Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển KT-XH của đất nước.
“Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính. Đến nay, CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt...”- Thứ trưởng Mai khẳng định.
Có thể kể đến những ứng dụng CNTT đã được triển khai trong những tài chính như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý thu - chi ngân NSNN; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước...; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.
Trước xu thế của cuộc Cách mạng 4.0, một loạt các văn bản, chính sách, cơ chế liên quan đến phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và phát triển CNTT thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đã được Đảng, Chính phủ ban hành. Gần đây nhất, ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng CNTT, khuyến khích DN đổi mới công nghệ để tận dụng tối đa lợi thế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, tại Chỉ thị 16/CT-TTg, giải pháp đầu tiên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan TW, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện là: “Thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số”.
“Để thực hiện các mục tiêu, giải pháp nêu trên của Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống tin học thống kê tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề…”- Thứ trưởng khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, hội thảo này là một trong những hoạt động khẳng định ngành Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý tài chính, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, vai trò CNTT rất quan trọng, ứng dụng CNTT hiện đại hóa ngành Tài chính phải hướng tới nền tài chính công khai, minh bạch và bền vững; quản lý, phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính công hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về công nghệ nhằm đưa ngành Tài chính Việt Nam tăng cường tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động nắm bắt cơ hội, đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển, tạo bước đột phá về hạ tầng công nghệ, ứng dụng CNTT của ngành Tài chính.
4 mục tiêu cụ thể về định hướng CNTT ngành Tài chính
- Xây dựng thành công tài chính điện tử năm 2020, từng bước chuyển đổi sang tài chính mở năm 2025, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang tài chính số năm 2030.
- Nghiệp vụ tài chính đạt tiêu chuẩn quốc tế, mức hiện đại hóa lĩnh vực tài chính Chính phủ thuộc nhóm đầu các nước khối ASEAN.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính là kho dữ liệu mở, thông tin tri thức; năm 2025, hầu hết các lĩnh vực tài chính có CSDL mở với công cụ phân tích, khai thác dữ liệu thông minh phục vụ toàn diện nhu cầu thông tin của Chính phủ, người dân, DN.
- Thiết lập nền tảng công nghệ mới hỗ trợ tối đa việc phát triển các sản phẩm tài chính định hướng dịch vụ, tạo thành hệ sinh thái số sẵn sàng cung cấp các dịch tài chính thông minh, sáng tạo.