Tỷ phú 'khét tiếng' ăn chơi và hàng tỷ USD thất thoát của Đại án 1MDB đang ở đâu?

Jho Low xuất hiện bên kiều nữ Paris Hilton trong một bữa tiệc.
Jho Low xuất hiện bên kiều nữ Paris Hilton trong một bữa tiệc.
(PLVN) - Vụ bê bối tại 1MDM (tên đầy đủ là 1Malaysia Development Berhad) - một công ty đầu tư của Chính phủ Malaysia được thành lập trong năm 2009 dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết khi nhân vật trung tâm của vụ scandal này vẫn đang lẩn trốn và chưa bị bắt. Trong quá trình điều tra, hàng loạt những tên tuổi lớn trên khắp thế giới và những điều “thâm cung bí sử” đã phát lộ.

Ban đầu, mục tiêu của 1MDB bao gồm mua lại các nhà máy điện tư nhân và lên kế hoạch xây dựng khu phố tài chính mới ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, quỹ này lại nổi tiếng ở khoản đi vay nhiều hơn là thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn. Tính tới nay, 1MDB có tổng nợ tích lũy là 12 tỷ USD.

Phần nổi của tảng băng

Năm 2011, Xavier Justo (48 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ) rời khỏi giới tài chính buồn tẻ ở London và đến Thái Lan để cùng bạn gái đi du lịch khắp đất nước này. 2 năm sau, họ kết hôn trên một bãi biển hẻo lánh. Cặp đôi này cuối cùng đã định cư ở Koh Samui - một hòn đảo của Thái Lan và là điểm nóng du lịch, chỉ cách Bangkok 1 giờ bay.

Sau khi thử một vài dự án kinh doanh, cuối cùng Justo quyết định sẽ đi vào kinh doanh khách sạn. Anh ta mua một mảnh đất với một ngôi nhà hoành tráng và bắt đầu xây dựng thêm phòng tập thể dục, biệt thự và một sân tennis.

Justo đã dành 3 năm để xây dựng tổ hợp nhà gỗ và căn hộ bằng đá trắng sang trọng nhìn ra biển lung linh và gần như sẵn sàng để mở cửa kinh doanh. Tất cả những gì anh ta còn chờ đợi là một tờ giấy phép. Chiều 22/6/2015, Justo đến dinh thự khách sạn của mình để chờ gặp đại diện của cơ quan quản lý du lịch và hoàn tất thủ tục kinh doanh.

Nhưng thay vào đó, người đến gặp anh ta lại là một đội cảnh sát Thái Lan có vũ trang, họ bất ngờ ập vào, khống chế Justo. Cảnh sát khóa tay Justo, đè anh ta xuống sàn nhà sau đó tiến hành lục soát các máy tính và tủ hồ sơ.

Sau 2 ngày bị giam giữ và thẩm vấn trong một nhà tù địa phương, Justo đã được đưa đến Bangkok và đưa đến xuất hiện trước một cuộc họp báo quy mô lớn. Tại đây, anh ta được 4 lính đặc nhiệm trang bị vũ khí áp giải và bảo vệ, trong khi một nhóm gồm các sĩ quan cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thông tin vắn tắt trong một buổi họp báo quy mô lớn về cuộc bắt giữ này.

Justo bị buộc tội tống tiền chủ công ty cũ của mình là PetroSaudi (trụ sở tại London). Nhưng đằng sau cáo buộc tưởng chừng như bình thường này lại đặt ra một câu chuyện bê bối vượt sức tưởng tượng.

Bởi lẽ trước khi bị bắt khoảng 6 tháng, Justo đã trao cho một nhà báo người Anh tên Clare Rewcastle Brown hàng ngàn tài liệu, bao gồm 227.000 email, từ các máy chủ của PetroSaudi - một công ty dịch vụ dầu mỏ đã ký thỏa thuận lớn đầu tiên với quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia. Với dữ liệu khoảng 90GB từ PetroSaudi, hàng loạt manh mối giúp làm sáng tỏ vụ bê bối nhiều tỷ USD tại 1MDB đã được phát hiện.

