Tỷ phú '“tàn đời' vì trái ý quan chức (Bài 8): Cái tên 'ám' vào số phận

 Gia đình tỷ phú Đời là một trong những gia đình chọn Canada làm nơi định cư
Gia đình tỷ phú Đời là một trong những gia đình chọn Canada làm nơi định cư
(PLO) - Thoát cảnh phạm nhân không án tù dưới chế độ Thiệu, sang nước ngoài định cư với hai bàn tay trắng, ông Đời lại tiếp tục một hành trình mới:

“Đầu tháng 4/1975, tình hình hành chính quân sự, chính trị ở Sài Gòn thật là hỗn loạn, kể cả người còn tự do ở ngoài đời, thậm chí đến người bị giam giữ cũng bấn loạn.

1. Trước ngày 25/4/1975, chúng tôi đang bàn luận về tin tức các đài quốc tế, do chúng tôi cùng nhau phân chia bắt các đài, để cùng nhận định rằng: “Với tình thế chung hiện tại, thì VNCH sẽ sụp đổ”.

Đến khi vợ tôi vào thăm nuôi, tôi khuyên vợ tìm cách đi Canada. Để có mặt dạy dỗ, chăm sóc cho các con còn nhỏ dại cho nên người, là điều mong ước cuối cùng cho sự nghiệp đời tôi… Vợ tôi một mực khước từ, rơi lệ, khi chồng còn đang ở trong cá chậu chim lồng, phận làm vợ phải chết sống cực khổ có nhau, không lòng nào nỡ bỏ chồng ra đi cho đành, để được yên thân cho riêng mình…

Tôi rất khó khăn giải thích cho vợ tôi biết nhiều lần. Vợ tôi khăng khăng giữ ý định ở lại sống chết với tôi. Túng thế, tôi phải vờ gây gổ, làm dữ với vợ tôi, và còn xé giấy đi thăm nuôi, liệng bỏ đồ thăm nuôi không nhận. Chừng đó vợ tôi khóc lóc, mới liền nhận lời miễn cưỡng lau nước mắt ra đi, mà không dám quay đầu ngó lại.

Bất ngờ sáng 28/4/1975, có Trung tá Tuệ đến phòng giam ở Chí Hòa thăm tôi, tự cho biết vợ ông ta đã làm việc với tôi ở Tín Nghĩa Ngân Hàng, lúc đó đường lối của Tín Nghĩa Ngân Hàng có chính sách giúp đỡ, và xem nhân viên như tình ruột thịt, chẳng những sự sống được sung túc, mà còn tạo được xe, nhà ở, dù tôi lâm nạn nhưng gia đình ông ta thường nhắc nhở đến tôi luôn.

Người Việt nộp đơn xin việc làm khi mới sang Canada
Người Việt nộp đơn xin việc làm khi mới sang Canada

Nay vì viên Phó Quản Đốc đã bỏ ra đi ngoại quốc, nên ông ta được lệnh thượng cấp đến thay thế. Thừa dịp này gia đình ông ta bảo phải đến thăm tôi,  rồi sau cùng hỏi tôi cần gì sẽ giúp. Tôi hỏi lại, dám cầm thơ của tôi, đem cho Tổng thống Dương Văn Minh? Chừng ấy mới cho biết ông ta là người của Tổng thống Minh, nên ông ta sẵn sàng giúp tôi.

Khi đem thơ đi rồi, trở lại, ông ta cho biết khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc khiếu lại của tôi, ông hỏi tại sao ông Đời còn bị giam?. Nếu không lầm thì vừa rồi cựu Tổng thống Trần Văn Hương đã ký giấy phóng thích 26 nạn nhân của Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có ông Đời, ông liền gọi Trung tá tuỳ viên phải điều tra cho biết lý do tại sao không thi hành lệnh của Tổng thống Hương?.

Sau khi điều tra Trung tá tuỳ viên trả lời: “Vì lúc đó đã ra lệnh thiết quân luật 24/24, nên không thể thi hành lệnh đó được, theo thủ tục hành chính và tư pháp”. Ông liền ra lệnh cho thì hành cấp tốc lệnh phóng thích.

