%.
Tỷ lệ khách sạn, cơ sở mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ đạt hơn 65%. Đó là nhờ sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ vào phục vụ du khách, mà rộng hơn là phát triển hệ thống du lịch thông minh đồng bộ.
Tiến tới số hóa toàn bộ dữ liệu du lịch
Mới đây, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thông tin rằng ngành du lịch Việt Nam đang tập trung triển khai “Đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, các mục tiêu đến năm 2020 định hướng 2025 được cụ thể hóa bao gồm: số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong nước do các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương quản lý ; phát triển các ứng dụng tại các điểm du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, tổng hợp dịch vụ du lịch, các tour tuyến phổ biến; kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch…
Cũng là một trung tâm du lịch sôi động, TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng các trạm thông tin trực tuyến, phần mềm tiện ích như: Vibrant Ho Chi Minh City, Sai Gon Bus, Ho Chi Minh City Travel Guide, Ho Chi Minh City Guide and Map… nhằm chủ động thu hút du khách bằng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đồng thời là chương trình thí điểm ứng dụng thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau từ cuối năm 2019 - 2020 tại một số bảo tàng và khoảng trên 100 điểm tham quan hút khách khác trên địa bàn. Nhiều du khách nước ngoài đã gửi tới thành phố những phản hồi tích cực như trạm thông tin trực tuyến đã giúp họ tra cứu điểm du lịch, quán cà phê, nhà hàng trong khu vực dễ dàng hơn; thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại rất an toàn, tiện dụng…
Năm 2019, ngành Du lịch TP HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế; 32,77 triệu lượt du khách nội địa. Để làm được điều này, mô hình DLTM đang là giải pháp có hiệu quả cao, còn có tính linh hoạt để kết hợp với các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và tiềm năng khác như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái nông nghiệp và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE); đồng thời góp phần giải quyết bài toán liên kết vùng.
Được biết, thành phố đang đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để kết nối tour tuyến giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Vũng Tàu, Phan Thiết...
Bên cạnh nhiều địa phương đã đang có hướng phát triển mạnh mẽ DLTM như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, các tỉnh/thành khác đều có sự áp dụng ít nhiều mô hình DLTM tùy theo điều kiện.
Trong đó, cơ bản nhất là Cổng thông tin điện tử du lịch hiện đã được ra mắt và hoàn thiện ở hầu hết các tỉnh/thành. Và hầu hết các hoạt động kinh doanh đã được triển khai trực tuyến như: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán.
Xu hướng trải nghiệm thực tế ảo
Hoạt động du lịch được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có thể tăng cường sự tương tác, kết nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý của cơ quan nhà nước; tăng cường thuận tiện và trải nghiệm của du khách.
GS.TS Lê Hùng Lân – Viện trưởng, Viện ứng dụng Công nghệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ phân tích: “Từ góc độ ICT, du lịch thông minh gồm các thành phần sau: Điểm đến thông minh (Smart Destination); Hệ sinh thái kinh doanh, quản lý thông minh (Smart Business Ecosystem); Trải nghiệm thông minh (Smart Experience). Công nghệ được ứng dụng để giải quyết các vấn đề về thu thập, trao đổi, xử lý dữ liệu. Các công nghệ đó bao gồm: Thực tại ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), Chuỗi khối (BC), Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT)”, theo kỷ yếu hội thảo “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”.
Du lịch thông minh hướng tới sự thuận tiện cho du khách. |
Nói rõ hơn, điểm đến thông minh là trường hợp đặc biệt của các thành phố thông minh, cộng đồng thông minh. Yếu tố quan trọng các điểm đến thông minh là mức độ ứng dụng ICT vào cơ sở hạ tầng, cho phép triển khai các hoạt động: cung cấp thông tin cho du khách về điều kiện môi trường, thời tiết, tình trạng giao thông, phương tiện giao thông công cộng, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm, vui chơi giải trí…; cung cấp các dịch vụ dựa trên vị trí và bối cảnh cụ thể của du khách như chỉ đường, cứu hộ…; và tăng cường trải nghiệm cho du khách.
