Tìm niềm vui qua tranh thêu sau những thăng trầm cuộc sống, đam mê đó chẳng ai ngờ lại gắn bó với chị Nguyễn Thị Hải (SN 1961, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) gần 10 năm nay. Kết quả của mối lương duyên là những bức tranh thêu sống động, chưa từng được biết đến: Tranh thêu trên giấy dó.
“Vui tay” mà trở thành nổi tiếng
Chị Hải tâm sự từ nhỏ đã thích vẽ vời, thêu thùa nên sau khi tốt nghiệp đại học, lập gia đình, có công việc đúng ngành nghề, chị vẫn quyết định bỏ ngang để đi theo niềm đam mê, đăng ký học ngành thêu.
Ba tháng học hỏi thuộc nằm lòng kỹ thuật, rồi tìm hiểu các sách báo viết về hội họa, nghiệm ra kỹ thuật chỉ là cái cơ bản, sự sáng tạo của người thêu trong cách phối màu mới làm nên hồn của bức tranh. Những gam màu sáng, tối, thanh, nhạt phối hợp đúng cách, sẽ tạo cho tranh thêu sống động như thật.
Thêu trên vải đã khó, người phụ nữ này còn “cao tay” thêu tranh trên… giấy |
Nhờ siêng năng tìm tòi, học hỏi, tranh chị thêu ngày càng được nhiều người biết tới. Một thời gian sau, để thỏa mãn đam mê, chị quyết định mở một phòng tranh tại TP.HCM. Tại đây, ngoài việc tự mình sáng tác những bức tranh thêu theo yêu cầu của khách hàng, chị còn tham gia hướng dẫn, chỉ dạy cho hàng trăm người có nhu cầu học thêu.
Những tưởng cuộc đời chị chỉ gắn liền với nghệ thuật tranh thêu, nhưng cơn lốc "kim tiền" đã kéo chị vào vòng xoáy.
Năm 1996, nhu cầu xây dựng tăng cao, có bao nhiêu vốn liếng, chị hùn hạp cùng bạn bè để thành lập công ty chuyên về xây dựng. “Thương trường là chiến trường”, chưa có kinh nghiệp, không lường trước những bất trắc có thể xảy ra nên kinh doanh thất bại, chị trở thành con nợ "khủng", phải bán tống bán tháo nhà cửa đất đai để trả nợ.
Phải bảy năm sau, thiếu phụ mới có dũng khí làm lại từ đầu, mở một phòng tranh tại quận 2 (TP.HCM). Phòng tranh nhanh chóng được biết đến, tranh của chị lại được đón nhận như ngày nào khiến mặc cảm thất bại cũng tan biến dần.
Cuối năm 2010, chị quyết định chuyển phòng tranh về nhà mình tại Đồng Nai. Chị chia sẻ: "Vĩnh Thanh là mảnh đất còn hoang sơ, yên tĩnh, chính là yếu tố rất cần cho sáng tạo nghệ thuật. Tôi đã trải qua thành công, cũng thất bại ê chề, giờ chỉ muốn làm việc theo đam mê, nuôi dưỡng tâm hồn cho những sáng tạo tiếp theo”.
Chính trên mảnh đất này, duyên thêu tranh trên giấy đã đến. Dù mở phòng tranh ở nơi heo hút nhưng khách vẫn thường xuyên ghé qua. Cơ hội đến vào đầu năm 2011, khi một họa sĩ phim trường đến phòng tranh tham quan, ngỏ ý nhờ chị thêu 30 bức tranh trên giấy phục vụ cho một bộ phim mới. Thời điểm đó, thấy giấy là chất liệu mỏng manh dễ rách, lại chưa từng thêu qua, không dám mạo hiểm, chị từ chối sau khi giới thiệu cho họ đến những nghệ nhân thêu tranh có tiếng hơn mình.
Khoảng một tuần sau, đối tác quay lại nói không tìm được người làm đúng như yêu cầu của đạo diễn. Không muốn làm khách hàng thất vọng, chị đồng ý thử nghiệm.
"Trời không phụ người có tâm", sau nhiều tháng mày mò cố gắng, 30 bức tranh đã hoàn thành. Bất ngờ hơn, những bức tranh chị thêu trên giấy sống động chẳng khác gì những bức thêu trên vải. Nhận thấy đây là loại tranh thêu khó, mang tính nghệ thuật cao nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, chị Hải bắt tay nghiên cứu chất liệu khó tính này. Chị chia sẻ, để có bức tranh uyển chuyển sinh động như thật, ngoài tay nghề và cảm thụ của nghệ nhân, việc chọn chất liệu giấy cũng rất quan trọng. Giấy phải không bị bung rách, có tính đàn hồi tương đối, để khi kim chỉ xuyên qua vẫn đảm bảo được độ mềm mại.