Sáng ngày 29/4/1975, lệnh phóng thích được thi hành, tôi về nhà ngủ một đêm, sáng 30/4/1975, tôi lấy xe cùng tài xế Ảnh đi Sài Gòn, Thủ Đức, Chợ Lớn, Hóc Môn… để xem tình hình, đi đến đâu cũng gặp giầy dép, quần áo nhà binh lột bỏ đầy đường

2. Chắc số tôi còn thiếu nợ đời, nên lọt lòng mẹ đã mang tên Đời rồi, không làm việc, hoạt động là bệnh ví như loài chim có cánh để bay lượn trên không, hễ đậu một chỗ là sắp chết.

Sau 2 tháng đến Canada, nằm nghỉ dưỡng trí. Ăn không ngồi rồi mãi đâm ra chán nản, nhớ đến quê hương xứ sở mến yêu và những người thân. Nghĩ đến ngày về xa xăm mù mịt, tôi muốn điên lên, nếu đem so sánh với lúc Thiệu bắt giam, thì lòng tôi lúc đó vẫn yên ổn hơn nhiều.

Tôi nghĩ còn khoẻ mạnh, nhất quyết phải làm một cái gì cho tâm thần được ổn định, rồi tự hỏi trước kia lúc thiếu thời, đã lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, còn bây giờ dù đã trắng tay mà phải e ngại, chỉ vì nay tôi ở xứ lạ quê người… Nào phong tục, tập quán, kỹ thuật mà tôi đành đầu hàng, ngồi bó tay chờ ngày chết dần mòn, hay phải làm gì đây?

Bao câu hỏi dồn dập đó đủ làm cho tôi ngày đêm suy tư, để tìm cho kỳ được một giải pháp thoả đáng, trước đây tôi tự cho rằng, dù một bài toán khó đến đâu, cũng phải có đáp số, tại ta chưa nghĩ tới nên chưa tìm ra đấy mà thôi.

Đây rồi! Ý nghĩ chợt đến, tại sao không kiểm điểm tìm hiểu chính bản thân, bạn bè, kỷ niệm đất nước mến yêu? Vậy, tôi còn giữ lại được những gì? Có phải, tôi vẫn mang theo: “Sức khoẻ, sáng kiến , kinh nghiệm, chí cương quyết, lòng quả cảm và bản thân tráng kiện Trời ban cho…?”.

Do đó, vì sao còn đắn đo, chưa chịu dấn thân, nhập cuộc vào xã hội mới này, mà cứ suy tư rầu rĩ, buồn bã thì giải quyết được gì? Còn chờ đợi gì nữa đây? Thế là tôi quyết định dấn thân, nhưng tôi không thể đi làm như một công nhân, mà buôn bán thì tôi đã trắng tay, cũng cần một số vốn tối thiểu.

Dò dẫm việc làm ăn phải cần một số vốn tối thiểu Nhớ lại trước kia, vợ tôi vì thấy các con còn nhỏ dại ăn học ở Canada, vợ tôi có để lại một số nữ trang cho các con gái phòng thân, vì cha mẹ ở Việt Nam, một xứ có chiến tranh ác liệt, sự chết sống may rủi không thể lường trước được…

Nay nghĩ lại, bèn hỏi mượn lại vợ con một phần tư trang bán lấy làm vốn để ra làm ăn…

Bị vợ cản trở viện lẽ: “Ba đã mấy mươi năm lập nghiệp, khổ cực, nhiều tai nạn, nay ba tuổi đã cao, già rồi, lại ở xứ lạ quê người, việc làm ăn không phải dễ như ở Việt Nam…”. Tuy những lời nói có tính chất hiếu thảo, chân thành, song đã gây cho tôi nhiều cảm xúc quá mạnh. Vì “đã già” rồi nên vô dụng như vật phế thải, hết xài, nên tôi cũng sống không còn quan trọng nữa…?