Ví dụ, từ đầu năm 2018, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Để sử dụng hệ thống này, khách tham quan sử dụng một thiết bị có cài sẵn các nội dung thuyết minh, những địa điểm cần thuyết minh tại di tích.
Nội dung thuyết minh được biên soạn cẩn thận về các câu chuyện lịch sử, câu chuyện di sản giúp khách tham quan dễ dàng hình dung quá trình hình thành và phát triển các giá trị của di tích. Những thông tin này được các chuyên gia văn hóa thẩm định kỹ trước khi triển khai.
Nội dung thuyết minh được biên soạn bằng tám thứ tiếng gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Với thiết bị trên tay, chỉ cần bấm nút, khách tham quan được một “hướng dẫn viên ảo” hướng dẫn thăm mọi ngõ ngách của di tích.
Tiếp đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đưa vào hoạt động phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long. Chỉ cần một điện thoại thông minh, khách tham quan có thể tải phần mềm này và sẽ có hướng dẫn viên ảo giúp đỡ khám phá Hoàng thành. Ngoài ra, một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt đã được đưa vào sử dụng trong Thủ đô.
Mặt khác, trải nghiệm thông minh được kết hợp tại các điểm đến thông minh qua các giải pháp công nghệ như VR, VA, AI… Ví dụ, hành trình khám phá Sơn Đoòng (Quảng Bình) trong vòng 30-35 phút bằng công nghệ thực tế ảo mà không cần trực tiếp đi vào điểm đến.
Trải nghiệm du lịch thực tế ảo đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam mới đáp ứng ở giai đoạn sơ khai. Yêu cầu của trải nghiệm thông minh là phải đáp ứng được hiệu quả tăng cường trao đổi thông tin, nhu cầu cá nhân hoá trải nghiệm, nhận biết bối cảnh và theo dõi thời gian thực, tức thông tin được cập nhật liên tục.
Không những vậy, còn phải thiết lập các kho dữ liệu bao gồm nhưng không giới hạn các phương thức thu thập, xử lý, trao đổi dữ liệu cho điểm đến và cả những dữ liệu được tạo ra từ du khách (những hình ảnh về điểm đến trải nghiệm của du khách được đăng tải qua mạng xã hội hàng ngày). Từ nền tảng dữ liệu đó, cần có các ứng dụng tích hợp trên các thiết bị thông minh như smartphone, ki-ốt điện tử để khai thác dữ liệu liên quan tại điểm đến.
Phát triển hệ sinh thái quản lý/kinh doanh thông minh
Yếu tố quan trọng không kém những điểm đến thông minh và trải nghiệm thông minh là một hệ sinh thái quản lý/kinh doanh thông minh. Đó là việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tạo ra và trao đổi các nguồn lực du lịch một cách thuận tiện.
Bên cạnh đó là việc số hoá các quy trình quản lý, kinh doanh nhằm nâng cao tính linh hoạt, tăng cường sự phối hợp, cộng tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch.
Đồng thời, cung cấp công cụ, phương tiện hỗ trợ du khách và người dân có thể phản hồi, đóng góp giá trị cho cộng đồng địa phương cũng như theo dõi và giám sát hỗ trợ công tác quản lý hoạt động du lịch.
Có thể thấy ngay từ những gì diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian gần đây, Sở Du lịch tỉnh này và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm tiếp cận và thích ứng với xu thế DLTM của cả nước cũng như trên thế giới.
Có thể dẫn chứng một số trang mạng và ứng dụng của du lịch Huế đã mang lại hiệu quả cao, cải thiện chất lượng trải nghiệm của du khách và hoạt động quản lý du lịch của các cơ quan chức năng như: Cổng thông tin điện tử du lịch Huế visithue.vn; ứng dụng điện thoại Visit Hue, Hue-S; các ứng dụng công nghệ cao Audio Guide, thực tế ảo VR, mã QR code…