Vào năm 1972, nhiều giới chức cao cấp thuộc Ngân hàng Quốc gia VNCH đã nghiên cứu một số phương pháp mới để áp dụng đã gây lắm ngạc nhiên trong ngành Ngân hàng tại miền Nam. Đa số những phương pháp ấy đều xuất phát từ Tín Nghĩa Ngân hàng, một thành viên mới của Hiệp hội Ngân hàng.
Sự trưởng thành nhanh chóng của ngân hàng do sự du nhập những phương thức “không chính truyền” như những ngân hàng khác trong ấy có cả sự quảng cáo rầm rộ, quà biếu, xổ số, và những sáng kiến quảng cáo liên tục đầy hứa hẹn đã tạo được sự chú ý của giới bình dân. Trước sự chấp nhận của quần chúng, các ngân hàng khác dù ban đầu chống đối, nhưng rồi cũng đều phải áp dụng học theo.
“Ông chủ Ngân hàng bất đắc dĩ”
Cuối năm 1965, nền kinh tế VNCH phải đương đầu với những áp lực lạm phát trầm trọng gây ra bởi những chi phí quân sự của quân Mỹ và đồng minh. Cũng như các ngân hàng khác, nghiệp vụ của Tín Nghĩa lúc ấy phát triển mạnh mẽ.
Nên có những tiên liệu sẽ đem lại nhiều sự lạc quan do đó khiến cho những viên chức của Tín Nghĩa Ngân hàng phấn khởi để thực hiện một chương trình cho vay “ phi mã”
Năm 1966, với 672 triệu bạc tồn quỹ, ngân hàng chỉ cho vay 17 triệu. Một năm sau, 301 triệu đã được chấp nhận cho vay. Những sự thay đổi chính sách của Tín Nghĩa Ngân Hàng đã làm cho nhiều khách hàng phải hoài nghi.
Thêm vào đó, trong giới ngân hàng có đồn đại rằng một số lớn quản trị viên mượn ngay tiền của ngân hàng để tài trợ cho xí nghiệp riêng của họ. Nhiều khách rút tiền ra. Đến năm 1967 số tồn quỹ của Tín Nghĩa Ngân hàng sụt xuống đến chỉ còn 236 triệu bạc. Số nợ đáo hạn chưa được thanh toán lên quá 200 triệu, và có rất nhiều chủ nợ khó thu hồi.
Biểu tượng của Tín nghĩa Ngân hàng |
Cũng lúc ấy, Tín Nghĩa Ngân hàng chỉ còn tồn quỹ có 30 triệu, một con số thấp xa mức tối thiểu dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Quốc gia ấn định.
Là chủ nhân của 16% cổ phần, và đồng thời là quản trị viên trong Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Tấn Đời khi hay được lấy làm lo lắng về sự xuống dốc nhanh chóng của Tín Nghĩa Ngân hàng.
Cuối năm 1967, trong một phiên họp của Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Tấn Đời thừa dịp này, yêu cầu các quản trị viên nào đã vay tiền của Ngân hàng phải bồi hoàn ngay để giữ vững số tiền dự trữ tối thiểu, và để đánh tan dư luận cho rằng Tín Nghĩa Ngân hàng đang gặp phải nhiều khó khăn tài chính quan trọng. Hội đồng quản trị ) giữ bí mật về lời yêu cầu đó làm tuồng như không ai hay biết gì cả. Một tháng sau ông Nguyễn Tấn Đời bị họ họp lại loại ra khỏi Hội đồng Quản trị.
Ông Nguyễn Tấn Đời mới xoay qua cầu cứu với Ngân hàng Quốc gia. Những tiết lộ của ông Đời đi đến một cuộc kiểm soát cấp tốc nghiệp vụ của Tín Nghĩa Ngân hàng, và những điều phát hiện đã xác nhận đúng những ngờ vực không đẹp đẽ ấy.
Trước những sự kiện quá cụ thể, Ngân hàng Quốc gia chỉ còn có cách tuyên bố Tín Nghĩa Ngân hàng bị phá sản.
Ngay lúc đó, ông Đời cho Thống đốc Ngân hàng biết ý định truy tố các giám đốc Quản trị viên ra trước pháp luật để đòi đền bù thiệt hại. Ông Thống đốc không chấp thuận kế hoạch đó.
Theo ông Thống đốc, làm như vậy sẽ gây bất lợi cho toàn thể Hiệp hội Ngân hàng: Một chuyện xấu xa mà đem loan truyền sâu rộng sẽ làm liên lụy nhiều thành viên của Hiệp hội, gây thiệt hại cho nhiều Ngân hàng đã được tiếng tốt, cũng như thiệt hại cho chính Tín Nghĩa Ngân hàng.