Các tài liệu mà Justo tiết lộ đã tạo ra hiệu ứng “dây chuyền” và kéo theo hàng các vụ điều tra ở nhiều quốc gia sau đó. Theo các tài liệu được công bố bởi Bộ Tư pháp Mỹ, ít nhất 4,5 tỷ USD đã bị đánh cắp từ 1MDB. 

Tay chơi tỷ phú

Mục đích của 1MDB được thành lập vào năm 2009 là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở một quốc gia nơi thu nhập trung bình đạt khoảng 300 bảng mỗi tháng. Nhưng trái lại, tiền bị đánh cắp từ 1MDB đã được chuyển đến nhiều đầu mối có liên quan đến cựu Thủ tướng Malaysia là Najib Razak.

Theo cáo buộc, ông Najib đã nhận được 681 triệu USD tiền mặt từ 1MDB, số tiền này đã được “hô biến” thành căn hộ cao cấp ở Manhattan, biệt thự ở Los Angeles, tranh của Monet, máy bay phản lực và thậm chí tài trợ cho một bộ phim lớn của Hollywood... nhưng ông này đều phủ nhận. 

Bộ Tư pháp Mỹ chia vụ bê bối tài chính trên thành 3 giai đoạn khác nhau: 1 tỷ USD đầu tiên bị là giả vờ đầu tư vào một liên doanh giữa 1MDB và PetroSaudi; 1,4 tỷ đô la khác được Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư đa quốc gia) huy động vào trái phiếu, sau đó bị chiếm dụng và chuyển sang một công ty nước ngoài của Thụy Sĩ; 1,3 tỷ USD cũng từ tiền mà Goldman Sachs huy động được trên thị trường, đã được chuyển đến một tài khoản Singapore.

Những người trong vụ việc này đã rửa tiền thông qua một mạng lưới phức tạp bằng các giao dịch bất minh, các công ty “bình phong” với các tài khoản ngân hàng ở các nước trên thế giới, bao gồm Thụy Sĩ, Singapore và Quần đảo Virgin...

Trước khi vụ việc này bị phanh phui, ông Najib lúc đó còn đương chức đã sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để cản trở các cuộc điều tra về vụ bê bối này. Tuy nhiên, nhân vật trung tâm, mắt xích của vụ việc này được cho là Low Taek Jho (37 tuổi, hay còn được gọi là Jho Low) - một tỷ phú khét tiếng ăn chơi người Malaysia và có mối quan hệ rộng với giới nghệ sĩ, đến nay vẫn đang lẩn trốn.

Xavier Justo và vợ trước khi bị bắt.
Xavier Justo và vợ trước khi bị bắt.

Tại tòa án liên bang ở New York vào cuối năm 2018, Jho Low bị buộc tội (vắng mặt) liên quan đến vụ trộm cắp và rửa tiền hàng tỷ USD tại Mỹ. Tại Malaysia, tỷ phú này cũng đang bị điều tra về việc rửa tiền. Mặc dù trốn chui lủi nhưng Jho Low vẫn khẳng định mình “vô tội”.

Low nổi tiếng là người thích tiệc tùng, trong danh sách “bạn tiệc” của tỷ phú này có những cái tên của các kiều nữ và minh tinh nổi tiếng như Lindsay Lohan và Paris Hilton. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với báo chí vào năm 2015, Low đã không ngại khi nói về lối sống ăn chơi của mình.

Tỷ phú nổi tiếng đã mua 23 chai rượu sâm-panh trong một quán bar ở New York để tặng nữ diễn viên Lindsay Lohan vào sinh nhật lần thứ 23 của cô. Tỷ phú này sống trong một căn hộ trị giá 100.000 USD mỗi tháng trên phố West 56th, bên cạnh những người nổi tiếng như Daniel Craig và Sean Combs.

