UBND tỉnh Phú Yên nêu nhiều giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong năm 2022, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, tỉnh Phú Yên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc gặp phải, UBND tỉnh Phú Yên đã nêu ra nhiều giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2025. Tuy nhiên, trong năm 2022, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh, do vậy tính đến ngày 20/11/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt khoảng 42% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt khoảng 31% so với kế hoạch vốn tỉnh giao (thấp hơn so với kế hoạch đề ra và thấp hơn mức trung bình cả nước 51,34%)”.

Ông Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên

Ông Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên

Hiện nay, so với các tỉnh khác trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Phú Yên còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực khu công nghiệp và khu kinh tế. Vì vậy, trong năm 2022 vừa qua, tỉnh đã tập trung vốn để đầu tư cho các công trình, dự án liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đầu tư là 1.284.924 triệu đồng (chiếm 19,33% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh). Các công trình được xây dựng sẽ góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một trong những dự án quan trọng, có tính chất liên vùng, lan tỏa của tỉnh đó là dự án Tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu Kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung vốn để đầu tư cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản với tổng vốn đầu tư là 999.151 triệu đồng (chiếm 15,03% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh). Tiếp theo là đầu tư cho các lĩnh vực như: giao thông với tổng vốn 785.886 triệu đồng (chiếm 11,82% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); công trình công cộng là 368.358 triệu đồng (chiếm 5,54% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp là 235.187 triệu đồng (chiếm 3,54% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); khoa học, công nghệ là 127.700 triệu đồng (chiếm 1,92% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); du lịch là 102.170 triệu đồng (chiếm 1,54% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); y tế là 63.962 triệu đồng (chiếm 0,96% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh);...

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương đã tạo cơ chế và hỗ trợ vốn đầu tư để tỉnh triển khai các dự án quan trọng, dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh và các dự án hỗ trợ có mục tiêu,... góp phần đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh. Đồng thời, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ triển khai nhiều dự án vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân chưa cao, các khó khăn chính còn tồn tại như: Giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các công trình. Đặc biệt là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được xử lý dứt điểm, nhất là các dự án lớn, quan trọng của tỉnh. Nguyên nhân là do công tác quy chủ gặp nhiều khó khăn (do nguồn gốc đất phức tạp và trải qua nhiều thời kỳ), bất cập trong việc định giá đất ở khi tiến hành bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất và về đơn giá cây trồng để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất làm cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kéo dài, không có mặt bằng để thi công và phải mất rất nhiều thời gian để xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã phê duyệt.

Một góc Khu Đô thị Nam TP Tuy Hòa

Một góc Khu Đô thị Nam TP Tuy Hòa

Ngoài ra, việc huy động các nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, áp lực cân đối ngân sách lớn để bố trí đối ứng các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, bố trí vốn thực hiện các dự án tạo nguồn thu từ quỹ đất,… Nguồn cung cấp nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, số mỏ đất mỏ cát được cấp phép còn ít, thậm chí có những địa phương không có mỏ nên chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Trước thực trạng đó, để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo kế hoạch, đồng thời nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên đã nêu ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo của năm 2023, kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được. Đồng thời, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ yêu cầu:

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Thực hiện linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 như: chủ động rà soát, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, cho các dự án hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định; chỉ đạo kịp thời thanh toán ngay khi có khối lượng được nghiệm thu theo đúng quy định để giải ngân hết kế hoạch vốn giao.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án Cảng Bãi Gốc kết nối Quốc lộ 1 đi khu Kinh tế Vân Phong đang còn vướng công tác giải phóng mặt bằng

Dự án Cảng Bãi Gốc kết nối Quốc lộ 1 đi khu Kinh tế Vân Phong đang còn vướng công tác giải phóng mặt bằng

Kiến nghị gỡ vướng

Bên cạnh quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, UBND tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Với một số nội dung kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể: Đối với các dự án phải thu hồi đất theo Điều 61, 62 Luật Đất đai được phép thu hồi đất, bồi thường nhiều đợt phù hợp với thực tế nhưng vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, đất sau khi thu hồi, giải phóng mặt bằng thì Tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư. Sau khi dự án xây dựng hoàn thành, nghiệm thu bàn giao cho tổ chức quản lý, sử dụng thì tổ chức đó thực hiện đăng ký đất đai theo quy định tại điểm c Khoản 3, Khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai cho phù hợp thực tế về phê duyệt giá đất cụ thể, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn địa phương trình tự, thủ tục về việc lập, thẩm định, phê duyệt giá cây trồng để thuận lợi cho công tác áp giá lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Quảng Ngãi hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo

Quảng Ngãi hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo
(PLVN) - Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, các mạnh thường quân, tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn. Đây không chỉ là những ngôi nhà được xây dựng bằng gạch ngói xi măng… mà còn được xây bởi những tấm lòng.

Cụm Trại Tạm giam Công an 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL trao đổi nghiệp vụ

Quang cảnh Hội nghị
(PLVN) - Tại TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Cụm Trại Tạm giam Công an 11 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long (do Trại Tạm giam Công an Kiên Giang làm Cụm trưởng), mới tổ chức Hội nghị trao đổi nghiệp vụ trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Trại Tạm giam giai đoạn 2023 - 2024.

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
(PLVN) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), người dân nghèo tỉnh Quảng Bình có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp người dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.