Nghĩ lại, người lớn tuổi như chúng tôi, việc làm ăn ở Việt Nam dù thành công rực rỡ đến đâu đi nữa, chắc bị cho rằng không do tài trí, mà do đầu cơ chiến tranh mà có như những người xa lạ đã rời quê hương lâu năm, họ nghĩ và hiểu lầm…

Vượt qua những khó khăn ban đầu, những gia đình di cư tiếp tục hướng tới một cuộc sống mới
Vượt qua những khó khăn ban đầu, những gia đình di cư tiếp tục hướng tới một cuộc sống mới 

3. Ở trong hoàn cảnh này, tôi đang lâm vào tình trạng khóc không ra tiếng, mà cười thì ra nước mắt. Vì có dư luận đồn rằng “Tôi đã đem ra ngoại quốc lắm của nhiều tiền”. Thông thường, thoạt nghe rất hợp lý. Nhưng mỗi người đều có hoàn cảnh của mình, mà chính người trong cuộc mới biết rõ được. Có thức trắng đêm, mới biết đêm dài.

Trường hợp của tôi nếu để công tâm mà suy ngẫm, có lắm điều đặc biệt trái ngược. Như ở đoạn trên, tôi mua toàn những xí nghiệp sập tiệm, điển hình như Tín Nghĩa Ngân Hàng, mua lại tất cả các cổ phần, tăng vốn bắt buộc, trả nợ Ngân Hàng Quốc Gia… gần 300 triệu, lúc đó (1966) một đồng dollar chỉ ăn có 78$ Việt Nam. Chưa kể chỉ có một số hiện kim để nâng mức ký thác lên cao, trấn an dư luận các người cùng nghề và người ký gửi.

Trong lúc đó như một võ sư bất đắc dĩ, đang bắt buộc phải lâm trận, sống chết. Đương nhiên phải cần thuốc bổ chích thêm, chớ nào dám tặng máu. Ví tôi như có một cái khiên là số vốn để ngoại quốc (tiền chuyển ngân thời Pháp, tiền để dành, sinh lợi do các Hotels 1.655 phòng và hãng xưởng). Đều phải mang về để che thân, chớ không lẽ cất giữ ở ngoại quốc để “thân bại danh liệt”?

Những ai đã và đang làm ăn những việc bình thường đi nữa muốn giữ vững hoặc bành trướng bao nhiêu tiền cũng không đủ, huống chi hoàn cảnh tôi lúc đó tất nhiên phải đem tiền về.

Hơn nữa tôi bị Thiệu bắt ngày 21/4/1973 một cách bất ngờ. Tình hình Sài Gòn lúc đó chưa biến động. Tài sản, tiền bạc, tư trang ở ngân hàng, nhà cửa, xí nghiệp đều bị tịch thu, niêm phong. Đến nỗi không có 2 ngàn để đóng cho luật sư.

Làm kỹ thuật thì nhân lực, điện nước thiếu. Làm thương mại thì hàng hoá về ào ạt. Với những thương kỹ nghệ gia Việt Nam, làm kỹ nghệ đúng nghĩa của nó, ở một xứ chiến tranh thì làm ăn thật sự rất khó khăn mọi bề, mọi dự tính hay bị thay đổi bất ngờ, tất cả nhân lực và tài lực, đều tập trung nằm trọn trong tay chính phủ, chưa kể nguyên liệu thiếu thốn, vì viện trợ là cho bằng đồ vật được tính ra bằng tiền Việt Nam, có khi hàng và nguyên liệu trong xứ dư thừa mà chính phủ cũng buộc lòng phải nhận để có đủ tiền, mà vô tình diệt công kỹ nghệ và thủ công trong xứ.

Lắm lúc vì sự viện trợ cần giúp đỡ để gây ảnh hưởng hoặc phát triển, xứ được viện trợ phải thay đổi nhiều thứ để nhập cảng hàng hoá luôn bị thay đổi xáo trộn.

Nước điện cũng thiếu thốn phải tự mình lo liệu, chuyên viên không có đủ, nếu có thì chỉ ví như mành treo chuông, không biết ngày nào bị động viên. Người chủ xí nghiệp bắt buộc cảnh giác và phải tự học hỏi phải biết hết: Chẳng những rành về những việc điều hành quản trị xí nghiệp, mà còn phải là chuyên viên rành về kỹ thuật, để sẵn sàng bất cứ lúc nào kiêm nhiệm được mọi việc, để giữ sự hoạt động được liên tục.

Làm thương mại thì hàng hoá tháo khoán cùng một lúc, lại xa xôi, hàng về ào ạt, nên lúc thiếu thốn, lúc lại tràn ngập thị trường như mưa dầm nắng hạn… dễ sinh ra nạn chợ đen.