Năm 2011, Low đã mua 20% cổ phần của EMI, công ty xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới, với giá 106 triệu USD. Cùng năm đó, ông ta đã mua một căn penthouse trị giá 30 triệu USD cho cha mình tại Trung tâm Time Warner ở Manhattan, nhìn ra Công viên Trung tâm. 

Người nổi tiếng cũng liên lụy

Low cũng “có công” trong việc đưa nam tài tử Leonardo DiCaprio vào vai chính trong bộ phim bom tấn “The wolf of Wall street” (Sói già phố Wall) - câu chuyện về tham nhũng, suy đồi và tham lam của những kẻ trục lợi từ cổ phiếu và tài chính tại phố Wall (Mỹ). Chính Jho Low đã giới thiệu DiCaprio cho Red Gran Pictures - công ty sản xuất phim tại Mỹ do Riza Shahriz Bin Abdul Aziz (con riêng của cựu Thủ tướng Najib Razak) đồng sáng lập.

Trong hồ sơ vụ án, các công tố viên đã cáo buộc rằng Low đã làm thân với DiCaprio, cho phép nam diễn viên đánh bạc bằng tiền của mình tại sòng bạc Venetian (Las Vegas), tặng nam tài tử các tác phẩm nghệ thuật giá trị và tài trợ cho bộ phim đình đám “The wolf of Wall street” mà DiCaprio đóng vai chính. Chính trong lời phát biểu của mình khi nhận giải thưởng Quả cầu vàng cho vai diễn trong phim trên đã nói lời cảm ơn Low và Riza Aziz. 

Vào năm 2016, các công tố viên đã tịch thu một lượng tiền thu được từ bộ phim “Sói già phố Wall” (con số cụ thể không được đưa ra nhưng bộ phim ra mắt năm 2014 đạt được doanh thu cao kỷ lục, khoảng 400 triệu USD trên toàn thế giới). Văn phòng công tố New York cáo buộc bộ phim được tài trợ bằng khoản tiền bị đánh cắp từ Quỹ 1MDB chuyển sang công ty sản xuất phim do con trai riêng cựu Thủ tướng Najib đồng sáng lập.

Các công tố viên sau đó tiếp tục tịch thu của DiCaprio một bức tranh Picasso - vốn là một quà tặng từ Low trước đây và bị cáo buộc được mua bằng 3,2 triệu USD tiền bị đánh cắp. Người phát ngôn của DiCaprio cho biết trước đây nam diễn viên đã bắt đầu các thủ tục tố tụng để chuyển bức tranh cho chính phủ Mỹ và hoàn toàn ủng hộ tất cả các nỗ lực điều tra để đảm bảo công lý được thực hiện.

Các công tố viên khẳng định DiCaprio không phải là mục tiêu của cuộc điều tra và coi nam diễn viên trong phim “Sói già phố Wall” DiCaprio là một nhân chứng có thể cung cấp những thông tin hữu ích để kết tội Jho Low.

Thực thi công lý

Tỷ phú Jho Low sau khi nhận thấy “có biến” đã tìm cách làm cho cuộc điều tra này “chìm xuồng”. Các công tố viên Mỹ đưa ra bằng chứng rằng cựu rapper của nhóm nhạc Fugees Prakazrel “Pras” Michel cũng liên quan tới việc lập các tài khoản để Jho Low vung tiền ra dập tắt cuộc điều tra này, sau đó nam nghệ sĩ này đã báo cáo trường hợp này với chính quyền.

Ngoài ra, Elliott Broidy - một nhà gây quỹ kỳ cựu của đảng Cộng hòa, người đã giúp kêu gọi các nhà tài trợ lớn ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016 cũng có liên quan, nhưng sau đó cả Broidy và Michel đều không bị buộc tội vì sau cùng, các động thái nhằm dập tắt cuộc điều tra nêu trên đã không thành công. 