Ngoài ra, ông Thống đốc còn nói thêm rằng ông Đời và các quản trị viên khác đều liên đới chịu trách nhiệm về những số tiền biển thủ, dẫu quản trị viên đó có lỗi hay không, và dẫu ông Đời không hề nhúng tay vào việc vay này.
Không còn lối thoát nào nữa, ông Đời mới xoay qua tiếp xúc với các quản trị viên, giám đốc. Và vì không một Giám đốc, Quản trị viên nào còn có khả năng hoàn trả sớm được hoặc đủ khả năng hùn thêm vốn vào Tín Nghĩa Ngân hàng, ông Đời bị bắt buộc mua lại các cổ phần của họ.
Sau nhiều lần điều đình dai dẳng với Ngân hàng Quốc gia, Tín Nghĩa Ngân hàng được vay 100 triệu và được sự trợ giúp kỹ thuật để tổ chức lại các hồ sơ và thủ tục ngân hàng.
Bù lại Ngân hàng Quốc gia bắt buộc ông Đời mua lại số cổ phiếu 30 triệu để có cổ phần nhiều nhất. Ngoài ra ông Đời còn phải tìm thêm 90 triệu để hội đủ mức tiền dự trữ tối thiểu chính thức ấn định. Cũng vì vậy mà ông Đời được gọi là “chủ Ngân hàng bất đắc dĩ”
Ông Đời tuyên bố: “Tôi không có một chút kinh nghiệm gì về cách điều khiển ngân hàng cả. Tôi thành công nhờ về sản xuất vật liệu xây cất, những kinh nghiệm của tôi chỉ giới hạn trong vấn đề canh nông, xuất nhập cảng và khách sạn mà thôi”.
Thế nhưng vị tỷ phú này tiếp tục có những hành động xoay chuyển quan trọng.
Ngân hàng của giới bình dân
Qua tháng 12/1968, ông Đời khởi sự tuyển một nhóm “điều hành mới”. Ông giải thích: “Để được ngay thật và sự tin cậy tối đa, tôi đã chọn những người trong gia đình hoặc bà con bạn bè gần nhất.” Trong số này, không một ai đã có kinh nghiệm về nghiệp vụ ngân hàng.
Tiên đoán có cuộc đình công, ông Đời đã chống lại thành công những yêu sách của nghiệp đoàn đòi tăng lương quá cao. Những việc đó giúp cho Tín Nghĩa Ngân hàng đỡ bị lỗ, dù mức lợi tức vẫn còn thấp kém.
Sau năm đầu tiên, ông Nguyễn Tấn Đời xét lại: Tình trạng Ngân hàng có tiến lên chút ít, nhưng vẫn bị thua lỗ. Tín Nghĩa có quá nhiều nhược điểm: Bị cấm làm nghiệp vụ, vấp phải một dư luận mới trong giới khách hàng, sự thiếu kinh nghiệm trong việc điều khiển nghiệp vụ một ngân hàng, một tư thế người xa lạ trong cộng đồng những người đã lão luyện. Làm sao vượt khỏi những nhược điểm đó?
Sau khi thành công trong lĩnh vực xây cao ốc và xuất nhập cảng, ông Đời “lấn sân” sang ngành ngân hàng |
Vị tỷ phú này nói: “Tôi nghĩ rằng hy vọng duy nhất của chúng tôi là phải khám phá ra những nguồn sinh lực mới và khai thác những lộ trình mà các ngân hàng khác chưa hề sử dụng và nghĩ đến. Ví dụ: Tất cả ngân hàng Việt Nam đều tranh nhau để kiếm cho được các đại thương kỹ nghệ gia giàu đặng ký thác và nhiều người làm ăn lớn đến vay tiền.
Những người này thuộc một nhóm “tài phiệt về tài chính và mại bản”. Họ không thèm giao thiệp với Tín Nghĩa nữa. Vậy sao mình không giao dịch với những giới trung lưu và tiểu thương? Những người này ít nhạy cảm hơn. Đa số không hiểu gì về nghiệp vụ ngân hàng.
Họ cũng không hay biết gì về tiếng đồn xấu của Tín Nghĩa trước kia. Có thể tìm được cách kéo được họ về, nhưng phải làm sao đây, bằng cách nào đây?”.