4. Khi bị sự từ chối của vợ con, làm tôi mặc cảm vì lòng tự ái bị xúc phạm, tự ái là nguồn gốc của muôn sự cay đắng, chua xót ở đời, không có sự đau khổ, thống thiết và day dứt nào hơn. Bị va chạm nên tôi đau đớn và buồn tủi vô cùng, đi đến bấn loạn tinh thần càng ngày càng sâu đậm trầm trọng, tôi chỉ còn biết khóc thảm, than thở cho thân phận riêng mình, rồi đến biếng ăn, mất ngủ… bệnh hoạn đến nằm liệt giường không dậy nổi, rồi phải nằm bệnh viện để điều trị.

Bác sĩ khuyên gia đình tôi phải giúp tôi bằng cách tìm việc làm để quên nỗi sầu muộn mới hết bệnh được, bởi lẽ trước đây tôi đã là người từng hoạt động hăng say, nay nghỉ ngang thì e rằng khó mà có thuốc chữa trị được.

Một khu dân cư sinh sống của những người Việt tại Canada
Một khu dân cư sinh sống của những người Việt tại Canada

Trước hoàn cảnh này vợ con tôi, việc chẳng đặng đừng, phải chấp nhận cho tôi bán tư trang được 60,000 đồng Canada để tôi kiếm việc làm ăn.

Ngày 23/12/1975, tôi mua được một Hotel tên “Le Marquis” tọa lạc 6720 Sherbrooke Ét Montreal Canada, gần nơi “Thế Vận Hội” sắp mở cửa, nơi này khi ấy chỉ là ven biên của Montreal, nghèo nàn và hẻo lánh. Hotel bị cháy hai phòng, nhưng tất cả phòng còn lại đều bị hôi khói, lúc lửa được dập tắt, sở cứu hỏa đã làm hư hại rất nhiều như cánh cửa sổ và cửa phòng, xem thật là âm u hoang tàn.

Tôi chưa đủ vốn nên phải mời ông bà Trần Văn Phước, cựu Đại sứ của VNCH ở Campuchia hùn mỗi người phân nửa, nhưng khi thấy sự hư hại  và mùi khói ông ta liền từ chối, để ra sang lại tiệm chạp phô (grocerie) lấy hiệu là Đại Nam nằm trên đường St Laurent. 

Sự khó khăn này, cộng với công tác xây cất State jeux Olympic làm cản trở sự lưu thông rất nhiều, muốn vào được Hotel thật là khó khăn nên rất ế ẩm. Sự kiện trên làm nản lòng bà chủ Hotel đã già hơn 72 tuổi, nên bà hết muốn khai thác, nhờ vậy mà tôi mua được giá rẻ.

Sau khi mua được Hotel Le Marquis, tôi gọi con gái lớn nghỉ sở để về tiếp, con gái tôi tốt nghiệp tại Mc Gill Universite nhưng sau 3 tháng, con tôi phải trở về sở cũ làm việc lại vì số tiền thâu chỉ đủ trả tiền lời, không đủ trả tiền lương cho con tôi và cả ba cô receptionistes làm 24 tiếng một ngày nữa. Tôi phải bớt hết 1 người receptionistes và thay thế 1 ca đêm (8 tiếng) còn bồi làm phòng, tôi và vợ tôi phải thay thế nhau mà làm.

Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng tôi phải cãi nhau mãi về vụ trải drap giường, mỗi người một cách nên nó xéo xẹo, mãi về sau mới quen việc. Nhớ mãi những lần khom xuống trải drap, hút bụi, lau toilette, tôi phải quỳ xuống mà làm vì với cái bụng to như vậy mỗi lần cúi xuống là đồ ăn muốn trào ra miệng luôn…à quên, tôi còn kiêm luôn cả sửa chữa lặt vặt, điện nước nữa chứ.

Ở Việt Nam, địa vị chủ nhân như tôi mà phải kiêm nhiệm mọi việc trên đây rất là hiếm có, nhưng ở Bắc Mỹ thì đó là một sự quá thông thuường của một người hành nghề tiểu thương mại.