Chính phủ Malaysia dưới thời lãnh đạo bởi ông Najib Razak đã khẳng định không có sai phạm gì tại Quỹ 1MDB và cố gắng dập tắt vụ điều tra liên quan tới quỹ, ngay cả khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ phát hiện ra quỹ đã rửa khoản tiền khổng lồ trị giá 4,5 tỷ USD.

Kể từ khi ông Mahathir Mohamad trở thành Thủ tướng Malaysia sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2018, chính phủ mới của Malaysia đã thực hiện lời hứa với người dân bằng cách lật lại vụ điều tra Đại án Quỹ 1MDB và quyết tâm truy thu số tiền bị biển thủ từ ngân sách.

Nam tài tử trong phim “Sói già phố Wall” từng rất thân thiết với Jho Low.
Nam tài tử trong phim “Sói già phố Wall” từng rất thân thiết với Jho Low.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Daim Zainuddin - người trung thành với Thủ tướng Mahathir, tiết lộ rằng Low đã liên lạc thường xuyên với ông để tìm cách dàn xếp về cuộc điều tra Quỹ 1MDB. Tuy nhiên, ông Daim đã từ chối đề nghị của Low trừ khi tỷ phú này trở về Malaysia và tố giác những người khác liên quan.

Ngay khi nhận thấy nguy cơ, Low đã chạy trốn kể từ trước cuộc tổng tuyển cử của Malaysia vào tháng 5/2018. Tỷ phú này đi chu du vòng quanh châu Á bằng du thuyền sang trọng và đến Phuket (Thái Lan) trong lúc chờ đợi kết quả của cuộc bỏ phiếu Thủ tướng Malaysia.

Một nguồn tin cho biết, Jho Low cùng những người thân cận đã từng ẩn náu tại các căn hộ cao cấp thuộc Pacific Place Apartments (Hồng Kông) trong vài tháng. Jho Low và gia đình ông ta thuê một số căn hộ trên các tầng 32, 34 và 36 của Pacific Place Apartments.

Theo một số website, một căn hộ 1 phòng ngủ, rộng 1.220m2 trong tòa nhà này có giá trung bình 84.000 HKD (tương đương 10.700 USD) mỗi tháng; trong khi căn hộ 3 phòng ngủ rộng hơn 2.650m2 có giá 230.000 HKD (tương đương 30.000 USD) mỗi tháng.

Một số phóng viên đã tìm đến tòa nhà này và tìm thấy một bức ảnh của Jho Low với 3 nhân viên tiếp tân. Tuy nhiên, quản lý tòa nhà nói rằng không có ai tên Low Taek Jho đăng ký thuê tại đó. Sau khi rời khỏi Hồng Kông, Jho Low cùng gia đình được cho là đã tới Macau và lưu trú tại đây trong vài tuần đầu tháng 7/2018.

Lý do Hongkong không làm gì để ngăn chặn Low là vì không có yêu cầu chính thức nào cho việc bắt giữ tỷ phú này từ Malaysia hay Singapore, nơi vụ bê bối Quỹ 1MDB đang bị điều tra.

Trong khi Malaysia có các thỏa thuận hỗ trợ pháp lý song phương với Hồng Kông  nhưng lại không có những thỏa thuận tương tự với Macau. Tuy nhiên, viên chức an ninh Macau khẳng định, Low không thể ở lại thành phố hơn 30 ngày, thậm chí nếu tỷ phú này “lách luật” bằng cách ra - vào thành phố liên tục trong 3 lần thì ông ta cũng sẽ bị trục xuất ngay.

Do vậy, lựa chọn duy nhất của Low sẽ là đưa ra yêu cầu tị nạn, tuy nhiên các nhà chức trách Macau vẫn chưa trả lời câu hỏi tỷ phú này đã làm đơn xin như vậy hay chưa.