Vào cuối năm 1986, ông Đời tung ra nhiều biện pháp tân kỳ làm cho Hiệp hội Ngân hàng khó chịu bằng cách quảng cáo rầm rộ cho Tín Nghĩa. Đăng lời rao trong báo chí, phát hành lịch, tranh ảnh và bích chương là những phương tiện phổ biến được áp dụng để được liên lạc trực tiếp với một phần quần chúng mà trước đây họ không hề có ý nghĩ đem tiền ký gửi vào ngân hàng.
Ông Đời còn đưa ra nhiều phương pháp mới nữa. Tất cả những khách hàng đều được biếu không một đĩa hát “Của Hồi Môn”, có những bài dân ca nổi tiếng do những ca sĩ tên tuổi trình bày. Bài vè đề cao việc ký thác gửi tiền vào ngân hàng. Đích thân ông Đời viết lời cho bài vè và lời ca. Bài ca được nhiệt liệt hoan nghênh.
Mỗi khách hàng mới của Tín Nghĩa được biếu một món quà tương xứng tùy theo số tiền ký thác. Ngân hàng tổ chức một cuộc xổ số thường kỳ: Khách hàng trúng giải được lãnh phần thưởng đáng giá như máy truyền hình, hoặc một chiếc xe hơi, xe gắn máy.
Trong thời gian đó, ông Đời còn nghĩ ra và thực hiện dấu hiệu cho Ngân hàng: Gương mặt đạo hạnh của một vị thần tượng trưng cho thịnh vượng (Thần Tài). Đối với đa số người Việt bình dân, dấu hiệu này tượng trưng cho sự giàu sang phú quý theo như mê tín và tín ngưỡng mà họ đã có từ lâu đời. Còn đối với nhiều khách hàng tương lai thì dấu hiệu này làm cho họ thêm tin cậy vào Tín Nghĩa.
Những nỗ lực về đường lối quảng cáo của ông Đời ban đầu bị giới ngân hàng chỉ trích thậm tệ. Đối với những chủ ngân hàng tự hào về địa vị cao sang của mình, thì những phương pháp của Tín Nghĩa là không được chính đáng. Dưới sức ép rõ rệt của giới ngân hàng, Ngân hàng Quốc gia cũng chỉ trích về khoản chi phí quá đáng của cuộc quảng cáo.
Tại làm sao Tín Nghĩa mới vừa sa vào tình trạng kiệt quệ tài chính lại dám dấn thân vào một cuộc quảng cáo rầm rộ tốn hao như vậy? Dĩ nhiên là những tổn phí quảng cáo đó còn làm cho tình trạng ngân hàng thêm trầm trọng. Nhiều lần ông Đời đã phải diện trình với ông Thống đốc Ngân hàng để bênh vực cho chính sách của Tín Nghĩa. Mặc dù vậy, ông cương quyết tiến tới.
Ông nhắc lại: “Tôi học thuộc thể lệ, tôi hiểu những gì tôi có quyền làm, tôi cũng biết rằng Ngân hàng Quốc gia chỉ có quyền gợi ý mà không có quyền bắt buộc phải thực thi những gợi ý đó”.
Về những quyết định liên quan đến sự gợi ý đó, tôi chỉ tin cậy vào sự nhận xét riêng của tôi mà thôi. Tôi nghĩ rằng, một cuộc quảng cáo đối với Tín Nghĩa lúc này cũng rất cần thiết như mỹ phẩm đối với một cô gái thiếu những nét kiều diễm rất cần được trang điểm để kén chồng.
Đường phố Sài Gòn khoảng 1970 |
Dẫu vậy, các ngân hàng khác vẫn tiếp tục biểu lộ một sự chống đối mãnh liệt. Lúc ấy, giới ngân hàng từ chối ngồi chung bàn với tôi. Và những ông đó có một ảnh hưởng rất mạnh đối với Ngân hàng Quốc gia. Trong ba năm đầu tôi quản lý ngân hàng, Ngân hàng Quốc gia đã khám sổ sách năm lần. Thường thưởng, một ngân hàng chỉ phải kiểm khám năm năm một lần mà thôi”.
Triết lý nhằm vào giới tiểu thương
Ông Đời quả quyết rằng chỉ có những sáng kiến mới mẻ trên đây được triệt để khai thác mạnh mẽ là phương pháp cứu vãn được Tín Nghĩa. Triết lý của ông nhằm vào giới tiểu thương: “Trong tư thế lúc tôi làm ăn nhỏ, tôi nhớ lại những kinh nghiệm tủi hổ mà tôi đã phải chịu đựng trong những lần giao dịch với các ngân hàng ở Việt Nam.