5. Trong đời tôi, lần đầu tiên chẳng những tôi buồn lo nhất mà còn thấm thía đến những lời khuyên của con tôi lúc ban đầu, nhưng tôi quyết chí không bỏ cuộc, vì đã leo lưng cọp thì phải quyết chí sống chết, phải cưỡi cho đến cùng. Rồi thời gian là liều thuốc rất hay, nó tập cho con người quen đi dần dần… rồi cũng sẽ cảm thấy vui thích trong công việc làm, vui vì không nghĩ rằng việc lao động cực nhọc, vui vì tôi cũng đã làm được và làm hoàn hảo.

Xưa kia tôi đã từng làm Chủ tịch Công ty Bảo hiểm, Tín Nghĩa nên có kinh nghiệm về việc bồi thường, nhờ đó mà tôi vận động đòi bảo hiểm bồi thường gấp để sửa chữa lại Hotel cho kịp thời, lúcThế Vận Hội bắt đầu.

Để khỏi bị chậm trễ tôi phải giao thiệp Công ty bảo hiểm và trợ giúp cho họ bản chiết tính nội (20) ngày là xong, trong đó công tác tính tiền tháo gỡ tất cả các vách và trần, thảm… để thay lại vật liệu mới, hầu tránh hôi khói làm hại đến sức khoẻ của khách, nên số tiền bồi thường được 148,000$. Với số tiền bồi thường này, tôi tìm cách sửa chữa đúng theo tiêu chuẩn chính phủ mà được dư tiền để dùng vào việc khác.

Nhớ lại kinh nghiệm khi xưa ở Việt Nam, đã một lần bị đặt chất nổ làm cháy hai lầu Hotel Victoria của tôi, còn lại những lầu bị hôi khói, tôi không gỡ mà chỉ sơn một lớp sơn alluminium rồi sơn chồng lên thêm 3 lớp sơn dầu là hết hôi khói. Tôi liền làm thử gấp một phòng, khi song tôi mời thanh tra đến khám phòng mẫu và được chấp thuận, nỗi vui mừng này không bút mực, lời nào tả hết được, ví như người sắp chết đuối ở biển cả, mà gặp cái phao…

Tôi gọi thợ đến cùng làm, chỉ không đầy ba tháng là hoàn tất, kịp mở cửa nhân dịp có Jeux olympic, thời gian ngắn như vậy, chỉ tháo gỡ các nơi bị lửa táp gần phòng bị cháy.

Trong số tiền bảo hiểm bồi thường, dư được 92,000$, tôi trả thêm cho chủ nhà 60,000$, để nhẹ gánh tiền lời, còn lại 32,000$ tân trang nhà hàng, trước đây họ dùng nơi này bán Fast Food gọi là tiện nghi cho Hotel, sau khi tân trang lại, tôi biến nhà hàng này thành Vietnamien và Polynesien, hiệu là Maitiki phối hợp đồ ăn Việt Nam và Trung Hoa, làm Buffet nóng Việtnamien/Polynesien, 11 món bao bụng, mà tôi là đầu bếp chế biến.

Lúc đầu nhà hàng chỉ có vợ chồng tôi nấu và rửa chén để chế biến, chỉ mướn một bồi bàn Canadienne, dần dần đông khách, tôi chỉ làm bus boy, rửa chén, trông chừng người bếp, người này là người Việt gốc Hoa tên Thái Đức An vừa di tản đến, chưa hề biết làm bếp bao giờ. Tôi chỉ công thức cho y nấu dưới sự chăm sóc điều khiển của tôi, tôi như Chef bếp, người bếp này rất chịu khó, có trách nhiệm và rất mến tôi.

6. Về phần Hotel, lúc nhà hàng rảnh, vắng khách, vợ chồng tôi đi làm phòng như trải khăn giường, lau chùi phòng tắm, hút bụi sửa chữa lặt vặt và điện nước… Lúc nhà hàng đóng cửa, vợ chồng tôi ngủ lại trong văn phòng Hotel để gác đêm, từ 24 đến 8 giờ sáng, như vậy đỡ mướn 1 ca receptionite.