Trong một động thái khác, Malaysia đã nộp đơn tố giác tội phạm đối với những người có liên quan đến Quỹ 1MDB, bao gồm vợ của cựu Thủ tướng Najib - bà Rosmah Mansor, và cựu Tổng thư ký Kho bạc quốc gia Malaysia Irwan Serigar, người cũng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Nhà nước (1MDB).

Đầu năm 2019, cảnh sát Malaysia đã gặp chính quyền Trung Quốc để nhờ lực lượng chức năng nước này giúp đỡ trong cuộc truy lùng tỷ phú Low Taek Jho. Tổng thanh tra Mohamad Fuzi Harun (Cảnh sát Hoàng gia Malaysia) cho biết những nỗ lực truy tìm Low đang diễn ra và giới chức nước này đã liên lạc với Interpol để kết hợp truy tìm Low. 

Trong một nỗ lực mới nhất, WSJ cho biết, Chính phủ Malaysia vừa nhận lại từ Mỹ chiếc du thuyền Equanimity trị giá gần 1 tỷ RM (tương đương gần 250 triệu USD) từng được sở hữu bởi tỷ phú Low Taek Jho. Du thuyền hạng sang này nằm trong danh sách những món đồ có giá trị được cho là mua từ tiền bòn rút và tẩu tán của Quỹ 1MDB.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn đang giữ nhiều trang sức, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và nhiều tài sản khác được mua bằng công quỹ Malaysia. Bộ Tư pháp hai nước hiện đang phối hợp để tìm cách chuyển số tài sản này trở về Malaysia.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết nước này vẫn nỗ lực đàm phán để thu hồi lại chuyên cơ trị giá hơn 35 triệu USD do Low sở hữu nhưng đang nằm tại Singapore. Chính quyền Đảo quốc Sư tử cũng đã hoàn trả cho Malaysia 15,3 triệu SGD (hơn 11,1 triệu USD) liên quan đến Quỹ 1MDB hồi tháng 9-2018, theo Channel NewsAsia.

Đây chỉ mới là một phần nhỏ tổng số tài sản mà Singapore tịch thu trong quá trình điều tra những giao dịch liên quan đến đại án tham nhũng của nước láng giềng. Năm 2016, Chính phủ Singapore từng khẳng định đã tịch thu lượng tiền mặt và tài sản trị giá hơn 175 triệu USD trong quá trình điều tra 1MDB.

Theo các báo cáo từ cơ quan điều tra Malaysia, nhiều tỷ USD từ Quỹ 1MDB đã bị bòn rút và được chuyển một cách tinh vi nằm rải rác ở ít nhất 10 nước, khiến việc thu hồi vô cùng khó khăn. Riêng việc xác định tài sản bất minh đang nằm tại những quốc gia nào đã là một bài toán nan giải. Mạng lưới giao dịch của những đối tượng chủ mưu trong đại án tham nhũng 1MDB phức tạp đến mức Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber gọi nó gần giống với “lừa đảo đa cấp”.  (Còn nữa)

Đọc thêm

Sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil

Bị cáo Hạnh tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Từ ngày 20/11, TAND TP HCM mở phiên xử vụ án xảy ra tại Cty Xuyên Việt Oil. Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Bến Tre, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank bị truy tố hai tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi và Nhận hối lộ.

Thông thầu, 3 giám đốc doanh nghiệp hầu tòa

Thông thầu, 3 giám đốc doanh nghiệp hầu tòa
(PLVN) - Liên quan đến hành vi thông thầu trong vụ án xảy ra tại trung tâm thuộc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi gây hậu quả nghiêm trọng, 3 giám đốc doanh nghiệp bị xử phạt cải tạo không giam giữ.

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố
(PLVN) - Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thủy (SN 1980) là công chức địa chính xã Kim Linh (huyện Vị Xuyên) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam
(PLVN) -Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.