Tôi đồng quan điểm và cùng hoàn cảnh với những tiểu thương đó trong những truyền thống hoạt động thiếu thực tế của những ngân hàng ở Việt Nam. Tôi chán ghét những lần nối đuôi dài để ký gửi một số tiền. Tôi không ưa thái độ phách lối và kể cả của nhiều thâu nhân viên nam lẫn nữ, đối với những tiểu trương chủ vì họ là những tiểu thương”.
Vẫn lời ông Đời: “Chúng tôi phải chứng minh cho quần chúng thấy rằng gửi tiền vào Ngân hàng được bảo đảm an toàn hơn là giấu dưới nệm ngủ, trên mái nhà. Rằng tiền ký thác vào ngân hàng được có lời và tích lũy, chứ “không bay mất” như giấu tại nhà vì lý do gặp lạm phát.
Đĩa hát làm quà biếu, và những máy vi âm đặt tại các giao điểm chiến lược trên các đường phố làm nổi bật những đề tài trên đây. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tôi đem ngân hàng tới kề bên nhân dân.
Nhằm mục đích đó, Tín Nghĩa đề nghị một phương thức mới nữa: mở thêm những chi nhánh trên một hệ thống rộng rãi. Hồi ấy ngân hàng ở Việt Nam không cần thiết có chi nhánh nào cả. Nhưng dường như rõ ràng thấy cần phải mở những chi nhánh ở những vùng cư ngụ của những tiểu thương và giới trung lưu. Nhờ đó những người này khỏi phải sợ nguy hiểm khi xê dịch trên đường dài để đến trụ sở ngân hàng ở Sài Gòn.
Ban sơ chúng tôi mở một chi nhánh, qua 1972, chúng tôi có 26 chi nhánh. Ví dụ, trong năm 1971, chúng tôi đã mở được 9.
Tôi quan niệm tổ chức của tôi như một cái cây to lớn, cần có nhiều rễ nhỏ. Cái rễ cái tượng trưng cho Trụ sở Trung ương, và các rễ nhỏ là những chi nhánh. Những rễ nhỏ nâng đỡ cái rễ lớn, đồng thời giữ cho cây được vững vàng, như thế, gặp thời kỳ kinh tế biến động, những rễ nhỏ giúp cho Trụ sở trung ương tránh được những khó khăn mà nhiều ngân hàng khác (với một cái rễ mà thôi) phải đương đầu”.
Khẳng định rằng những giới tiểu thương không có thì giờ để chờ đợi, ông Đời lưu ý các hoạt động của các cơ sở trong Ngân hàng. Tín Nghĩa đặc biệt chú trọng đến sự tiếp xúc lịch thiệp và vồn vã với khách hàng trong mọi nghiệp vụ.
Tiền gửi trong quỹ tiết kiệm được rút ra ở bất cứ chi nhánh nào của Tín Nghĩa, chứ không còn bắt buộc thực hiện ở trung ương, như trường hợp những ngân hàng khác.
Như vậy, những khách hàng đều nhận thức được rằng họ tiết kiệm được nhiều thì giờ và quyền lợi khi giao dịch với Tín Nghĩa. Thêm nữa, số thâu nhân viên các ngân hàng khác để cho khách hàng khỏi phải xếp hàng nối đuôi thật dài.
Tín Nghĩa ngân hàng không chỉ hướng tới các “đại gia”... |
Nhờ những cải cách, tung những thể thức mở trương mục, việc gửi tiền được giản dị hóa tối đa, loại bỏ những giấy tờ rườm rà
Một trong những ưu điểm của các tiểu thương chủ đó, ông Đời nhận xét, là các trương chủ có thói quen để tiền ở ngân hàng lâu hơn các số tiền lớn. Những đại phú gia, quỷ quyệt hơn, khi gặp kinh tế biến động thì lấy tiền ra đầu tư kiếm lời gấp rút, hoặc chuyển tiền ra nước ngoài gấp rút, hoặc chuyển tiền ra nước ngoài cất giữ.
Thay đổi cách giao dịch với những người vay tiền
Tuy số tiền cho vay là “chén cơm hàng ngày” của Tín Nghĩa nhưng ông Đời rất dè dặt, đặt ra lệ giữ thêm từ 5% đến 10% số tiền mặt ký thác hay của những trương mục tiền mặt lớn lao đây là số dự trữ ngoại lệ ngoài số tiền dự trữ bắt buộc ấn định.