Đến năm 1977, có kỹ sư Hồ Sĩ Hiệp, là người tốt và chân thật, đến Canada, tôi mời cộng tác và thay tôi, nên tôi đỡ gác đêm, những giờ làm việc vẫn 7h30 sáng, phải có mặt để lấy tiền depot giữa hai ca giao lãnh, và lấy tiền giữa hai ca 24 giờ, đến 1 giờ mới được ra về, mất 2 giờ đi, về vì nhà và tiệm, Hotel ở Tây và Đông thành phố.

Trước đó, ở 4530 Cumberland, Notre Dame de Grace, mãi đến năm 1978 tôi mới dời nhà về miền Tây, 6950 Jean Tavernier Montreal, rồi dời về 5196 Langelier, rồi sang Orlando – Florida.

Đầu năm 1978, ngoài việc quản trị và kế toán, tôi chỉ còn ủi tuyết và sửa chữa lặt vặt, hoặc thay thế nhân viên khi thiếu hụt ở Hotel hoặc restaurant, vợ chồng tôi chỉ còn làm lại phòng ban đêm cuối tuần mà thôi.

Mãi tới giữa năm 1978 thì đã hoạt động bình thường, nhà hàng thì đã thành công và nổi tiếng nhờ tôi chế biến các thức ăn lạ, ngon và rẻ tiền, tuy được như vậy nhưng tôi vẫn không thoả mãn vì mọi ngày tôi phải làm việc lao động chung với bếp, bồi bàn, vì nếu tôi không cùng làm với họ thì không thể theo sát được phẩm chất, sơ suất sẽ bị mất khách.

Lúc rảnh rỗi, tôi dành thời gian đi ăn gần như tất cả nhà hàng ở Montreal để nghiên cứu hầu quyết tìm cho ra được một recette khả thi cho người chủ không lệ thuộc vào người bếp mà công việc lại được chạy đều và tốt đẹp, người chủ chỉ lo điều hành và quản trị mà thôi, tôi đi ăn đều đều mỗi tuần 2, 3 nhà hàng khác nhau mà cũng không tìm ra được phương thức theo ý muốn.

Một hôm trên đường St – Catherine, bất ngờ tôi gặp ông Sato, Giám đốc Công ty Ito ở Nhật, trước đây tôi có giao dịch và làm ăn mật thiết, sau khi thăm hỏi xã giao, ông hỏi tôi hiện giờ ở đâu và đang làm gì, tôi cho ông biết tôi đến Canada không có tiền và mọi việc làm ăn đều khó khăn, tôi mua được một Hotel cũ cháy sửa lại cùng một nhà hàng Việt Nam nho nhỏ.

Ông cho biết ông đã hỏi thăm tin tức của tôi thường xuyên khi gặp người Việt Nam, hoặc ai đã biết tôi, nay thấy tôi tuy có vẻ gầy nhưng vẫn bình an mạnh khoẻ, ông vui mừng lắm… Ông mời tôi đi ăn cơm Nhật hiệu “Kyoto Japanese Steak House” gần đó mà có một lần con tôi mời vợ chồng tôi ăn qua rồi, nhưng tôi không bao giờ dám mơ tưởng đến loại nhà hàng này, vì đã nhiều tiền mà kỹ thuật lạ đời, bếp lại là người Nhật, rất xa lạ và cầu kỳ, sang trọng… (lúc bấy giờ nhà hàng loại này chưa được phổ biến rộng rãi như ngày nay).

Trong lúc ăn, ông hỏi tôi muốn làm nhà hàng loại này không, nếu tôi thích ông sẽ giúp cho, tôi trả lời muốn thì tôi muốn lắm, nhưng tôi không có đủ tiền, e sợ kỹ thuật khó khăn và quá xa lạ với tôi…

Sau khi ông nghe tôi nói như vậy ông trả lời liền, “ông Đời trước kia ông đâu biết nghề làm gạch, ông đâu biết nghề nấu kéo giây đồng và cũng không biết nghề ngân hàng và nhiều nghề khác… thế mà khi ông quyết tâm làm, khi ông nắm vững được kỹ thuật căn bản, ông biến chế cải cách đâu có ai sánh bằng ông, phải vậy không?” Ông còn nói ông “tin tưởng nơi tài tôi ứng biến và chế biến của tôi, sẽ thành công vẻ vang sau này…”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.