Năm học 2010 - 2011, thành phố có 40 trường THPT công lập và 16 trường THPT ngoài công lập, tăng 8 trường công lập, giảm 7 trường ngoài công lập so với năm học 2004 - 2005. Mặc dù số trường học nhiều, nhưng số học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 năm học 2009-2010 giảm 1527 em so với năm học 2008-2009. Dự báo những năm tới, số học sinh ngày càng giảm so với khoảng chục năm trước đây. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mới đây, thành phố có 23566 thí sinh dự thi tại 52 hội đồng thi. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh cả hai hệ công lập và ngoài công lập năm học này là 22212 học sinh. Như vậy, chỉ khoảng 1300 học sinh không đủ điểm để vào học tại các trường THPT công lập và ngoài công lập mà phải học tập tại các TTGDTX trên địa bàn thành phố.
Các thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT tại Hội đồng thi Trường THPT Hải An Ảnh: Minh Hải |
Lãnh đạo một số trường THPT công lập cho rằng, giao chỉ tiêu căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là đúng. Đồng thời, giảm số lớp học/trường và sĩ số học sinh/lớp là điều các trường gắng thực hiện, nhất là các trường đạt chuẩn quốc gia. Thực tế những năm qua, sĩ số lớp học quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường. Mặc dù kiến nghị bước đầu đã được thành phố và các ngành chức năng giải quyết nhưng đại điện 16 trường ngoài công lập là ông Hoàng Xuân Khóa vẫn băn khoăn khi cho rằng, số học sinh các trường THPT ngoài công lập hiện mới chiếm hơn 19% số học sinh lớp 10 toàn thành phố. Trong khi đó, các nghị quyết của Chính phủ và HĐND thành phố về xã hội hóa giáo dục, đề ra mục tiêu tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 40% tổng số học sinh toàn thành phố…
Xã hội hóa giáo dục cần có lộ trình
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà cho rằng, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục cần có lộ trình và thời gian thực hiện. Mục tiêu học sinh các trường ngoài công lập chiếm 40% số học sinh toàn thành phố có thực hiện được hay không phụ thuộc vào tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, cơ sở vật chất trường học phải đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục toàn diện. Bởi vậy, ngoài số phòng học đúng quy định, trường học còn phải có các phòng thí nghiệm, chức năng, đủ diện tích, khuôn viên, sân bãi rộng để thực hiện giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong số 16 trường THPT ngoài công lập tại thành phố hiện nay, trừ các trường THPT Thăng Long, Marie Curie, Hàng hải, Lý Thái Tổ, An Hải, Lương Thế Vinh, các trường còn lại còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đó là chưa kể số giáo viên cơ hữu hiện mới đạt gần 34%, còn lại các trường vẫn phải thuê và hợp đồng. Ông Hoàng Xuân Khóa cũng đồng tình với quan điểm này và mạnh dạn chỉ ra một số trường ngoài công lập không bảo đảm các điều kiện dạy và học, trong đó, có trường chưa có địa điểm ổn định, phải học nhờ, học tạm. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều ở các trường THPT ngoài công lập là lý do cơ bản để UBND thành phố cùng các ngành chức năng, trong đó có ngành GD-ĐT chưa mạnh dạn giao nhiều chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT ngoài công lập. Điều đó cũng có nghĩa, mục tiêu học sinh các trường ngoài công lập chiếm 40% tổng số học sinh toàn thành phố vẫn còn xa.
Để mục tiêu thành hiện thực
Không ít cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng, thành phố và ngành GD-ĐT nên rà soát lại hệ thống các trường THPT ngoài công lập, những trường nào đủ điều kiện hoạt động thì cho phép tuyển sinh, nơi nào chưa đủ điều kiện thì mạnh dạn đóng cửa để tạo sự công bằng, không làm ảnh hưởng đến uy tín các trường ngoài công lập nói chung (như Thủ đô Hà Nội đã thực hiện). Chừng nào các trường THPT ngoài công lập đủ “mạnh” như các trường THPT công lập, thành phố có thể tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 chung cho cả các trường công lập và ngoài công lập, tạo “sân chơi” bình đẳng cho các trường THPT. Khi đó, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn dịch vụ giáo dục có chất lượng và không còn băn khoăn trước những loại hình “công lập” hay “ngoài công lập”.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể cho rằng, những đóng góp của các trường THPT ngoài công lập với sự nghiệp giáo dục thành phố rất đáng kể, nhất là góp phần vào công tác phổ cập bậc trung học và phòng, chống tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên. Tuy nhiên, để học sinh không còn băn khoăn khi nộp đơn vào học tại các trường ngoài công lập, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế của thành phố và các ngành chức năng, đòi hỏi các trường phải đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng “thương hiệu” mạnh hơn nữa. Đó phải là sự đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực, tránh tình trạng nhà trường chỉ có cái tên, còn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn phải thuê, mượn. Muốn làm được điều này, cần có thời gian thực hiện, không thể nóng vội, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài, cho hàng trăm năm.
|
Bích Hạnh