Nghề lắm công phu
Khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên, chị đã suy nghĩ rất nhiều, sau đó quyết định chọn giấy dó làm chất liệu. Bởi giấy dó có độ xù xì tự nhiên, độ dai vừa phải nhưng vẫn rất tinh khôi, mỏng manh mềm mại đầy nét tự nhiên. Đặc biệt với các bức thêu hoa hoặc tranh phác thảo, chất liệu giấy dó tạo cảm giác thanh tao, tinh khôi khiến người thưởng thức như muốn được nâng niu, gìn giữ.
Thêu một bức tranh trên giấy dó phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trước tiên là khâu chọn giấy và vẽ phác thảo. Chọn giấy phải phù hợp với kích thước bức tranh cần thực hiện. Tranh nhiều hình khối, hoặc thêu loài vật, chọn khổ giấy bản vuông; ít hình khối, chọn khổ giấy bản dài. Phác thảo hình vẽ lên giấy xong mới đặt lên khung. Từ đây, người thợ phải làm chủ được đường kim mũi chỉ để tạo ra bức tranh đa chiều nhất.
Chị chia sẻ kinh nghiệm thêu trên giấy: “Giấy nói chung và giấy dó nói riêng thường không có được tính đàn hồi, liên kết chặt chẽ như vải. Thêu trên vải, người thợ có thể siết mạnh để đường thêu chặt, sau đó chỉ sẽ từ từ dãn theo sự đàn hồi của vải. Riêng đối với giấy, chỉ cần vô ý kéo chỉ mạnh tay một chút sẽ bị rách, nhưng nếu kéo quá nhẹ, đường chỉ sẽ lỏng lẻo mất thẩm mỹ. Bởi thế, khi thêu trên giấy, ngoài năng khiếu, người thợ còn phải kiên trì, nhẫn nại, tuân thủ nguyên tắc tỉ mỉ, chính xác”.
Thông thường cùng một kích cỡ, bức tranh thêu trên giấy lâu hơn 2- 3 ngày so với thêu trên vải. Người thêu cũng phải tập trung tâm, mất công sức nhiều hơn. Để bức tranh có chất lượng tốt, mỗi ngày người thợ chỉ làm việc khoảng bốn tiếng đồng hồ. Trung bình một bức tranh thêu trên giấy dó khổ 40 x 60cm phải thêu khoảng một tuần.
Để việc thêu nhanh, nhẹ nhàng, chị đã cải tiến một số công đoạn thêu tay bằng cách thêu lắc tay (thêu bằng máy may). Tất nhiên, cách thêu lắc tay chỉ áp dụng được khi thêu những hình khối lớn như thân, cành cây, mình những con vật…
Chị giải thích, cành, thân cây phải có độ xù xì, thêu hình động vật phải khiến cho người xem cảm nhận được lông của chúng. Những đường kim lên xuống khi thêu bằng máy may làm chỉ xơ rối, vô tình tạo được những hiệu ứng trên.
Thế nhưng không phải ai cũng làm được kỹ thuật này. Nếu là may thông thường, người thợ chỉ cần điều chỉnh đường kim mũi chỉ bằng tay theo tốc độ nhanh chậm tùy ý. Còn với thêu tranh trên máy, phải điều chỉnh đường thêu theo tốc độ bàn chân đạp máy may. Tốc độ may phải nhanh, dứt khoát vì nếu đạp chậm đường chỉ không căng, rất dễ bị rách giấy. Theo chị, hiện nay, chỉ có khoảng 3 - 4 nghệ nhân áp dụng được kỹ thuật này vào tranh thêu.
Thời gian gần đây, nở rộ phong trào thêu trên tranh thêu chữ thập (loại tranh in sẵn, đã phối màu sắc cụ thể, người thêu chỉ việc “may” theo).
Với xu hướng này, chị Hải nhận xét đây là kiểu thêu “giết chết” tâm hồn người nghệ sĩ. Bức tranh không chuyển tải được tâm hồn con người trong đó. Hơn nữa, lại có hàng trăm, hàng ngàn bức giống y hệt nhau, trong khi đỉnh cao của nghệ thuật tranh thêu là mỗi bức tranh có một cái hồn riêng, phụ thuộc vào đường kim mũi chỉ của mỗi người thợ, không bức nào giống với bức nào.
Chính vì thế, chị đang ấp ủ dự định sẽ mở lớp dạy thêu tranh trên giấy miễn phí cho mọi người, nhất là các em nhỏ trong dịp nghỉ hè này với hi vọng “ Các em sẽ học được tính nhẫn nạn và nhiều điều bổ ích thông qua loại hình nghệ thuật tranh thêu”.
Theo Xa lộ pháp luật