Khi Ngân hàng Quốc gia tăng số tiền dự trữ bắt buộc lên từ 35 - 40% hồi năm 1971, Tín Nghĩa hội đủ điều kiện bắt buộc. Ngoài ra Tín Nghĩa lại còn có tiền mặt trội hơn số đó nữa.
Tín Nghĩa thay đổi cách giao dịch với những người vay tiền. Ông Nguyễn Tấn Đời thuật lại rằng “những ngân hàng khác cho vay, căn cứ vào của bảo đảm. Một khi người xin vay trình được của đảm bảo thì ít có việc gì cần hỏi nữa. Có thể thái độ đó được ngân hàng khác cho là có lý trong trường hợp những người xin vay tiền là những người quan trọng mà ngân hàng biết rõ.
Nhưng Tín Nghĩa ngược lại giao dịch với giới tiểu thương. Chúng tôi không quan trọng hóa của đảm bảo mặc dầu điều đó là căn bản quy định để cho vay.
Nhưng cần phải hiểu cái chúng tôi muốn thâu hồi không phải là của bảo đảm mà là món tiền cho vay kia. Vì vậy, chúng tôi chú trọng trước nhất là danh tiếng trong ngành nghề của người xin vay.
Điều lợi hại thực sự của chúng tôi, là cá nhân của người vay và chương trình của khách. Chúng tôi nghiên cứu và cho điều tra tận tường về kế hoạch của họ. Đôi khi những người có trách nhiệm cho vay của chúng tôi còn gợi ý cho người xin vay sửa lại kế hoạch hữu hiệu hơn.
...mà còn thu hút khách hàng các giới bình dân |
Chi phí điều tra về quá trình tại Tín Nghĩa có thể bằng hai lần tốn kém ở các ngân hàng khác. Điều này làm tăng tiền mướn thêm nhân viên, nhưng hạ thấp số tiền thất thu hoặc khó thu hồi.
Năm 1971, nợ khó đòi là 0,6%. Số tiền này thật rất thấp so với đa số ngân hàng khác”.
Trong thời gian này, Ngân hàng Quốc gia vẫn đem ra bàn thảo lại những hành động “thực tiễn” của Tín Nghĩa. Nhiều người sợ rằng số chi nhánh mở ra quá nhiều và quá mau sẽ là gánh nặng quá lớn về phương diện quản trị của các quản trị viên của Tín Nghĩa. Lại nữa, ông Đời tiếp tục một chính sách mở mang nhanh chóng bất chấp về số lợi tức.
Để kéo khách hàng mới, Tín Nghĩa trả tiền lời cao nhất về các sổ ký thác tiết kiệm. Ngoài ra về những số tiền ký gửi, tiền lời tính mỗi ngày chứ không phải tính trên kết số tối thiểu hàng tháng như ở những ngân hàng khác. Có thể những việc thực tiễn đó làm giảm số hoa lợi của Tín Nghĩa. Nhưng bù lại, làm cho sự cạnh tranh càng ráo riết hơn.
Số người đem tiền ký thác bắt đầu tăng lên. Từ tình trạng sắp bị phá sản hồi 1967, qua đầu năm 1972, Tín Nghĩa đã trở thành ngân hàng tư quan trọng nhất của VNCH.
Một chuyên gia thời đó nhận xét: “Ông Đời chỉ huy tất cả. Ông ấy là chủ nhân, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, là Tổng Giám đốc. Ông ấy muốn cho ngân hàng mau lớn mạnh”.
Về phương diện cho vay, chính sách của Tín Nghĩa là dành ưu tiên cho những trung và tiểu xí nghiệp. Phần lớn nhất hoạt động cho vay của Tín Nghĩa được tập trung tại Sài Gòn. Với mức độ tổ chức, Tín Nghĩa thực hiện quyền tập trung cao. Theo ông Đời, làm như vậy tạo được sự kết hợp và quân bình chính sách chung.
Những quyết định quan trọng về chính sách của Ngân hàng đều do ông Đời và Ủy ban Điều hành quyết định. Ông Đời có lưu ý rằng lối quản trị của ông không phải là hoàn toàn độc đoán: “Triết lý quản trị của tôi là một thứ hỗn hợp giữa “quản trị độc đoán” và “quản trị tham gia”. Những ý kiến mới trước khi áp dụng phải được bàn thảo và hiểu rõ, bằng không sẽ gây phiền lòng.
