Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Nội dung phiên toà giả định như sau: Khoảng đầu tháng 6/2018, Trần Ngọc Trinh bị lừa bán sang nước ngoài để làm việc tại quán massage. Đến đầu tháng 9/2022, trong lúc làm việc Trinh gặp và quen Nguyễn Thành Đạt là chủ khách sạn Hello (địa chỉ tại nước ngoài).
Sau đó, Đạt bảo Trinh về Việt Nam tìm phụ nữ đưa sang bán cho Đạt để phục vụ hoạt động kinh doanh massage. Tuỳ theo ngoại hình của mỗi người phụ nữ để được định giá mua bán, Trinh sẽ được trả từ 5.000 đến 6.000 USD nên Trinh đồng ý.
Cuối tháng 9/2022, Trinh từ nước ngoài về Việt Nam để tìm những người phụ nữ có ngoại hình đẹp, nhẹ dạ, cần việc làm rồi lừa bán. Trinh gặp Lê Phước Hanh, Nguyễn Văn Trọng nói về ý định của mình rồi đề nghị tìm người giúp thì Hanh và Trọng đồng ý.
Khi bắt gặp cháu Lê Thị Hoài Phượng (SN 2006) đi tìm việc làm nên Hanh tới làm quen và nảy sinh ý định lừa Phượng giới thiệu cho Trinh bán lấy tiền. Hanh đưa Phượng đến gặp Trinh, Trinh hứa sẽ giúp Phượng tìm được công việc nhẹ, lương cao nên Phượng đồng ý.
Sau đó, Trinh, Hanh, Trọng đưa Phượng đến khu vực biên giới để bán cho Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Phan Lộc thì bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tiếp đó, cơ quan chức năng đã phối hợp đấu tranh và giải cứu chị Lê Thị Thương Thương (SN 1997) đang bị nhốt tại khách sạn của Đạt ở nước ngoài.
Hành vi nêu trên của Nguyễn Thành Đạt, Trần Ngọc Trinh, Lê Phước Hanh, Nguyễn Văn Trọng và Nguyễn Phan Lộc đã vào phạm tội “Mua bán Người”.
Hội đồng xét xử phiên toà giả định sau đó đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Đạt 10 năm tù; Trần Ngọc Trinh 7 năm tù; Nguyễn Văn Trọng 5 năm tù; Lê Phước Hanh 5 năm tù; Nguyễn Phan Lộc 3 năm tù.
Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. |
Bằng hình thức sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi và sát thực tiễn, người tham dự phiên tòa giả định đã có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách dễ hiểu, dễ nhớ khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử theo quy định.
Đây là hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác cho mọi người trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người, từ đó chung tay đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao.