Cả cuộc đời gắn liền với cây lúa, lão nông Đoàn Văn Ương luôn đau đáu khi phải chứng kiến cảnh người dân nhiều nơi, nhất là vùng Buôn Triết, mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa nhưng năng suất đem lại thấp, chất lượng không cao, giá cả bấp bênh. Vì vậy, năm 2003, ông đã mạnh dạn thành lập HTXNN Đồng Nhất với mục đích HTX là nơi liên kết, tiêu thụ lúa, lúa giống cho bà con trong vùng và một số vùng lân cận.
Hồi ức về thời điểm ban đầu, ông Ương cho biết, thời gian đầu khi thành lập HTXNN gặp rất nhiều khó khăn, với 25 thành viên tham gia HTX, trong đó có tới 18 hộ đồng bào - họ không hiểu về cơ chế hoạt động của HTX, họ kê khai và làm đơn đòi hỏi chế độ hỗ trợ về tài chính và giống. Tuy nhiên, sau khi được giải thích thì họ cũng nghe và góp vốn thành lập HTX.
Trong quá trình quan sát bà con trồng lúa, ông Ương tâm niệm, muốn trồng được cây lúa, hạt gạo sao cứ phải phụ thuộc vào phân, thuốc hóa học, sản lượng không cao, chi phí nhiều lại ảnh hưởng tới môi trường sức khỏe? Tại sao không phải làm ra hạt gạo sạch, có giá trị dinh dưỡng và chất lượng cao cho chính gia đình và những người xung quanh?... Chính vì vậy, năm 2010, ông quyết định sử dụng diện tích 4ha đất để tiến hành cải tạo, be bờ tát nước, bón lót phân vi sinh và thử nghiệm trồng lúa hữu cơ với giống lúa Tám thơm. Quy trình trồng lúa của ông không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… để tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng.
Sau đó, ông ký hợp đồng với Công ty Cổ phần nhượng quyền thương mại Quốc tế để nhập về phân bón sạch tăng trưởng Rabid Hydro (còn gọi là phân con cá) cùng với giấy chứng nhận hợp quy phân bón. Nhưng do thiếu kinh nghiệm và đất chưa được cải tạo triệt để nên ruộng lúa phát triển không đều, chỗ xanh, chỗ vàng. Năm đầu tiên thử nghiệm ông thu được 7 tấn/ha. Đến năm 2015, khi đất bắt đầu đạt theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, năng suất tăng lên trên 10 tấn/ha.
Theo ông Ương, quá trình trồng lúa hữu cơ không phải ngày một ngày hai mà thành công. Những năm đầu tiên có thể năng suất sẽ không tăng bao nhiêu vì đất còn nhiễm chất hóa học nặng do ảnh hưởng của các hộ xung quanh còn canh tác theo lối cũ. Nhưng sản lượng sẽ cao hơn với chi phí chăm bón rẻ hơn và để thu được kết quả đó, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy trình chăm sóc: Sau khi gieo lúa xong đến ngày thứ 15 trở đi, cứ 7 ngày phun phân bón tăng trưởng Fish 1 lần, 1 sào phun 100ml, kéo dài cho đến trước ngày thu hoạch 15 ngày thì dừng bón phân.
Ông Ương hiểu rằng, khi sản lượng và chất lượng được giải quyết thì bài toán về đầu ra là vấn đề nan giải. Chính vì vậy, để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, ông đã ký gửi tại các đại lý, giới thiệu ra thị trường với giá 20.000 đồng/kg. Giá bán ra cao hơn 20% so với giá gạo thường, song gạo của ông sản xuất ra được mọi người ưa thích, làm ra đến đâu bán hết tới đó.
Để tồn tại lâu dài và tìm được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, năm 2017, ông đã đem mẫu gạo đi kiểm định chất lượng tại Sài Gòn và thu được kết quả ngoài mong đợi. Trở về, ông đi thiết kế thương hiệu, logo của HTX cho sản phẩm gạo sạch của mình với tên gọi “Gạo sạch Đồng Nhất”.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, HTXNN Đồng Nhất cung cấp cho thị trường tỉnh Đắk Lắk hơn 600 tấn gạo hữu cơ thành phẩm, ngoài ra cung cấp cho các thị trường tại Hà Nội, Đắk Nông, TP HCM... Với mong muốn mở đường cho những hạt gạo sạch Việt Nam xuất ngoại. Được biết, ông đang hoàn tất hồ sơ với đối tác tại thị trường Singapore. Dự kiến tháng 3 năm sau, đơn hàng đầu tiên sẽ được xuất sang đất nước này.
Những bao gạo trắng sạch tinh tươm của ông Đoàn Văn Ương giờ đã đi khắp nẻo đường để đến tay người tiêu dùng. Có lẽ bởi vậy mà hạt gạo “ngọt từ đất, chất từ tâm” của ông đã trở thành một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công trong nông nghiệp của lão nông 70 tuổi thời gian qua.