Tôi chống lại việc bắt buộc nhân viên tôi phải chiều theo ý tôi. Ban Quản trị Tín Nghĩa luôn luôn phải dấn thân. Tìm tân phương pháp để thực hiện là điều quan trọng nhất cho nên chúng tôi khuyến khích và thưởng cho những nhân viên nào trình ra những ý kiến hay.
Trong năm chót, hơn 50% tổng số nhân viên đã được ban khen về những ý kiến này hoặc ý kiến nọ. Ở đây tinh thần đồng đội rất mạnh. Nhân viên của chúng tôi mặc đồng phục màu sắc của Tín Nghĩa, đàn ông thắt cà vạt có phù hiệu Tín Nghĩa. Nhân viên của chúng tôi không làm hết giờ, họ làm đến khi xong việc mới nghỉ.
Triết lý làm việc với đồng nghiệp
Ông Đời hồi ức: “Người ngoài tự hỏi tại sao chúng tôi làm việc quá trễ như vậy mà tiền lương cũng chỉ bằng những ngân hàng khác. Câu trả lời là bởi vì nhân viên tin tưởng vào Tín Nghĩa. Họ nhìn thấy cán bộ cấp cao cũng làm trễ như các người khác. Họ biết rằng chúng tôi bị các ngân hàng khác tấn công và chúng tôi phải làm việc trội hơn để sinh tồn.
Nhân viên của chúng tôi đã cảm thông và hãnh diện rằng mình là một thành phần đã làm được một cái gì đó mới mẻ và đang trưởng thành.
Tôi nghĩ rằng nếu để cho họ làm việc theo thói quen và rảnh rỗi thì họ sẽ không tiến bộ. Cho nên Hội đồng phải luôn luôn tìm tân phương pháp để khích lệ nhân viên hầu cho họ luôn luôn sẵn sàng tiến công.
Một chi phiếu của Tín Nghĩa ngân hàng |
Tôi không muốn thấy nhân viên tôi cho rằng tổ chức hiện hữu là thật hoàn toàn. Tôi muốn họ nỗ lực làm cho tổ chức tốt hơn nữa. Mỗi năm tôi đưa ra ba hay bốn ý kiến mới.
Đầu tiên là ý kiến nhằm vào việc làm tăng số khách hàng. Thứ nhì, làm cho nhân viên không được tự mãn về tổ chức hiện hữu.
Trên một vài khía cạnh, việc quản trị của chúng tôi được dễ dàng nhờ nhân viên có ý thức kỷ luật và chịu khó nghiên cứu, học hỏi và trước tiên về sự chấp nhận thay cái mới chứ không giữ những thói cũ. Cần phải giữ cho hệ thống di động luôn luôn, còn nhân viên phải đa năng đa nhiệm.
Tôi hãnh diện về tinh thần đồng đội của nhân viên. Chúng tôi tăng những lợi lộc ngoại lệ như: nhà ở, xê dịch, chuyên chở, cho vay rẻ để nhân viên mua sắm như xe gắn máy, xe hơi hay một ngôi nhà.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng của họ vào tương lai thịnh vượng của Tín Nghĩa.
Chúng tôi muốn họ hòa mình với ngân hàng và cùng hưởng những lợi tức trong sự phát triển và trưởng thành của ngân hàng với ý niệm “Tôi làm cho tôi”.
Mỗi tháng chúng tôi tổ chức hai buổi hội thảo để cho thành viên của Hội đồng và nhân viên các cấp để cho họ có dịp tham gia vào phương pháp quyết định.
Những ý kiến của họ đều được Ủy ban gồm có tôi và hai ông Phó Tổng Giám đốc ghi nhận. Dĩ nhiên quyết định chung thẩm phải do chính tôi.
Tôi thấy những cuộc bàn thảo đó thật là hữu ích, giúp cho sự tin cậy và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Giám đốc và thuộc cấp được tăng thêm. Những phiên họp ấy cũng tạo niềm tin cho các nhân viên, họ cảm thấy đã đóng góp cái gì đó hữu ích và sự tăng trưởng của Tín Nghĩa.
Những cuộc bàn thảo đó còn tạo cơ hội cho tất cả đều có ý chí xây dựng và phát sinh ra ý kiến mới mẻ.
Một số người tìm tòi để hiểu về sự thắng lợi của Tín Nghĩa. Tôi nghĩ rằng triết lý về quản trị của tôi là “phải biết mình ở đâu”: “Muốn đạt được thắng lợi, phải biết để mũi ra ngoài cửa sổ và đánh hơi xa và đích xác và kịp thời””.
(Còn tiếp)